Bi hài: Dân mất 10 vạn tấn lúa, công ty giống bị phạt 25 triệu đồng

Hơn 1 năm sau vụ mất mùa lịch sử, khiến người dân mất trắng 10 vạn tấn lúa, Hà Tĩnh đã có báo cáo toàn diện về nguyên nhân và xử lý trách nhiệm đối với cá nhân, tổ chức liên quan.

Sau hơn 1 năm xảy ra dịch bệnh đạo ôn cổ bông trong vụ Xuân 2017 gây nên vụ mất mùa lịch sử, Hà Tĩnh đã có báo cáo toàn diện đánh giá nguyên nhân và xử lý trách nhiệm đối với các cá nhân, tổ chức liên quan.

Theo ông Đặng Ngọc Sơn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh, ngay sau khi xảy ra dịch bệnh đạo ôn khiến Hà Tĩnh gần như mất trắng vụ Xuân 2017, Bộ trưởng bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) đã có Văn bản số 5121 ngày 21/6/2017 yêu cầu tỉnh báo cáo. Để đánh giá đúng bản chất và làm rõ nguyên nhân, lãnh đạo tỉnh đã thành lập hội đồng để đánh giá suốt quá trình diễn ra dịch bệnh.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh Đặng Ngọc Sơn báo cáo trong kỳ họp hội đồng về vụ mất mùa lịch sử.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh Đặng Ngọc Sơn báo cáo trong kỳ họp hội đồng về vụ mất mùa lịch sử.

Theo đó, Hà Tĩnh xác định có 2 nguyên nhân về khách quan và chủ quan.

Về khách quan: Thời điểm vụ Xuân 2017, giai đoạn khi lúa đang trổ bông, thời tiết rất thuận lợi cho việc phát triển bệnh đạo ôn. Bên cạnh đó, sau khi bộ NN&PTNT cho kiểm tra, có thông báo xuất hiện chủng đạo ôn mới. Trong khi giống lúa Thiên ưu 8 là loại giống mẫn cảm với loại bệnh này nhưng tỉnh ta gieo cấy trên diện tích quá lớn, trên 18 nghìn ha. Hơn nữa, thời tiết tại thời điểm đó có mưa, nên dù người dân phun thuốc phòng trừ quyết liệt nhưng hiệu quả thấp.

Về chủ quan: Hà Tĩnh đã đánh giá nghiêm túc về nguyên nhân là do có sự thiếu sót trong chỉ đạo sản xuất, chủ quan, thiếu cảnh giác từ cơ sở cho đến tỉnh trong việc dự tính, dự báo, phòng trừ nhất là cơ quan chuyên môn nên không có tham mưu kịp thời để xử lý.

Mặt khác, trên bao bì của giống Thiên ưu 8 ghi “đặc biệt kháng đạo ôn” thế nhưng trong hồ sơ gốc kiểm tra thì giống lúa này chỉ kháng đạo ôn ở mức trung bình dẫn đến sự chủ quan của người dân và cả cơ quan quản lý đối với loại giống này. Đồng thời, tập quán gieo dày, trên diện tích cơ cấu lớn nên mật độ sinh bệnh cao, đặc biệt giai đoạn trổ bông, bà con chúng ta có tâm lý không muốn phun thuốc phòng trừ dịch bệnh.

Vụ Xuân 2017, Hà Tĩnh mất trắng 12.000ha lúa do bị nhiễm bệnh đạo ôn cổ bông.

“Về việc điều tra, xác minh và xử phạt công ty giống cây trồng Trung ương (công ty cung cấp giống Thiên ưu 8) với quy mô thiệt hại vô cùng lớn, bộ NN&PTNT đã xử phạt ở mức cao nhất nhưng cũng chỉ phạt 25 triệu đồng. Với mức xử phạt này, chúng tôi đã chỉ đạo sở Tư pháp rà soát văn bản các quy định, quy phạm pháp luật về mức xử phạt hành chính, sở Tư pháp cũng đã có văn bản trả lời không thể phạt thêm, mỗi hành vi như vậy chỉ được xử phạt một lần”, Phó Chủ tịch Đặng Ngọc Sơn nói.

Liên quan trách nhiệm để xảy ra vụ mất mùa lịch sử, Hà Tĩnh đã kiểm điểm Giám đốc sở Nguyễn Văn Việt, Phó Giám đốc phụ trách Nguyễn Tuấn Thanh; phê bình chi cục Trồng trọt bảo vệ thực vật và chi cục Quản lý chất lượng; khiển trách 4 cá nhân thuộc các chi cục trực thuộc sở; phê bình trước toàn ngành 5 cá nhân của 2 chi cục là trồng trọt và chi cục chất lượng.

Tuy nhiên, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Hà Tĩnh Lê Đình Sơn đã gay gắt cho rằng, xử lý trách nhiệm của công ty giống cây trồng Trung ương là quá nhẹ so với những hậu quả nặng nề mà người dân phải chịu trong vụ mất mùa lịch sử 2017.

Bí thư Tỉnh ủy Lê Đình Sơn gay gắt đề nghị phải làm đến cùng, công ty Giống cây trồng Trung ương phải chịu trách nhiệm về hậu quả kinh tế gây ra cho bà con nông dân Hà Tĩnh.

"Nguyên nhân sâu xa bên trong đó là sự buông lỏng quản lý, thiếu kiểm tra, kiểm soát kịp thời của cả hệ thống. Việc này đề nghị ngành nông nghiệp nói riêng và cả hệ thống chính trị cần rút kinh nghiệm sâu sắc. Thiệt hại của vụ Xuân 2017 rất nặng nề 10 vạn lúa trên tổng số nếu được mùa bình quân đạt 30 vạn tấn, ảnh hưởng nghiêm trọng đến khoảng thời gian đó đối với người nông dân. Chính quyền kịp thời thực hiện những biện pháp hỗ trợ cho nông dân nhưng cũng không đáng kể. Chiều nay, trả lời tôi tin chắc rằng nhiều người không hài lòng đó là phạt công ty giống cây trồng Trung ương 25 triệu đồng, đây là xử phạt hành chính về mẫu mã bao bì, vậy hậu quả về kinh tế ai chịu trách nhiệm trước nhân dân? Mặc dù các đồng chí nói đã làm hết cách rồi, tôi nghe đồng chí Sơn nói đã điều tra, vậy ai điều tra về vi phạm hợp đồng kinh tế? Đây là vi phạm hợp đồng kinh tế chứ không phải mẫu mã. Các đồng chí cứ nhân ra 10 vạn tấn lúa với mức phạt 25 triệu đồng xem ai chịu được? Tôi đề nghị cần tiếp tục làm rõ đến cùng về việc này, để trả lời thỏa đáng trước nhân dân tỉnh nhà”, Bí thư Tỉnh ủy nhấn mạnh.

Trên đây là toàn bộ nội dung cuối tại phiên chất vấn diễn ra vào chiều 17/7, Kỳ họp thứ 7 HĐND tỉnh Hà Tĩnh khóa XVII.

Ngân Hà

Nguồn Người Đưa Tin: http://nguoiduatin.vn/bi-hai-dan-mat-10-van-tan-lua-cong-ty-giong-bi-phat-25-trieu-a378243.html