Bi hài chuyện xét nghiệm AND bò để giải quyết tranh chấp

Quá trình xét xử, cả nguyên đơn và bị đơn đều đưa ra bằng chứng để khẳng định con bò là quyền sở hữu tài sản của gia đình mình, buộc tòa đã phải tiến hành lấy mẫu xét nghiệm ADN để xác định huyết thống.

Do tập quán ở các xã miền núi thường thả rông trâu, bò trên rừng nên không ít hộ gia đình rơi vào tình huống dở khóc, dở cười, kiện tụng nhau vì không thể phân biệt nổi bò nhà mình và nhà khác.

Mới đây, TAND huyện Hiệp Đức (Quảng Nam) đã thụ lý một vụ án tranh chấp một con bò giữa nguyên đơn là ông T.X.C (SN 1984, trú xã Sông Trà) và bị đơn là ông N.V.B (SN 1960, trú xã Quế Bình).

TAND huyện Hiệp Đức nhận được đơn khởi kiện của gia đình ông C kiện gia đình ông B đã bắt bò của gia đình mình. Tại thời điểm đó, con bò được định giá khoảng 8 triệu đồng.

Theo đó, ông C cho biết, ngày 30/6/2018, ông lùa đàn bò qua thôn 4, xã Quế Bình thả. Ngày hôm sau, ông qua xem đàn bò thì phát hiện mất một con khoảng một năm tuổi có đặc điểm lông màu vàng, giống bò cỏ, đuôi bò có dấu hiệu bị chặt.

Ông C đi tìm và được người dân cho biết nhìn thấy ông B cùng con trai dắt một con bò về nhà ở thôn 2, xã Quế Bình.

Ông liền tới nhà ông B xem và nhận thấy con bò này có đặc điểm giống con của gia đình mình bị mất nên nói ông B cho xin lại. Tuy nhiên, ông B không đồng ý vì cho rằng đây là con bò gia đình ông bị mất trước đó không lâu.

Bức xúc vì bò của mình lại bị người khác lấy mất, ông C đã làm đơn gửi chính quyền địa phương và Công an xã Quế Bình để giải quyết.

Tại buổi làm việc với Công an xã này ngày 3/7/2018, ông B một mực khẳng định con bò nói trên là của gia đình ông.

Theo ông B, ngày 22/4/2018, gia đình ông bị mất một con bò cái khoảng 7 tháng tuổi, có tật ở đuôi, lông màu vàng, giống bò lai. Ngày 30/6, khi đang tìm bò ở khu vực thôn 2, xã Quế Bình, ông B phát hiện một con bò không có dây mũi. Ông đến gần thì thấy bò có đặc điểm giống với con bò bị mất của gia đình mình nên dắt về nhà.

Trong khi đó, ông C cũng khăng khăng nhận đó là bò của mình và miêu tả đặc điểm bên ngoài, đặc tính của con bò bị mất trùng khớp với con bò hai bên đang tranh chấp.

Nhiều lần đứng ra phân giải không thành, Công an xã Quế Bình đã quyết định tạm hoãn giải quyết vụ việc để chờ ý kiến cấp trên. Trong thời gian này, con bò được giao cho ông B tạm thời chăm sóc, nuôi dưỡng.

Ngày 4/7/2018, ông C làm đơn khởi kiện ông B ra tòa để giải quyết theo quy định của pháp luật. TAND huyện Hiệp Đức đã chấp nhận đơn khởi kiện của ông C.

Quá trình điều tra, xác minh, Ông C cho biết con bò của gia đình ông trước đó đã đẻ được một con bê do đó VKS cùng các cơ quan liên quan đã cho con bò con của nguyên đơn và con bò đang tranh chấp (tạm gọi là bò mẹ) gặp nhau.

Kết quả bò con vừa nhìn thấy bò mẹ đã chạy đến và đi theo. Tuy nhiên giải pháp này không khả thi vì con bò con lại không có nhiều điểm giống với con bò đang tranh chấp. Hơn nữa, các bên cho rằng bò ở các xã miền núi thường được thả rông, có thói quen sống theo bầy đàn nên không thể dựa vào điều này để kết luận rằng ông C là chủ của bò mẹ.

Khi việc tranh chấp trở nên đỉnh điểm, TAND huyện Hiệp Đức đề nghị lấy mẫu mô tai của hai con bò trên đưa đi xét nghiệm ADN để xác định huyết thống. Kết quả ADN đã khẳng định bò mẹ thuộc quyền sở hữu của ông C.

Ông C. nhận lại bò và đồng ý rút đơn khởi kiện. Ngày 1/10/2018, HĐXX ra quyết định đình chỉ giải quyết vụ án. Lúc này,về phía gia đình ông B vừa không được bò vừa có trách nhiệm phải hoàn trả hơn 16 triệu đồng tiền xét nghiệm ADN cho ông C theo quy định.

Mộc Lan

Nguồn BVPL: https://baovephapluat.vn/phap-dinh/cau-chuyen-phap-luat/bi-hai-chuyen-xet-nghiem-and-bo-de-giai-quyet-tranh-chap-69655.html