Bi hài chuyện vợ quyết đòi tiền công làm dâu nhà chồng thời hiện đại

Việc chúng ta tìm đến bạn bè và gia đình để tìm sự an ủi khi 'cơm không lành, canh không ngọt' là điều hoàn toàn tự nhiên. Tuy nhiên, bạn có biết rằng thói quen đó có thể mang lại khá nhiều rắc rối.

“Công làm dâu mỗi ngày 100.000 đồng!”

Đến với nhau tự nguyện nhưng mới cưới được tám ngày vợ chồng chị S. (20 tuổi) đã xảy ra mâu thuẫn. Sau bốn tháng lấy chồng, không chịu được cảnh làm vợ, làm dâu chị về nhà cha mẹ sống, đi khám và phát hiện mình bị bệnh phụ khoa. Theo chị S. anh Đ. (24 tuổi, chồng chị) gây bệnh cho vợ nhưng không chăm sóc, động viên nên chị làm đơn gửi UBND xã để đòi gia đình chồng phải trả tiền công làm dâu và tiền trị bệnh phụ khoa. Xã hòa giải không thành. Quá bức xúc và xấu hổ, anh Đ. đã làm đơn ly hôn gửi đến TAND huyện Hồng Dân, Bạc Liêu.

Chấp nhận ly hôn nhưng chị S. yêu cầu anh Đ. và mẹ chồng phải trả năm chỉ vàng 24k mà mẹ chồng đã cho hai người lúc cưới. Số vàng đó chị đã đưa cho anh Đ. ba chỉ vàng đi bán, mua xe máy để đi làm ăn. Hai chỉ còn lại, khi chị bị bệnh không có tiền chữa trị đã nhờ bà mẹ chồng mang đi bán nhưng sau đó bà lấy để đóng tiền hụi.

Một khoản nữa chị S. quyết tâm đòi là 38 triệu đồng tiền khám, chữa bệnh phụ khoa mà theo chị là do chồng gây ra. Theo chị, trong bốn tháng làm vợ là từng ấy thời gian chị phải phục vụ thỏa mãn nhu cầu của chồng dù không muốn và bệnh cũng từ đó mà ra.

Khoản tiếp theo là tiền bốn tháng làm dâu. Theo chị S., trong bốn tháng làm dâu chị phải đi bán hàng kiếm tiền đưa cho mẹ chồng, làm bổn phận của một người con dâu nhưng khi ly hôn thì không được chia tài sản mà còn mang bệnh vào người. Vì vậy chị cho rằng mẹ chồng phải trả tiền công làm dâu mỗi ngày là 100.000 đồng, tổng cộng tiền mẹ chồng phải trả bốn tháng làm dâu là 36 triệu đồng.

Tất cả khoản trên chị S. yêu cầu chồng và mẹ chồng phải trả hết một lần. Vụ án đã được hai cấp tòa sơ thẩm và phúc thẩm đưa ra giải quyết, chấp nhận đơn ly hôn của chồng, bác yêu cầu của vợ. Nhưng chị S. nói sẽ theo đuổi đến cùng và đang làm đơn yêu cầu xem xét giám đốc thẩm.

“Tôi thấy xấu hổ!”

Trao đổi với chúng tôi, bà NTB (mẹ chị S.) bức xúc: “Trước khi đi làm dâu, mẹ thằng Đ. đưa nó đi khám đâu có bệnh gì. Bây giờ, khi làm vợ thằng Đ. nó mới bị bệnh phụ khoa. Đáng lẽ là mẹ, từng có nhiều hiểu biết, bà mẹ chồng phải chỉ bảo, chăm sóc cho con tôi. Đằng này con tôi bị bệnh, bà ấy đã không đưa đi khám mà còn nhục mạ nó, nói nó là đứa lăng loàn. Bà ấy nói như thế là xúc phạm cả gia đình tôi. Nhất định con tôi phải theo đuổi vụ kiện tới cùng để đòi lại danh dự, còn có tiền cho con S. đi chữa bệnh”.

Mẹ của anh Đ. cho biết thời gian qua bà rất mệt mỏi khi liên tục đi hầu tòa. “Nó về nhà chồng chỉ có mấy bộ đồ. Đám cưới, nhà tôi phải đứng ra lo hết. Không có quần áo mặc, thằng Đ. phải chở nó đi mua, thậm chí đôi dép nó cũng phải chở đi mua. Tôi cho hai đứa năm chỉ vàng để có vốn làm ăn, tụi nó chi tiêu ra sao tôi đâu có biết. Cưới dâu về nó bỏ đi cũng buồn lắm chứ. Bây giờ thêm mấy cái khiếu nại khiếu nần của nó nữa làm gia đình tôi rối tung” - bà nói.

Nhắc đến vụ kiện, mặt anh Đ. buồn so: “Tôi rất xấu hổ khi những chuyện thầm kín của vợ chồng S. lại phơi bày ra cho người ta biết như thế. Hồi mới yêu, cô ấy là người hiền lành, chăm chỉ làm ăn và rất chất phác. Sau ngày cưới, vợ chồng tôi cùng đi buôn bán rau quả ngoài chợ. Cô ấy cũng rất có hiếu với cha mẹ chồng. Tôi đã từng rất tự hào khi cưới được người vợ xinh đẹp, đảm đang nhưng giờ thì quá thất vọng. Ra đường tôi chẳng dám ngẩng mặt lên mà đi. Xấu hổ vô cùng”.

Biết tin S. bị bệnh, anh đã đưa đi khám. Các bác sĩ cho biết bệnh của S. phải đốt điện thì mới khỏi. “Tôi chẳng hiểu biết gì về mấy chuyện bệnh phụ nữ, bệnh phụ khoa, nghe bác sĩ bảo phải dùng điện để đốt, tôi đã nghĩ nếu làm thế sao có con và sẽ ảnh hưởng đến cô ấy nên không đồng ý”. Nhắc đến những khoản đòi bồi thường của chị S. anh chỉ biết ngửa mặt lên trời mà cười: “Tôi với cô ấy cưới nhau mới bốn tháng, làm gì có tài sản chung nào, nếu có tôi cũng đưa cho cô ấy cho êm chuyện. Đằng này năm chỉ vàng cưới, lúc cần tiền mua cái máy xe Honda nên đã bán đi ba chỉ để mua. Số dư thì làm vốn mua hàng rồi đưa cô ấy đi khám bệnh. Hai chỉ còn lại, cô ấy cũng bán để đi chữa bệnh. Giờ ly hôn, giá cái máy xe lúc mua là 6 triệu đồng tôi đã chia đôi theo pháp luật rồi… Tôi mệt mỏi quá!”.

Trước đó, ngày 21/10, Tòa Dân sự TAND tỉnh Bình Định xử phúc thẩm, bác kháng cáo của bà D.T.Đ.H (51 tuổi, ngụ thị trấn Bồng Sơn, huyện Hoài Nhơn, Bình Định). Theo hồ sơ, năm 2005, ông N.T (70 tuổi) và bà H. cùng đi bước nữa và đăng ký kết hôn với nhau. Đến năm 2012, hai vợ chồng thường xuyên xảy ra mâu thuẫn nên bà H. nộp đơn xin ly hôn. Tháng 7/2014, TAND huyện Hoài Nhơn xử sơ thẩm, chấp nhận cho hai vợ chồng ly hôn. Về tài sản, hầu hết nhà cửa, đất đai đều do ông T. tạo lập, đứng tên trước khi kết hôn với bà H. nên tòa tuyên ông này chia cho bà H. một nửa giá trị tài sản chung của vợ chồng cùng làm ra trong thời gian chung sống là gần 24 triệu đồng. Ngoài ra, ông T. còn tự nguyện bồi thường thêm cho bà H. 5 triệu đồng. Không chấp nhận với phán quyết của tòa, bà H. kháng cáo, yêu cầu ông T. phải tính cho bà khoản tiền làm vợ trong 9 năm chung sống với 'giá' 100.000 đồng/ngày. Tại phiên xử phúc thẩm, bà H. một mực yêu cầu: 'Do ưng ổng (ông ấy) nên tôi mới 'xuất giá'. Khi lấy ổng, tôi đã giao nhà của chồng cũ của tôi (đã mất) cho con trai nên nay tôi không thể về đó ở được. Tôi yêu cầu ông N.T phải có nghĩa vụ lo nhà cửa mới cho tôi nhưng ổng không chịu. Do đó, tôi đề nghị tòa buộc ổng phải trả tiền công tôi đã làm vợ mỗi ngày là 100.000 đồng. Nếu không ưng ổng, giờ này tôi đã có nhà lầu xe hơi rồi'. Mặc dù HĐXX phải nhiều lần giải thích là pháp luật không có quy định tính công làm vợ, hơn nữa vợ chồng là tình cảm, đạo nghĩa không thể quy ra tiền nhưng bà H. vẫn không đồng tình. Tòa cho rằng yêu cầu của bà H. là vô lý nên không thể chấp nhận.

Vụ án có một không hai

Ông Cao Quốc Bảo, Chánh án TAND huyện Hồng Dân, Bạc Liêu, cho biết đây là vụ án có một không hai và lần đầu tiên tòa này thụ lý. “Từ trước đến nay chẳng có vụ án ly hôn nào khi đòi tài sản đương sự lại đi đòi tiền công làm dâu và bắt chồng bồi thường. Bởi chuyện quan hệ vợ chồng là chuyện tế nhị, có sự thỏa thuận giữa hai người. Thụ lý vụ án, chúng tôi đã rất nhiều lần đưa vụ án ra hòa giải, tìm cách phân tích, giải thích để chị S. hiểu nhưng không được. Một hai chị ấy quyết theo đuổi vụ kiện đến cùng. Đưa vụ án ra xét xử, chúng tôi chỉ biết căn cứ theo luật mà tuyên án. Vụ án cũng đã được cấp phúc thẩm tuyên y án” - ông Bảo nói.

Còn theo PGS-TS Trần Tuấn Lộ, Trưởng khoa Tâm lý Trường ĐH Văn Hiến, cho biết: “Chuyện thầm kín của vợ chồng đừng nên vạch áo cho người xem lưng mà cần phải đóng cửa bảo nhau, tìm ra phương pháp phù hợp. Nếu chúng ta cứ quy những việc thầm kín của vợ chồng ra tiền để mà kiện tụng, chì chiết nhau, làm mất danh dự của nhau là không đáng. Tôi mong những bạn trẻ trước khi đến với hôn nhân hãy trang bị cho mình thật tốt kiến thức về giới tính, tâm lý tình dục, đối nhân xử thế…”.

Luật sư TRẦN CÔNG LY TAO - Phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư TP.HCM:

Rất phi lý và không đúng pháp luật

Những khoản tiền chị S. đưa ra để đòi là rất phi lý và không đúng pháp luật. Hiện nay chưa có quy định hay điều luật nào quy định về việc người con gái đi lấy chồng, khi đã ly hôn lại đòi tiền làm dâu. Thứ hai, chẳng điều luật nào quy định vợ chồng quan hệ với nhau, khi người vợ bị bệnh người chồng phải bồi thường tiền. Nếu xét về tình nghĩa thì khi còn là vợ chồng, nếu chuyện quan hệ vợ chồng mà người vợ hoặc chồng bị bệnh thì hai vợ chồng phải cùng nhau để chữa trị. Ở đây, chị S. và vợ chồng đã ly hôn nhau thì việc đòi tiền khám, chữa bệnh rất khó.

Khi nào thì được ly hôn?

Theo Điều 89 Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2000, nếu xét thấy tình trạng hôn nhân trầm trọng, đời sống chung không thể kéo dài, mục đích của hôn nhân không đạt được thì tòa quyết định cho ly hôn.

Trên thực tế, khi giải quyết yêu cầu ly hôn, tòa phải xem xét từng trường hợp cụ thể. Trong quá trình giải quyết, nếu xét thấy những mâu thuẫn giữa hai vợ chồng chỉ là nhất thời, không đáng, có thể khắc phục được thì tòa sẽ bác đơn. Hoặc khi một bên cương quyết đòi ly hôn với lý do chồng (vợ) có quan hệ tình cảm với người khác mà không có căn cứ rõ ràng hoặc người chồng (vợ) đó đã sửa sai thì thẩm phán cũng tạo điều kiện cho hai bên đoàn tụ. Ngoài ra, tòa cũng bác đơn đối với những người xin ly hôn với lý do không chính đáng, chẳng hạn như đã sống chung hàng chục năm mà lại nói là tính tình không hòa hợp…

Dù vậy, gặp trường hợp xin ly hôn vì các lý do tế nhị như đời sống chăn gối không hòa hợp hay một bên vô sinh, các thẩm phán cũng không thể bác đơn một cách cứng nhắc mà còn tùy trường hợp, tùy ý chí của hai bên mới quyết định.

(Một thẩm phán Tòa Dân sự TAND TP.HCM)

Ngọc Văn

Nguồn Khỏe 365: http://khoe365.net.vn/bi-hai-chuyen-vo-quyet-doi-tien-cong-lam-dau-nha-chong-thoi-hien-dai-51451.htm