Bi hài chuyện tìm người phát biểu trong lễ khánh thành cổng đình mới

Nhân dịp tổ chức khánh thành công trình tôn tạo, xây mới cổng đình, làng An Nhiên quyết định tổ chức buổi lễ thật long trọng, hoành tráng. Nhưng riêng vụ khách mời- đại diện cho người con của làng đang làm ăn xa quê- về phát biểu, tranh luận suốt mấy ngày chưa chốt xong.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Trưởng thôn Nguyễn Đình Luých sau mấy đêm thức trắng lo chuyện tìm người phát biểu trong lễ khánh thành cổng đình vẫn rơi vào bế tắc, đành đến cầu cứu Chủ tịch xã.

Vừa thấy tiếng Trưởng thôn Luých ở ngoài sân, Chủ tịch xã Nguyễn Nam Phong đã cười trêu: “Thế nào? Chuẩn bị cho lễ khánh thành đến đâu rồi mà vẫn có thời gian rảnh đi chơi thế ông Luých?”. Anh Luých dựng xe, bước vào, lắc đầu nguây nguẩy: “Chán lắm, đang phải đến cầu cứu sếp đây!”, “Kinh phí thấy bảo rủng rỉnh, dân tình lại đang phấn khởi, vụ mùa năm nay hứa hẹn bội thu, cứ thế mà triển khai thôi, có gì mà phải cầu cứu?”- Chủ tịch xã vừa tráng ấm chè vừa cười trêu.

Đỡ chén nước trên tay, anh Luých chép miệng rồi thẽ thọt: “Em cũng đến khổ vì cái lễ khánh thành ấy đây. Mọi khâu tổ chức như em đã báo cáo với anh hôm trước, đâu vào đấy hết rồi. Giờ còn mỗi việc chọn người đại diện cho bà con sinh sống ở xa quê lên phát biểu cảm tưởng mà họp lên họp xuống mấy lần không xong”, “Thế ban đầu ông định chọn ai?”- Chủ tịch xã hỏi. “Thì em vẫn chọn cậu Thành, đang làm bác sĩ ở trên thành phố. Cậu đó về trình độ, ứng xử, gia đình, tương lai, triển vọng, điều kiện kinh tế... nói chung không ai chê vào đâu được”, “Thế tại sao mọi người lại không nhất trí?”, “Khổ nỗi, cậu ấy còn trẻ quá, chưa đến 40. Mấy cụ nghe tên cậu ấy đã đặt chén cái “huỵch” xuống chiếu, nói cụt lủn: “Vắt mũi chưa sạch, đại diện cái gì mà đại diện. Người làng mình ra ngoài chết hết rồi à mà phải chọn loại trẻ ranh đó?”.

Ông Chủ tịch xã gật gù, không tỏ thái độ trước tình huống đó. Lát sau mới trầm ngâm: “Kể ra các cụ nói cũng đúng. Họ không nhất trí mà mình vẫn quyết mời về là to chuyện. Lần sau có việc gì mời họ về họ tự ái không về là mệt lắm. Cậu Thành hợp với những buổi trao quà tặng các cháu học sinh giỏi, vượt khó hoặc hội trại, vui chơi, văn hóa thể thao hơn”.

Nghe Chủ tịch Phong nói vậy, anh Luých cũng gật gù. Nói như Chủ tịch cũng đúng, ở quê, dù sao vẫn còn nặng nề vấn đề “tôn ti trật tự”, mọi người vẫn suy nghĩ theo tư tưởng kiểu phong kiến “có trước có sau”. Cả buổi lễ vui vẻ, thành công, nhưng chỉ cần một vài lời xì xào về vị đại diện ấy thôi là cũng đủ rắc rối, trở thành câu chuyện thêu dệt năm này qua năm khác rồi.

Đang mải nghĩ, Chủ tịch xã Phong lại hỏi cắt ngang: “Thế mấy cụ kia đề xuất ai?”, “Ôi dào! Các cụ thì chỉ đề xuất hàng ngũ các cụ chứ còn ai vào đấy nữa. Mỗi người một ý, người thì đề xuất cụ Thao, rồi cụ Hưng. Mấy cụ này tiếng là có học, nhưng ra ngoài đều phận ở rể, cả đời không về quê được vài lần. Những việc của thôn, mời về, nào có thấy mặt mũi cụ nào đâu. Không về được cũng chẳng gửi lời, hay quà cáp chúc mừng. Giờ tự nhiên về phát biểu sao được anh?”.

“Thế bà Hoạch, nổi tiếng uy tín ở làng có ý kiến gì không?”- Chủ tịch Phong lại hỏi. Nhắc đến, Trưởng thôn Luých ngồi chồm dậy, mặt đỏ ửng: “Nói đến cái bà ấy lại bực mình. Ai lại đi đề xuất ông anh họ, đang kinh doanh cầm đồ, cho vay nặng lãi làm đại diện phát biểu? Trình độ thì chưa hết cấp 2. Mời họ đại diện chỉ vì công đức nhiều tiền xây mới cổng đình, thế anh bảo nghĩ có ngắn không chứ!”.

Ông Phong cười sặc sụa, đưa chén trà lên định uống lại đặt xuống. “Bà ấy nói cũng có ý đúng còn gì. Mạnh vì gạo, bạo vì tiền. Đùa vậy thôi, đám ấy sạt nghiệp bán xới lúc nào không biết đâu. Làng bên khối người trốn vào rừng rồi đấy. Phát biểu xong rồi... chuồn à?”.

Nói xong, cả hai cùng ngồi im lặng. Kể ra cũng khó thật, làng An Nhiên tiếng là rộng, dân đông hơn so với các làng khác, nhưng sự học không vượt trội lên được. Từ bé đến lớn, dân nơi đây chỉ thích buôn thúng bán mẹt chốn thị thành, kiểu chạy chợ, chẳng ra tấm ra món, nên “đại gia” thật sự về kinh doanh buôn bán cũng chẳng có được gương mặt tiêu biểu nào.

Mấy năm gần đây mới có được vài người gọi là thành đạt, làm dầu khí, bác sĩ, sĩ quan, giáo viên, nhưng lại toàn người trẻ, chưa có đủ vị thế, phong thái để làm đại diện. Rồi còn đủ chuyện liên quan đến gia đình, dòng tộc nữa. Họ bé mà có đại diện, trong khi đó họ to, nhiều đời ở làng lại không có, chưa chắc người ta đã nghe.

“Hay là cắt cái vụ phát biểu ấy đi được không?”- Chủ tịch Phong bất ngờ gợi ý. “Ấy ấy. Cắt làm sao được hả anh? Chi bộ thông qua, họp thôn có thông báo chương trình làm việc hết rồi. Giờ cắt đi, người ta lại xì xào bảo cả thôn to tổ chảng thế này mà không tìm được một người con xa quê thành đạt về phát biểu chúc mừng thì còn đau đầu hơn”- Trưởng thôn Luých liến thoắng.

Ông Phong lại trầm ngâm một lúc, rồi quyết: “Thế này nhé! Cậu có nhớ cụ Khang, đại tá, bác sĩ quân y làm ở bệnh viện trên Hà Nội không? Nhà ở cuối xóm ấy”, “Có, cụ Khang làng này ai chẳng biết và kính nể! Em cũng nghĩ đến cụ ấy rồi, khổ nỗi, giờ cụ già rồi, đi lại khó khăn, em cho người lên mời nhưng cụ từ chối, chỉ gửi quà về thôi”, “Giờ ông gọi điện trao đổi trước với cụ Khang, nhờ cụ chuẩn bị cho một bài phát biểu, rồi thông báo với bà con là sẽ mời cụ về.

Lúc tổ chức báo lại là do điều kiện sức khỏe nên phút chót cụ không về được, chỉ gửi lẵng hoa chúc mừng và bài phát biểu đã chuẩn bị sẵn. Rồi cậu trực tiếp đọc hoặc cho ai đó lên đọc bài phát biểu của cụ, thế là xong, đúng không?”.

Trưởng thôn Luých ngẫm nghĩ một lát rồi vỗ đùi đánh “đét”: “Tuyệt!”.

Nguồn Phụ Nữ VN: http://phunuvietnam.vn/giai-tri/bi-hai-chuyen-tim-nguoi-phat-bieu-trong-le-khanh-thanh-cong-dinh-moi-post41570.html