Bi hài chuyện khen thưởng ngày quốc tế thiếu nhi 1/6: Trẻ không quà, cha mẹ buồn

Không biết từ bao giờ, cứ đến Ngày Quốc tế thiếu nhi 1/6, từ tổ dân phố đến các cơ quan đoàn thể đều hối hả giục phụ huynh nộp giấy khen Học sinh giỏi, học sinh tiên tiến để các em được lĩnh quà. Điều đó cũng đồng nghĩa rằng, các em nhỏ trong lứa tuổi đi học, nếu không đạt Học sinh giỏi hay Học sinh tiên tiến thì sẽ không có Tết Thiếu nhi?

Đừng để trẻ buồn trong ngày Tết Thiếu nhi chỉ vì không đạt thành tích. tranh minh họa: Báo tuổi trẻ

Đừng để trẻ buồn trong ngày Tết Thiếu nhi chỉ vì không đạt thành tích. tranh minh họa: Báo tuổi trẻ

Khi bệnh thành tích lan khắp ngõ xóm, phố phường

Chị Thắm, chuyên viên của một cơ quan ngang Bộ tại Hà Nội kể rằng, trong suốt 4 năm nay, con gái chị chưa một lần có quà Tết Thiếu nhi 1/6. Nguyên nhân là vì cháu chỉ đạt học sinh trung bình. Bởi theo thông lệ tại cơ quan chị, chỉ trẻ nào đạt Học sinh giỏi hoặc Học sinh tiên tiến mới được tặng quà. Quà ở đây chính là khoản tiền được quy định theo mức, Học sinh giỏi thì được 200.000 đồng, Học sinh tiên tiến thì được 100.000 đồng, Học sinh giỏi cấp quận, cấp thành phố thì sẽ được đích thân Bộ trưởng tặng 300.000 – 500.000 đồng. Riêng con chị, không nằm vào trường hợp nào kể trên nên suốt 4 năm nay, trong danh sách khen thưởng ngày Tết Thiếu nhi cho con em của cơ quan nơi chị làm việc không hề có tên con chị. “Đôi lúc nghĩ cũng tủi thân nhưng đó là quy định chung, không chỉ cơ quan tôi mà hầu hết bạn bè tôi làm việc ở các cơ quan khác đều có chế độ cho con em ngày 1/6 như vậy. Hầu hết những đứa trẻ không đạt Học sinh tiên tiến trở lên đều không có chế độ thưởng ngày 1/6 ”, chị Thắm nói.

Chị Thắm cũng cho biết rằng, con chị bị chậm phát triển nên chị không lấy chuyện đó làm buồn lắm. Đối với chị, việc con đạt học sinh trung bình, được lên lớp và có thể hòa nhập được với các bạn bình thường khác đã là một sự cố gắng vượt bậc. Vợ chồng chị không có yêu cầu hay đòi hỏi gì hơn ở con mình. Tuy nhiên, khi được hỏi về cảm nghĩ thật của chị về hình thức khen tặng Học sinh giỏi, Học sinh tiên tiến này thì chị Thắm cho rằng, việc khen tặng này mang tính chất phong danh hiệu hơn là chia sẻ niềm vui tết đối với trẻ. “Đã là Tết thì mọi đứa trẻ đều bình đẳng như nhau, giỏi hay không giỏi, có thành tích hay không có thành tích, ngoan hay chưa ngoan, con nhà giàu hay nhà nghèo, có bố mẹ hay trẻ cô đơn… thì chúng đều có quyền được vui ngày Tết của chúng. Việc các cơ quan đơn vị hay tổ dân phố, làng xã… chỉ có chế độ Tết cho các em đạt thành tích thì có khác nào bảo những đứa học kém rằng “không có quyền được đón Tết bởi không học giỏi”. Thực sự tôi thấy đây là biểu hiện rõ nhất của bệnh thành tích. Đâu phải nhà trường mới mắc bệnh thành tích mà khắp hang cùng ngõ hẻm, đến những cơ quan đầu não… cũng mắc phải căn bệnh này. Xã hội như thế và ngay các phụ huynh cũng mắc bệnh thành tích nặng”, chị Thắm chia sẻ.

Chị Nhàn, kế toán tại một công ty TNHH ở phường Định Công, quận Hoàng Mai, Hà Nội kể rằng, chị làm ở công ty nhỏ nên không bị áp lực của việc con mình là Học sinh giỏi hay Học sinh tiến tiến. Nhưng anh Toản, chồng chị, đang công tác tại cơ quan nhà nước thì luôn mang một nỗi lo lắng con mình không đạt Học sinh giỏi. Vợ chồng chị Nhàn có hai con trai, đứa lớn năm nay lên lớp 2, đứa bé hơn đang học mẫu giáo. Năm lớp 1, con trai anh chị chỉ đạt Học sinh tiên tiến nên anh Toản buồn lắm. Anh Toản thường nhắc nhở chị Nhàn rằng, phải tìm cách quan hệ thế nào với cô giáo để cho con trai họ đạt học sinh giỏi. Cả cơ quan anh, con nhà ai cũng đạt Học sinh giỏi, chỉ vài đứa đạt Học sinh tiên tiến thôi trong đó có con anh. Anh cảm thấy xấu hổ về điều đó. Có lẽ vì sự xấu hổ này mà anh Toản thường không kìm chế được mỗi khi con anh không chịu học bài. Chị Nhàn kể: “Mỗi lần chồng tôi ngồi dạy con học, dường như 10 buổi thì có đến 9 buổi anh ấy quát tháo con, có lúc quẳng cả sách vở, giấy bút. Bố gào, con khóc, kết quả là con tôi chẳng thể học được chữ nào vào đầu. Tất cả cũng vì cái sĩ diện hão của chồng tôi mà làm hại con tôi. Cũng vì chuyện này mà vợ chồng tôi không ít lần cãi nhau, và chồng tôi có những lời lẽ xúc phạm tôi. Tôi cảm thấy bế tắc vô cùng, chỉ mong chồng tôi đừng gây áp lực lên con cái nhưng rất khó”.

Ép con phải giỏi để bố mẹ không bị mất mặt

Theo TS tâm lý Nguyễn Thị Kim Quý, Hội Tâm lý giáo dục Việt Nam, thực tế việc khen thưởng cho trẻ nhân ngày 1/6 dựa vào thành tích học tập diễn ra từ nhiều năm nay. Việc khen thưởng, tặng quà này mang ý nghĩa là ghi nhận thành tích học tập, qua đó khuyến khích trẻ cố gắng vươn lên. Mục đích của việc khen tặng này là tốt, tuy nhiên trên thực tế nó lại diễn ra không theo chiều hướng như vậy, nhất là khi sự khen tặng đó lại diễn ra trong không gian là nơi làm việc của các bậc cha mẹ. Đa số các bậc cha mẹ thường mắc phải tâm lý không muốn con mình thua kém những đứa trẻ khác. Họ đánh đồng thành tích của con là sự giỏi giang hay kém cỏi của bố mẹ. Từ đó, các bậc phụ huynh đua nhau gây áp lực lên con cái, bắt con trẻ cõng lên đôi vai bé nhỏ của chúng những toan tính của mình. Việc cha mẹ bắt con học ngày học đêm, học thêm, học nếm cũng vì những toan tính, những ước vọng này. Không chỉ ép trẻ học, các bậc phụ huynh còn nghĩ ra đủ cách trong đó có cả việc chạy điểm cho con. Họ, những bậc phụ huynh đó, đôi khi là những ông sếp lớn ở trường học, ở cơ quan. Họ chạy điểm cho con không phải vì để con tiến bộ mà chỉ là để mình đỡ mất mặt, để không phải xấu hổ với nhân viên, với bạn bè, đồng nghiệp. “Chính vì việc đua tranh giữa các phụ huynh như thế, cộng thêm bệnh thành tích ở nhà trường nên mới dẫn đến thực trạng học vẹt, học đối phó, học để có điểm, học để đi thi như hiện nay. Điều này lý giải vì sao hiện nay gần như trăm phần trăm các em đều đạt Học sinh giỏi ở các lớp, các trường. Các em học không phải vì sự hiểu biết mà đang học vì điểm số, vì thành tích. Học như thế không chán học mới là lạ”, TS Quý nói.

Ngân Khánh

Nguồn GĐ&XH: http://giadinh.net.vn/giao-duc/bi-hai-chuyen-khen-thuong-ngay-quoc-te-thieu-nhi-1-6-tre-khong-qua-cha-me-buon-20180601190923323.htm