Bi hài chuyện 'chia tay đòi quà', dễ vướng vòng lao lý

Mới đây, Công an quận Thủ Đức, TP.HCM đã lập hồ sơ điều tra vụ 'chia tay đòi quà' hi hữu xảy ra ở phường Bình Chiểu.

Cần làm rõ việc sở hữu tài sản

Theo thông tin ban đầu, giữa năm 2018, chị Trang (28 tuổi, ngụ tỉnh Tiền Giang, tạm trú quận Thủ Đức) và anh Thông (28 tuổi, ngụ quận Thủ Đức, tạm trú tỉnh Bình Dương) có mối quan hệ yêu đương. Trong thời gian quen nhau, Thông có mua cho chị Trang chiếc điện thoại di động và xe máy.

Sau đó, hai người phát sinh mâu thuẫn và chia tay. Thấy chị Trang muốn chấm dứt mối quan hệ nên Thông đòi lại chiếc điện thoại di động và xe máy đã mua cho Trang.

Đến sáng 21/3, Thông đi cùng với nhiều người khác đến nhà trọ chị Trang đánh chị Trang và lấy lại điện thoại di động và xe máy.

Liên quan tới câu chuyện hy hữu trên, ông Nguyễn Gia Hải (Chuyên viên pháp lý, Công ty Luật LSX – Đoàn luật sư TP. Hà Nội) bày tỏ quan điểm: Trước hết cần hiểu, việc tặng cho tài sản (hay còn gọi là hợp đồng tặng cho) là sự thỏa thuận giữa các bên. Chiếc điện thoại và xe máy đều là “động sản” được quy định khá rõ tại điều 458 Bộ luật dân sự 2015.

Hình ảnh minh họa

Hình ảnh minh họa

Quy chiếu vào luật thì tính chất của 2 tài sản này là khác nhau: Chiếc điện thoại không nằm trong danh mục những tài sản phải đăng kí quyền sở hữu, còn chiếc xe máy thì có. Điện thoại sẽ thuộc quyền sở hữu của chị Trang kể từ thời điểm anh Thông mua và tặng cho chị Trang (theo khoản 1 điều 458 BLDS2015) nếu như 2 người không có thỏa thuận gì khác. Nhưng nếu Thông có đủ căn cứ chứng minh được mình chỉ cho chị Trang mượn thì chủ sở hữu chiếc điện thoại vẫn là anh.

Còn đối với chiếc xe máy là tài sản phải đăng ký quyền sở hữu. Chính vì vậy việc tặng cho chị Trang sẽ có hiệu lực kể từ khi chiếc xe được đăng ký dưới tên chị này.

Tuy nhiên, hiện chưa có thông tin chính thức về việc chiếc xe được đăng kí quyền sở hữu dưới tên ai, vậy nên sẽ xảy ra 2 tình huống.

Một là, chiếc xe đăng kí quyền sở hữu dưới tên anh Thông. Lúc này, nếu anh Thông thừa nhận hoặc qua quá trình điều tra, cơ quan chức năng chứng minh được anh Thông đã cho chị Trang chiếc xe (mặc dù chưa làm thủ tục thay đổi tên chủ sở hữu) thì chủ sở hữu chiếc xe là chị Trang. Khi đó chị Trang có thể yêu cầu đòi lại chiếc xe và hoàn thiện thủ tục đăng kí quyền sở hữu của mình.

Nhưng nếu anh Thông không thừa nhận việc đã “tặng cho” chị Trang chiếc xe hoặc cơ quan điều tra không tìm ra căn cứ chứng minh được việc tặng cho chiếc xe giữa 2 người đã diễn ra thì anh Thông vẫn là chủ sở hữu về mặt pháp luật đối với chiếc xe.

Hai là, chiếc xe đứng tên quyền sở hữu của chị Trang. Lúc này, điều hiển nhiên là chiếc xe thuộc quyền sở hữu của chị Trang. Khi đó anh Thông phải hoàn trả lại chiếc xe cho chị Trang cũng như có thể phải đối diện hình phạt về hành vi chiếm đoạt tài sản bất hợp pháp của mình.

Ngoài ra, pháp luật cũng có quy định cụ thể về việc tặng cho có điều kiện được quy định tại điều 462 Bộ luật dân sự 2015. Cụ thể trong câu chuyện nêu trên, nếu như anh Thông có yêu cầu chị Trang thực hiện một nghĩa vụ dân sự trước hoặc sau khi nhận tặng cho (yêu cầu đó phải không được vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội và chứng minh được) mà chị Trang không thực hiện thì anh Thông có quyền yêu cầu đòi lại tài sản đã cho. Nếu như hai người không thỏa thuận về việc phải làm trước hoặc sau khi tặng cho thì anh Thông không có quyền đòi tài sản đã tặng cho chị Trang.

Dễ vướng vòng lao lý

Với hành vi đi cùng người khác đến đánh gây thương tích cho chị Trang và lấy đi chiếc điện thoại và xe máy, anh Thông có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc bị xử phạt hành chính với các tội danh sau:

Xâm phạm bất hợp pháp chỗ ở của người khác: Hành vi của anh Thông và người đi cùng trong câu chuyện nêu trên là vi phạm pháp luật.

Quy định tại điểm d, khoản 1 Điều 158, BLHS 2015 về tội xâm phạm chỗ ở của người khác. Khung hình phạt là bị phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm

Ngoài ra, nếu việc anh Thông và những người đi cùng nếu như có sự bàn bạc, thống nhất, phân nhiệm vụ một cách “có tổ chức” trong hành vi “xâm phạm chỗ ở bất hợp pháp” của chị Trang thì có thể sẽ chịu hình phạt theo khoản 2 điều 158 BLHS2015 là phạt tù từ 1 đến 5 năm.

Tội cố ý gây thương tích: Quy định tại điều 134 BLHS 2015.

“1. Người nào cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 11% đến 30% hoặc dưới 11% nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.

Như vậy, nếu tỷ lệ thương tích của chị Trang trong trường hợp này từ 11% trở lên hoặc dưới 11% nhưng bên gây thiệt hại thuộc vào các trường hợp quy định tại Khoản 1 Điều 134 như: Dùng hung khí nguy hiểm, có tổ chức, có tính chất côn đồ… thì anh Thông và những người tham gia sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự với hình phạt là bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm

Nếu tỷ lệ thương tích của chị Trang dưới 11% và không thuộc vào các trường hợp quy định tại Khoản 1 Điều 134 thì hành vi cố ý gây thuơng tích của anh Thông và những ngưởi đi cùng sẽ bị xử lý vi phạm hành chính.

Tội cướp tài sản

Tội danh này sẽ có 2 trường hợp xảy ra:

Thứ nhất, cả 2 tài sản (điện thoại và xe máy) anh Thông đều chứng minh được quyền sở hữu của mình và chỉ cho chị Trang mượn. Trường hợp này, anh Thông chỉ có thể chịu hình phạt của 2 tội danh là xâm phạm chỗ ở bất hợp pháp và cố ý gây thuơng tích (điều 158 và điều 134) theo BLHS 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017.

Trường hợp thứ 2, nếu ít nhất một trong hai tài sản (hoặc cả 2 tài sản) là chiếc điện thoại và xe máy thuộc quyền sở hữu của chị Trang. Anh Thông cùng nhiều đến đánh và chiếm đoạt thì hành vi của anh Thông và những người tham gia đã đủ yếu tố cấu thành tội cướp tài sản theo khoản 1 điều 168 BLHS2015, sửa đổi bổ sung năm 2017. Cụ thể:

“Điều 168. Tội cuớp tài sản:

1. Người nào dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực ngay tức khắc hoặc có hành vi khác làm cho người bị tấn công lâm vào tình trạng không thể chống cự được nhằm chiếm đoạt tài sản, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 10 năm”.

Hoặc có thể chịu hình phạt tù từ 7 đến 15 năm nếu đủ căn cứ theo khoản 2 như: có tổ chức; có tính chất chuyên nghiệp; gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 11% đến 30%; sử dụng vũ khí, phương tiện hoặc thủ đoạn nguy hiểm khác; chiếm đoạt tài sản trị giá từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng.

Tóm lại, các cơ quan chức năng cần điều tra và làm rõ vụ việc, nhận định đúng bản chất của hành vi nhằm tránh việc bỏ sót tội phạm hay xác định nhầm tội danh dẫn đến oan sai. Từ đó, hoàn thành tốt nhiệm vụ bảo vệ công lý, bảo vệ lẽ phải trên con đường thực thi pháp luật.

(Tên các nhân vật đã được thay đổi)

Huyền Chi

Nguồn GĐ&XH: http://giadinh.net.vn/phap-luat/bi-hai-chuyen-chia-tay-doi-qua-de-vuong-vong-lao-ly-20190329181646259.htm