Bị hạ huyết áp có nguy hiểm lắm không?

Huyết áp bình thường ở người trưởng thành nằm trong giới hạn 120/80mmHg. Thông thường, mỗi lần bị chóng mặt, xây xẩm, ai cũng sợ mình bị cao huyết áp, nhưng đôi khi đó lại là triệu chứng của hạ huyết áp.

Theo Tổ chức Y tế thế giới, hạ huyết áp xảy ra khi huyết áp giảm 20mmHg so với huyết áp thường ngày hoặc khi huyết áp động mạch thấp hơn 100/60mmHg (ở nữ giới) hay thấp hơn 110/70 mmHg (ở nam giới).

Nếu huyết áp vốn đã thường xuyên thấp thì đó không phải là một bệnh lý (thường gặp ở các vận động viên hay ở những phụ nữ trẻ, nhất là khi gia đình họ có truyền thống huyết áp thấp). Nhưng tình trạng huyết áp giảm một cách đột ngột, làm giảm tuần hoàn máu lên não và đến các cơ quan quan trọng trong cơ thể, thì đó là vấn đề khá nguy hiểm.

Khi bị hạ huyết áp, người bệnh cảm thấy choáng váng, đầu óc lâng lâng, mắt mờ đi, yếu ớt hẳn và muốn xỉu, nếu không cẩn thận là bị té. Ảnh minh họa

Khi bị hạ huyết áp, người bệnh cảm thấy choáng váng, đầu óc lâng lâng, mắt mờ đi, yếu ớt hẳn và muốn xỉu, nếu không cẩn thận là bị té. Ảnh minh họa

Thông thường, hạ huyết áp có thể xảy ra do hạ đường huyết, do một bệnh cấp tính gây mất dịch và điện giải nghiêm trọng (ví dụ tiêu chảy nhiều, ói mửa nhiều, mất máu cấp tính…), do ăn kiêng thái quá để giảm cân nhanh, do sốc phản vệ (phản ứng dị ứng nặng với một số chất).

Lại có tình trạng khác cũng dễ gặp là hạ huyết áp tư thế do huyết áp động mạch bị giảm khi chuyển đột ngột từ tư thế nằm hay ngồi sang tư thế đứng. Khi cơ thể chuyển sang tư thế đứng, do ảnh hưởng của trọng lực, máu bị dồn xuống chân nên thiếu máu lên não và huyết áp không kịp thích nghi.

Hạ huyết áp tư thế có thể xảy ra ở bất cứ ai, nhưng thường gặp ở người lớn tuổi vốn mắc bệnh tim mạch, tiểu đường, ở phụ nữ có thai, ở người bị giãn tĩnh mạch chi dưới, làm việc quá sức… và cũng có thể do tác động của thuốc (các loại thuốc hạ huyết áp, lợi tiểu, chống trầm cảm, an thần, Viagra…). Việc chẩn đoán bệnh phải dựa vào kết quả đo huyết áp nhiều lần ở tư thế nằm và tư thế đứng.

Khi bị hạ huyết áp, người bệnh cảm thấy choáng váng, đầu óc lâng lâng, mắt mờ đi, yếu ớt hẳn và muốn xỉu, nếu không cẩn thận là bị té. Thông thường, các triệu chứng đó hay đi kèm với các triệu chứng của các bệnh gây hạ huyết áp như vã mồ hôi, tay chân lạnh, hạ đường huyết, tiêu chảy, nôn mửa vì bị rối loạn tiêu hóa…

Các triệu chứng này có thể nặng (huyết áp < 90/60mmHg, tri giác lơ mơ) khiến bệnh nhân phải nhập viện gấp, nhưng nhiều khi chỉ thoáng qua, có thể xử trí tại nhà. Lúc xảy ra các triệu chứng trên, cần giúp người bệnh nằm ngay xuống, hai chân kê lên cao để giúp máu trở về đầu và các cơ quan dễ dàng hơn, sau đó đo ngay huyết áp để biết người bệnh chắc chắn có bị hạ huyết áp hay không.

Nếu đúng là có hạ huyết áp thì nên cho người bệnh uống nhiều nước, bổ sung chất mặn và chất ngọt nhiều hơn bình thường, đồng thời hỏi kỹ về các triệu chứng kèm theo, các loại thuốc mà người bệnh đang sử dụng.

Khi đã tạm ổn, nên đưa người bệnh đến bệnh viện để xác định rõ nguyên nhân và có biện pháp điều trị thích hợp, chẳng hạn cho uống thêm đường trong trường hợp hạ đường huyết, ngưng tạm thời một số thuốc hạ áp, thuốc an thần hoặc bù dịch trong trường hợp bị tiêu chảy, mất nước…

Để phòng ngừa bị hạ huyết áp, nên uống nhiều nước, ăn đầy đủ chất (ăn nhiều bữa nhỏ, nêm thức ăn hơi mặn). Khi ngủ nên gối đầu cao để tránh bị chóng mặt khi tỉnh dậy. Buổi sáng sau khi thức dậy nên hít thở sâu trong vài phút, sau đó ngồi dậy từ từ rồi mới đứng hẳn lên. Nếu thấy hơi chóng mặt trong khi đứng thì nên gác một chân lên chiếc ghế thấp để giúp máu trở về tim nhiều hơn. Bảo đảm ngủ đủ thời gian và khi sử dụng một loại thuốc mới mà bị chóng mặt, mệt mỏi thì phải báo ngay cho bác sĩ ngay để điều chỉnh thuốc kịp thời.

Nếu những triệu chứng hạ huyết áp thỉnh thoảng mới xuất hiện thì không đáng lo ngại cho lắm.

Ngược lại, nếu thường xuyên có những triệu chứng trên thì phải đến bệnh viện khám bệnh vì đó chính là dấu hiệu báo động một vấn đề nghiêm trọng về sức khỏe. Người bệnh nên ghi lại những chi tiết của các triệu chứng (xảy ra khi nào, kéo dài bao lâu, xảy ra mấy lần…) để báo cho bác sĩ biết.

Tóm lại, tình trạng hạ huyết áp chỉ gây nguy hiểm khi xảy ra đột ngột và nặng (< 90/60mmHg, kèm theo rối loạn tri giác) vì lúc đó não, tim và một số cơ quan không nhận đủ lượng máu cần thiết, có thể bị tổn thương tạm thời. Khi xảy ra tình trạng này, việc đầu tiên phải làm là tránh không để người bệnh bị té và chấn thương, sau đó mời bác sĩ đến xử lý.

BS Nguyễn Xuân Bích Huyên.

Nguồn Người Đô Thị: http://nguoidothi.net.vn/bi-ha-huyet-ap-co-nguy-hiem-lam-khong-20550.html