Bị Google cấm cửa, Huawei sẽ phải mạo hiểm với hệ điều hành Hongmeng

Huawei có thể sẽ sớm phải sử dụng hệ điều hành tự phát triển trên những chiếc smartphone trong tương lai. Tuy nhiên, xây dựng một hệ điều hành riêng trong bối cảnh IOS và Android đã quá phổ biến là bài toán không dễ có lời giải. Hongmeng rất có thể sẽ đi vào vết xe đổ giống như Bada của Samsung hay Windows Phone của Microsoft.

Ngày 20.5, sau khi bị chính quyền Tổng thống Trump đưa vào danh sách đen thương mại, Huawei lập tức bị Google rút giấy phép sử dụng hệ điều hành Android. Để sẵn sàng cho "cuộc sống không Android", Huawei được cho là đã phát triển một hệ điều hành của riêng mình dành cho các thiết bị di động, có tên HongMeng OS.

Thực tế HongMeng OS đã được phát triển từ năm 2012, tuy nhiên Huawei đã giữ rất kín các thông tin về nó và thậm chí không tiết lộ bất kỳ điều gì cho đến tận ngày nay. Hồi tháng 3.2019, giám đốc điều hành Richard Yu cho biết Huawei đang tự phát triển hệ điều hành của riêng mình, nhằm đề phòng trường hợp các Cty công nghệ Mỹ ngừng hợp tác. Và kịch bản tồi tệ đó đã xảy ra, khi Google không còn cấp phép sử dụng hệ điều hành Android cho Huawei nữa.

Mới đây, một vài thông tin về hệ điều hành riêng của Huawei đã được tiết lộ. Theo một bức ảnh cũng vừa mới được tiết lộ, là bài thuyết trình power point tại một trường Đại học Giao thông Thượng Hải, có vẻ như hệ điều hành HongMeng đã được sáng lập bởi một nhóm thuộc trường đại học này từ năm 2012.

HongMeng OS cũng là một hệ điều hành mở, tối ưu hóa cho Linux. Điều đó đồng nghĩa với việc HongMeng OS sẽ có thể sử dụng trên nhiều nền tảng khác nhau, từ smartphone cho tới máy tính xách tay. Hiện tại, HongMeng OS đang được tiến hành thử nghiệm trên một số thiết bị của Huawei, và toàn bộ thông tin vẫn được giấu kín. Tuy nhiên có một điều chắc chắn, đó là hệ điều hành HongMeng OS sẽ không được hỗ trợ Google Play Store, và việc tự phát triển các ứng dụng riêng cũng sẽ là một bài toán khó với Huawei.

Các nền tảng di động cần một hệ sinh thái mạnh, đặc biệt là khi nói đến các ứng dụng. Việc thiếu ứng dụng chắc chắn sẽ khiến các hệ điều hành mới không thể thu hút người dùng. Huawei rõ ràng vẫn nhớ những bài học đắt giá như Bada, Tizen của Samsung hay Windows Phone của Microsoft. Wang Chenglu, Chủ tịch mảng kỹ thuật phần mềm của Huawei từng thừa nhận:

"Tự xây dựng một hệ điều hành mới không khó nhưng vấn đề nằm ở hệ sinh thái và hỗ trợ ứng dụng cũng như các lập trình viên".

Thất bại của Windows Phone là do hệ điều hành này có thị phần thấp khiến các nhà phát triển ứng dụng không có hứng thú dành thời gian và công sức để phát triển. Samsung từng thử sức mình với smartphone chạy hệ điều hành mới mang tên Tizen. Nhưng nó cũng không gây được thiện cảm với giới công nghệ. Với số lượng phần mềm quá ít ỏi, hai phần mềm này đã không thể thu hút được người dùng và phát triển như kỳ vọng.

Từ trước đến nay, Google không được chào đón ở quốc gia đông dân nhất thế giới nên với người dùng Trung Quốc, lệnh cấm của Google không có các tác động đáng kể. Tuy nhiên, với các thị trường còn lại trên thế giới, Huawei sẽ khó có thể bán được điện thoại Android mà không có những dịch vụ của Google. Thị trường Châu Âu - "con gà đẻ trứng vàng" của Huawei chắc chắn sẽ không chấp nhận những sản phẩm như Hongmeng vốn bị hạn chế về ứng dụng hơn IOS và Android.

Văn Thắng

Nguồn Lao Động: https://laodong.vn/doanh-nghiep-doanh-nhan/bi-google-cam-cua-huawei-se-phai-mao-hiem-voi-he-dieu-hanh-hongmeng-734639.ldo