Bị G7 áp trần giá dầu, Nga lo tăng thâm hụt ngân sách

Bộ trưởng Tài chính Nga Anton Siluanov đã lần đầu thừa nhận rằng, Moscow lo lắng ngân sách có thể thâm hụt vượt dự kiến trong năm 2023 khi bị G7 áp giá trần khiến nguồn thu từ dầu bị giảm.

Liên minh các nước phương Tây do G7 dẫn dắt hôm 2/12 đạt thỏa thuận về mức giá trần đối với dầu thô Nga, tuyên bố áp dụng từ ngày 5/12.

Liên minh các nước phương Tây do G7 dẫn dắt hôm 2/12 đạt thỏa thuận về mức giá trần đối với dầu thô Nga, tuyên bố áp dụng từ ngày 5/12.

Với mức giá trần 60 USD/thùng do nhóm G7, Liên minh châu Âu (EU) và Úc thống nhất áp đặt, dầu Nga chỉ được phép vận chuyển đến các nước thứ ba bằng tàu chở dầu của G7 và EU, cũng như các công ty bảo hiểm và tổ chức tín dụng khi dầu được mua bằng hoặc thấp hơn mức đó.

Mức giá trần sẽ được xem xét hai tháng một lần, bắt đầu từ giữa tháng 1-2023, để đảm bảo nó thấp hơn ít nhất 5% so với giá dầu thô trung bình của Nga do Cơ quan Năng lượng quốc tế xác định.

Mỗi sự thay đổi về giá trần đều sẽ cần tất cả 27 thành viên EU và sau đó là G7 nhất trí.

Phương Tây kỳ vọng động thái này giúp hạn chế nguồn thu từ năng lượng của Nga.

Vì các công ty vận chuyển và bảo hiểm quan trọng của thế giới đều có trụ sở tại các nước G7, nên mức trần này có thể khiến Nga khó bán dầu với giá cao hơn.

Giá trần có hiệu lực vào ngày 5/12, nhưng sẽ có giai đoạn chuyển tiếp kéo dài 45 ngày cho phép các tàu đã lấy hàng trước ngày đó được chở hàng và dỡ hàng trước ngày 19/1/2023 mà không bị phạt.

Phản ứng trước việc này, Tổng thống Vladimir Putin hôm 9/12 gọi giá trần là "ngớ ngẩn", nói Nga vốn đang bán dầu tương ứng với giá trần 60 USD/thùng và "không cần lo ngại về ngân sách".

Còn Phó thủ tướng Nga Alexander Novak thì cảnh báo Moscow có thể giảm sản lượng dầu 5-7% từ đầu năm 2023 để đáp trả.

Phía Nga tiếp tục tin tưởng rằng họ sẽ tìm được những khách hàng mua dầu mới, nói rằng việc phương Tây áp mức giá trần đối với dầu Nga "không phải thảm kịch".

"Tôi tin rằng sẽ có những người mua sản phẩm của Nga. Chúng tôi sẽ xem thị trường phản ứng thế nào, nhưng trong mọi trường hợp, lợi ích của chúng tôi trong lĩnh vực này sẽ được đảm bảo bằng cách này hoặc cách khác", Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Ryabkov tuyên bố hồi đầu tháng 12.

Tuy nhiên mới đây, Bộ trưởng Tài chính Nga lo ngân sách có thể thâm hụt vượt dự kiến 2% GDP trong năm 2023 do nguồn thu giảm vì bị áp trần giá dầu.

"Ngân sách có thể thâm hụt nhiều hơn không? Có, nếu nguồn thu thấp hơn kế hoạch. Năm sau có những rủi ro nào? Rủi ro về giá và các hạn chế", Bộ trưởng Tài chính Nga Anton Siluanov trả lời báo giới ngày 27/12.

Nga trước đó đặt mục tiêu thâm hụt ngân sách tương đương 2% GDP trong năm 2023, giảm còn 1,4% trong năm 2024 và xuống 0,7% năm tiếp theo.

Ông Siluanov mô tả các khoản chi vạch ra cho năm 2023 "khá thực tế" và sẽ được đảm bảo, thông qua Quỹ Tài sản Quốc gia (NWF) và thị trường nợ nếu cần thiết.

Bình luận trên cho thấy việc G7, Liên minh châu Âu (EU) áp giá trần với dầu Nga sẽ tác động đến ngân sách nước này.

Theo ông Siluanov, xuất khẩu năng lượng có thể giảm do một số quốc gia tránh mua hàng hóa Nga. Moscow cũng đang tìm cách phát triển thị trường mới để tăng nguồn thu từ xuất khẩu.

"Kể từ khi chiến dịch quân sự đặc biệt được triển khai, các điều kiện vĩ mô đã thay đổi, lạm phát tăng và cần dùng lượng lớn tài nguyên để hỗ trợ người dân", ông Siluanov cho biết.

Năm 2022, Nga ước tính dùng hơn 2.000 tỷ ruble (29 tỷ USD) từ NWF, quỹ khẩn cấp lấy từ doanh thu bán dầu để bù đắp thâm hụt. Riêng tháng 12, lượng tiền chi từ NWF dự báo lên đến 1.500 tỷ ruble.

Trong khi đó, tổng chi tiêu năm nay của Nga đã vượt kế hoạch 30.000 tỷ ruble đề ra năm ngoái.

Tính đến ngày 1/12, tổng tài sản lưu động của NWF là 7.600 tỷ ruble, tương ứng 5,7% GDP Nga.

Bộ Tài chính Nga cũng đã huy động hơn 3.000 tỷ ruble thông qua đấu giá nợ chính phủ trong quý IV.

Nguồn ANTĐ: https://anninhthudo.vn/bi-g7-ap-tran-gia-dau-nga-lo-tang-tham-hut-ngan-sach-post527192.antd