Bỉ: F-35 không dùng được, bỏ thì vứt đi núi tiền!

Bình luận về thông tin máy bay F-35 Lightning II không phù hợp đối với Bỉ, một chuyên gia thốt lên rằng: 'Không lẽ lại vứt đi'.

Bỉ quyết mua F-35 làm đẹp lòng Mỹ

Chính phủ Bỉ vào tháng 10 năm 2018 đã phê duyệt việc mua 34 máy bay chiến đấu tàng hình thế hệ 5 F-35A Lightning II, nhằm thay thế lô máy bay chiến đấu 54 chiếc F-16 cũ của không quân nước này. Đó là dự án thay thế đội ngũ máy bay chiến đấu F-16 đã phục vụ trong Không quân Bỉ kể từ đầu những năm 80.

Theo dữ liệu truyền thông, chính phủ Bỉ có kế hoạch phân bổ tổng cộng 15 tỷ euro cho việc mua và bảo dưỡng 34 máy bay ném bom chiến đấu mới. Việc giao hàng dự kiến vào năm 2025.

Hồi tháng 2/2018, Tập đoàn Lockheed Martin (cha đẻ F-35 Lightning II) của Mỹ và công ty BAE của Anh (sản xuất máy bay chiến đấu Eurofighter Typhoon) là hai nhà thầu duy nhất tham gia đấu thầu thực hiện việc tái trang bị cho Không quân Bỉ bằng máy bay ném bom thế hệ mới, nhưng sau đó có thêm sự tham gia của hãng Dassault Aviation của Pháp - nhà sản xuất chiếc Rafale F3R.

Vào tháng 10 năm ngoái, chính phủ Bỉ đã quyết định mua F-35 Lightning II của Mỹ để tái trang bị cho Không quân Hoàng gia.

Trước sự kiện đó, một số phương tiện truyền thông Pháp gọi việc Bỉ từ chối mua máy bay của châu Âu là sự phản bội.

Thủ tướng Bỉ Charles Michel đã đưa ra giải thích rằng, sở dĩ nước này quyết định mua máy bay chiến đấu thế hệ thứ năm F-35 Lightning II là vì giá mà Hoa Kỳ đưa ra tốt hơn BAE, cùng với đó là việc Pháp vẫn chưa cho Brussels biết con số chính xác của giá máy bay chiến đấu Rafale F3R.

"Chúng tôi đã yêu cầu người Pháp giải trình về báo giá của họ, nhưng họ không thực hiện điều này" - ông Michel phát biểu trên kênh phát thanh truyền hình RTBF.

Theo Thủ tướng, sự lựa chọn của chính quyền Bỉ hoàn toàn minh bạch và có cơ sở về mặt kinh tế, vì thế không thể gắn quyết định này với việc Brussels nhượng bộ Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump.

Tuy nhiên, giới chức lãnh đạo Bỉ càng giải thích thì người ta lại càng nghi ngờ về quyết định này, bởi ngay cả các chuyên gia kỹ thuật của Mỹ và các cơ cấu quốc phòng độc lập đều đánh giá rất thấp về F-35.

Chiến đấu cơ tàng hình thế hệ 5 F-35 Lightning II của Mỹ

Chiến đấu cơ tàng hình thế hệ 5 F-35 Lightning II của Mỹ

Mỹ sẽ bán mọi thứ không dùng được cho châu Âu

Chế tạo F-35 Lightning II là chương trình tốn kém nhất trong lịch sử sản xuất vũ khí thế giới. Hoa Kỳ và các đồng minh đã chi gần 500 tỷ dollars vào dự án. Lockheed Martin đã chi vượt quá dự kiến ban đầu hàng trăm tỷ dollars, máy bay được đưa vào hoạt động muộn hơn bảy năm so với kế hoạch.

Vào cuối tháng 10 năm ngoái, Lầu Năm Góc đã đình chỉ hoạt động của khoảng 20 máy bay chiến đấu F-35 do sự cố hệ thống nhiên liệu. Một tháng trước đó, Mỹ cũng đã đình chỉ bay loại máy bay này để điều tra sự cố xảy ra sau vụ tai nạn F-35 ở Nam Carolina.

Không ai có thể nhớ được rằng, đó là lần thứ bao nhiêu F-35 gặp sự cố kỹ thuật và bị đình chỉ bay.

Trong bối cảnh này, quyết định của chính phủ Bỉ đã dẫn đến một kết luận gây sốc là: Brussels đã bỏ ra một núi tiền để mua đồ phế thải của Washington mà không thể vứt bỏ nó.

Tạp chí Vif mới đây đưa tin, kết luận được đưa ra bởi các chuyên gia của tổ chức phi chính phủ Project On Government Oversight (POGO) cho biết, máy bay chiến đấu tàng hình thế hệ thứ năm F-35 được Bỉ mua từ Hoa Kỳ không phù hợp cho các hoạt động chiến đấu.

Theo bài báo, một cuộc kiểm tra độc lập đã xác định F-35 có những lỗi và khiếm khuyết kỹ thuật khiến máy bay không phù hợp sử dụng trong chiến đấu và gây nguy hiểm đến tính mạng của phi công. Đó là: Độ chính xác thấp, thiếu hệ thống bảo vệ chống lại các cuộc tấn công mạng và thiết kế mỏng manh.

POGO đã chuyển những kết luận của mình cho bộ Quốc phòng Hoa Kỳ nhưng chưa thấy có phản hồi.

Bình luận về vấn đề này trong cuộc phỏng vấn với hãng thông tấn Nga Sputnik, ông Oleg Glazunov - chuyên gia khoa học chính trị quân sự Nga nhấn mạnh, châu Âu đã mua những thứ hết sức vô dụng của Mỹ.

"Họ [Mỹ] cũng đã cung cấp vũ khí cho Ukraine, những thứ không dùng được ở đâu cả. Kinh doanh là kinh doanh và Washington không vứt bỏ bất cứ thứ gì. Mỹ là kẻ thực dụng, họ bán bất cứ thứ gì, kể cả là không phù hợp, cho châu Âu, và người châu Âu như những kẻ ngốc, lại đi mua về” - ông Glazunov nói.

Nhà phân tích này đưa ra ví dụ rằng, hệ thống phòng không S-400 Triumph của Nga tốt nhất trên thế giới, Patriot của Mỹ thua kém tới 15, 20 năm, nhưng Washington vẫn ép các nước châu Âu phải mua. Đó là chính sách của Hoa Kỳ: Bán mọi thứ không tốt cho người khác.

Nhật Nam

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/quoc-phong/vu-khi/bi-f-35-khong-dung-duoc-bo-thi-vut-di-nui-tien-3377243/