Bị đẩy khỏi nội đô, 5 tuyến buýt liền kề Đà Nẵng gửi đơn 'kêu cứu'

Lo ngại trước đề xuất không cho vào khu vực nội đô Đà Nẵng, 8 doanh nghiệp đang khai thác 5 tuyến buýt liền kề liên tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng vừa có đơn kêu cứu gửi Thủ tướng và các bộ ngành trung ương.

Một trong 5 tuyến buýt liền kề liên tỉnh Đà Nẵng - Quảng Nam bị đề xuất không cho hoạt động trong nội đô Đà Nẵng. Ảnh minh họa.

Một trong 5 tuyến buýt liền kề liên tỉnh Đà Nẵng - Quảng Nam bị đề xuất không cho hoạt động trong nội đô Đà Nẵng. Ảnh minh họa.

Theo các doanh nghiệp vận tải TP Đà Nẵng, Sở GTVT địa phương này vừa trình UBND TP Đà Nẵng đề xuất cấm 5 tuyến buýt liền kề liên tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng vào nội đô.

Theo đó, điểm cuối của những tuyến buýt này cách trung tâm Đà Nẵng trên 10 km. Nếu theo lộ trình đề xuất này, các doanh nghiệp cho rằng, người dân muốn đến được trung tâm phải qua 2 lần đón xe, mất thêm 1 lần tiền mua vé mới. Các tuyết buýt sẽ khó thu hút khách, trong khi tình trạng “xe dù, bến cóc”, xe chạy xuyên tâm sẽ càng trở nên nghiêm trọng. Trong khi đó, những tuyến buýt này đều không cần nhà nước trợ giá.

Các doanh nghiệp cũng cho biết đã thay mới phương tiện, nâng cao chất lượng dịch vụ, xây dựng tuyến xe buýt liền kề mẫu, giúp người dân có hành trình thuận tiện, an toàn. Qua khảo sát, lấy ý kiến hơn 2.500 hành khách đi trên các tuyến buýt liền kề cho thấy, người dân đều mong muốn giữ nguyên lộ trình như hiện nay và đề nghị đầu tư đổi mới phương tiện.

Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam Nguyễn Văn Quyền cho biết, hiện không có quy định điểm đầu, điểm cuối của các tuyến xe buýt phải xuất phát và kết thúc tại bến xe khách. Do đó, không nhất thiết phải chuyển 5 tuyến buýt liền kề Đà Nẵng vào bến xe, và cấm vào khu vực nội đô.

“Nếu theo đề xuất của Sở GTVT Đà Nẵng, các tuyến buýt tới Đà Nẵng phải dừng cách trung tâm Thành phố gần 11km là không phù hợp với mục tiêu hoạt động của xe buýt. Khi đó, sẽ thêm một lượng phương tiện khác đưa khách từ bến xe vào thành phố và ngược lại, tăng thêm ùn tắc, làm tăng chi phí và thời gian đi lại của người dân”, ông Quyền nói.

Theo ông Quyền, xu hướng hiện nay là chuyển xe khách liên tỉnh có tần suất lớn thành xe buýt, do đó, các địa phương nên tạo điều kiện để loại hình này phát triển. Qua đó gia tăng phương tiện vận tải công công, giảm phương tiện cá nhân, tạo tiện lợi trong nhu cầu đi lại của hành khách, an toàn, tiết kiệm, nhất là đối với những người thu nhập thấp.

Lê Hữu Việt

Nguồn Tiền Phong: https://www.tienphong.vn/kinh-te/bi-day-khoi-noi-do-5-tuyen-buyt-lien-ke-da-nang-gui-don-keu-cuu-1483299.tpo