Bị đánh xong được mời… hòa giải, cơ chế nào bảo vệ nạn nhân?

Nhiều trường hợp phụ nữ yêu cầu ly hôn vì bị bạo hành, cán bộ vẫn chọn cách khuyến khích hòa giải và khuyên hai vợ chồng về 'đóng cửa bảo nhau'.

‘Võ sư’ hành hung người vợ đang bế con trên tay Đoạn video ghi lại cảnh người chồng võ sư hung hãn, thẳng tay đánh đập, ném sỏi vào người vợ đang bế con nhỏ, làm vợ và con nhiều lần ngã dúi dụi xuống nền nhà.

Liên tục nhiều trường hợp chồng bạo hành vợ diễn ra trong chưa đầy một tháng qua như vụ "võ sư" đánh vợ đang bế con (Hà Nội); bà bầu bị chồng hờ đánh gãy tay, chân (Bình Thuận); chồng bạo hành vợ đang bế con (Bắc Kạn).

Thực trạng này đặt ra câu hỏi về tính hiệu quả của các chiến dịch bình đẳng giới và phòng, chống bạo lực gia đình mà Việt Nam tiến hành suốt nhiều năm qua.

Nghịch lý của bạo hành và hòa giải

Câu chuyện của chị Lâm Thị Mến (31 tuổi, ngụ tại An Giang) bị "chồng hờ" đánh khi mang thai 26 tuần làm lộ ra kẽ hở trong cách giải quyết các vụ bạo lực gia đình. Người chồng chỉ bị xử lý hành chính ở lần đầu xử phạt. Chính quyền không hề có biện pháp ngăn chặn người này tiếp xúc với nạn nhân khiến chị Mến tiếp tục bị bạo hành.

Phân tích thực trạng này, thạc sĩ Nguyễn Thị Thúy, chuyên gia phân tích giới trong phát triển của UN Women, thể hiện sự không đồng tình. Bà cho biết: “Nguyên tắc đầu tiên khi có vụ việc bạo lực gia đình xảy ra là phải cách ly nạn nhân khỏi nguồn nguy hiểm”.

Hiện nay, điều 19 Luật phòng, chống bạo lực gia đình quy định về biện pháp ngăn chặn, bảo vệ bao gồm cấm người có hành vi bạo lực gia đình tiếp xúc với nạn nhân. Tuy nhiên, bà Thúy cho biết trên thực tế, việc thực hiện những điều luật này tại các cấp cơ sở vẫn còn hạn chế.

Hiện Việt Nam vẫn thiếu cơ chế bảo vệ cho các nạn nhân của bạo lực gia đình. Ảnh: Cắt từ clip.

Hiện Việt Nam vẫn thiếu cơ chế bảo vệ cho các nạn nhân của bạo lực gia đình. Ảnh: Cắt từ clip.

Một vấn đề nữa được chuyên gia chỉ ra là thủ tục hòa giải. Cụ thể, điều 52 luật Hôn nhân và Gia đình khuyến khích hòa giải khi vợ, chồng có yêu cầu ly hôn, chỉ trường hợp hành vi bạo lực lặp lại nhiều lần mới được xử lý bằng các biện pháp mạnh hơn.

Bà Thúy cho rằng quy định này có mục đích tốt nhưng cách thực hành của cán bộ cơ sở còn tồn tại nhiều vấn đề. Ví dụ, nhiều trường hợp phụ nữ yêu cầu ly hôn vì bị bạo hành, cán bộ vẫn chọn cách khuyến khích hòa giải và khuyên hai vợ chồng "đóng cửa bảo nhau".

Chuyên gia này cho biết tại nhiều quốc gia như Úc hay Lào cũng có luật về hòa giải dân sự, nhưng họ “không hòa giải các trường hợp liên quan đến bạo lực với phụ nữ bởi quyền tự do thân thể phải được pháp luật bảo vệ toàn vẹn”.

Khó xét xử khi chưa đủ thương tích

“Nhiều trường hợp có anh chồng rất tinh vi. Cố tình đánh vợ nhưng không gây thương tích đến 11%. Thậm chí, có người chỉ bạo hành tinh thần, kinh tế hoặc tình dục thì cũng chịu, không có chế tài”, chuyên gia từ UN Women nêu vấn đề.

Cụ thể, luật Phòng, chống bạo lực gia đình nêu rõ 4 hình thức bạo lực phi pháp bao gồm: thể xác, tình dục, kinh tế, và tâm lý.

Song theo Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi bổ sung 2017, chỉ những trường hợp bạo lực thể xác nghiêm trọng gây tỉ lệ thương tật từ 11% trở lên, có xác nhận của bác sĩ, mới bị xử lý hình sự.

Hình ảnh cắt từ clip cho thấy cảnh chị L. bế con 2 tháng tuổi bị chồng đánh ngã dúi dụi xuống nền nhà.

Các hình thức bạo lực khác chủ yếu được xử lý theo thủ tục tố tụng dân sự và xử lý hành chính; hoặc theo thủ tục tố tụng hình sự nếu có đơn khởi kiện của người bị hại.

Thực tế cho thấy, ngoài bạo lực thể chất, các hình thức bạo lực còn lại là khoảng trống pháp lý, chưa có chế tài cụ thể. Người bị hại là nạn nhân của bạo lực tinh thần, kinh tế, tình dục hầu như phải “ngậm đắng nuốt cay”, tự mình chấp nhận.

Chính cán bộ vẫn còn định kiến giới

Trao đổi với Zing.vn về trường hợp kẻ vũ phu Nguyễn Xuân Vinh bạo hành vợ, Vụ trưởng Vụ Bình đẳng giới Phạm Ngọc Tiến cho rằng: “Anh ta tự cho mình có quyền quyết định mọi thứ trong gia đình, dẫn đến vi phạm nghiêm trọng quyền con người".

Lý giải nguyên nhân khiến tình trạng bạo lực còn tồn tại trong gia đình, Vụ trưởng Tiến nhận định vấn đề chính là định kiến giới vẫn nặng nề không chỉ ở người dân mà ngay trong đội ngũ cán bộ. Ông cho biết nhận thức về bình đẳng giới, về hành vi bạo lực trên cơ sở giới của chính các cán bộ vẫn còn "lơ mơ".

Chị L., vợ võ sư Vinh, cho biết hai người từng hòa giải thành công một lần và tiếp tục về nhà sống chung. Ảnh: Gia đình cung cấp.

Lãnh đạo Vụ Bình đẳng giới thừa nhận thực trạng về bạo lực trên cơ sở giới nói chung và bạo lực đối với phụ nữ nói riêng có nhiều điều phải suy nghĩ.

"Mặc dù số vụ bạo lực giảm so với 10 năm trước, nhưng tính chất của các vụ việc nhắc nhở nhà quản lý phải quan tâm, nỗ lực nhiều hơn nữa trong cuộc chiến này", ông Tiến chia sẻ với Zing.vn.

Thu Hằng

Nguồn Znews: https://news.zing.vn/bi-danh-xong-duoc-moi-hoa-giai-co-che-nao-bao-ve-nan-nhan-post983717.html