Bị đâm chết khi nhắc vượt đèn đỏ: Công an kêu gọi 'Đừng sợ!'

'Từ câu chuyện anh Lan bị đâm tử vong khi nhắc một thanh niên vượt đèn đỏ, tôi mong rằng mọi người dân đừng quá mất niềm tin vì cái xấu, cái sai không bao giờ tồn tại lâu được. Kẻ phạm tội ắt hẳn sẽ bị pháp luật xử lý', một vị công an nói.

Anh Mai Xuân Lan (32 tuổi, ở Quảng Trị), người nhắc nhở thanh niên không vượt đèn đỏ bị đâm đã tử vong và được gia đình đưa về nhà để lo hậu sự. Chẳng ai có thể ngờ rằng, nguồn cơn của cái chết lại xuất phát từ lòng tốt và trách nhiệm. Và từ vụ việc này, liệu chúng ta có nên cứ im lặng trước cái sai của người khác để không phải chuốc họa vào thân? Cái chết nghiệt ngã của anh Mai Xuân Lan khi nhắc nhở một thanh niên vượt đèn đỏ khiến nhiều người hoang mang, khiếp sợ.

Xoay quanh chủ đề này, chúng tôi đã ghi nhận ý kiến của một số cán bộ công an để có thêm nhiều góc nhìn đa chiều.

Là người tử tế, anh Lan đã ra đi trong sự tiếc thương vô bờ của người thân. Ảnh: S.H

Là người tử tế, anh Lan đã ra đi trong sự tiếc thương vô bờ của người thân. Ảnh: S.H

Hãy mạnh dạn lên tiếng đẩy lùi cái xấu

Nhắc lại câu chuyện thương tâm của anh Lan vừa xảy ra ở Quảng Trị, Trung tá Nguyễn Văn Tài, Trưởng Công an phường Tam Phú, quận Thủ Đức, TP.HCM chia sẻ, đó là một sự việc hết sức đau lòng. Nhưng ông cũng cho rằng, điều đó không có nghĩa là chúng ta đánh mất đi niềm tin đấu tranh cho lẽ phải.

“Đừng sợ! Cái sai phải được sửa chữa thì xã hội này mới tốt đẹp hơn được. Trong mỗi chúng ta, ai cũng cần phải có trách nhiệm với xã hội, với nơi mà mình đang sống. Vì chính chúng ta đã gầy dựng nên cuộc sống này thì phải có trách nhiệm bảo vệ nó. Đấu tranh để chống lại những hành vi sai trái, vi phạm luật pháp là điều mà mỗi người dân nên làm. Đó không phải là việc bao đồng. Lực lượng công an chúng tôi rất cần sự hỗ trợ của bà con để có thể xóa bỏ đi những điều không hay đó. Phải cùng nhau làm thì mới có hiệu quả được”, Trung tá Tài nói.

Theo Trung tá Tài, đấu tranh với cái xấu không phải là điều gì quá to tát. Đơn giản như thấy người nào vứt rác sai quy định, hãy lên tiếng; thấy người nào chở con nhỏ đi xe máy không đội mũ bảo hiểm, hãy nhẹ nhàng góp ý với họ… “Chúng ta cứ im lặng trước những hành động sai trái thì chẳng khác nào chính chúng ta là người dung túng cho cái xấu đó tồn tại. Một lần, hai lần rồi ba lần, thấy đối phương làm sai mà mình không góp ý, nhắc nhở họ, cứ để cái sai đó nhân rộng ra thì xã hội chúng ta sống trở nên quá bất an, lúc đó có khi ta lại tự hỏi sao lúc đó mình không lên tiếng để ngăn ngừa nó ngay?!. Chúng ta không có cớ gì phải run rẩy, sợ hãi trước cái sai và sự tàn ác đó. Thay vì thế, sao chúng ta không chọn cách đấu tranh chống lại nó?”, Trung tá Tài nhấn mạnh.

Trung tá Tài cũng gửi gắm người dân hãy mạnh dạn lên tiếng, thẳng thắn đấu tranh, cùng với chính quyền, công an dẹp bỏ những cái sai ra khỏi xã hội để môi trường sống trở nên an toàn, văn minh và ngày càng tốt đẹp hơn.

Nhắc nhở người vi phạm cũng là trách nhiệm của công dân

Trao đổi với chúng tôi, một cán bộ công an tại một quận ở trung tâm TP.HCM cho biết: Việc nhắc nhở, góp ý cho một người nào đó có hành vi sai quy định pháp luật cũng là một phần trách nhiệm của công dân.

Cán bộ này chia sẻ: “Đừng vội mất niềm tin như vậy. Im lặng có nghĩa là chúng ta đồng ý với cái sai của người khác. Người khác không thấy mình nói, họ sẽ nghĩ rằng mình đồng tình với họ, vậy nên hết lần này đến lần khác họ cho mình có quyền tiếp tục lặp lại hành động sai trái đó. Thêm nữa, ngay lần đầu tiên nếu thấy họ sai, mình góp ý thì mọi chuyện sẽ dễ dàng hơn, chứ chờ đến khi họ tái phạm nhiều lần, mọi bức xúc của những lần trước mình dồn nén vào một lần, ắt hẳn sẽ to tiếng với nhau, chẳng ai muốn điều đó cả”.

Lực lượng công an đến nhà chia sẻ mất mát cùng với gia đình và tiễn đưa anh Lan. Ảnh: S.H

Cũng theo cán bộ này, người dân khi góp ý cho đối phương cũng nên nói bằng thái độ nhẹ nhàng, nhã nhặn, lịch sự; không nên nói nặng lời vì sẽ phản tác dụng.

“Việc xử lý sai phạm thì do cơ quan nhà nước có thẩm quyền xử lý, họ được trang bị kiến thức và công cụ, phương tiện để thực hiện nhiệm vụ. Người dân khi nhận thấy sự việc, hành vi sai trái thì nên góp ý, nếu xảy ra cự cãi thì nên báo với cơ quan chức năng để giải quyết. Phòng chống tội phạm và hành vi vi phạm pháp luật là nhiệm vụ của toàn dân, đó còn là quyền của chúng ta nữa: quyền được lên án cái sai để hoàn thiện, xây dựng xã hội này văn minh hơn", cán bộ này nói.

Vị cán bộ cũng chia sẻ thêm: "Chúng tôi là công an, nhưng rất cần người dân hợp tác để đấu tranh loại bỏ những hành vi sai trái ra khỏi đời sống. Một người không được thì hai người ba người, cả một cộng đồng cùng chung sức, chung lòng sẽ được. Từ câu chuyện anh Lan bị đâm tử vong khi nhắc một thanh niên vượt đèn đỏ, tôi rất chia sẻ nỗi đau của gia đình anh Lan và mong rằng mọi người dân đừng quá mất niềm tin, vì cái xấu, cái sai lúc nào cũng không tồn tại lâu được. Kẻ phạm tội ắt hẳn sẽ bị pháp luật xử lý. Còn mỗi chúng ta hãy lên tiếng để bảo vệ cuộc sống của mình, của cộng đồng mình đang sống!”.

THANH TUYỀN

Nguồn PLO: https://plo.vn/ban-doc/bi-dam-chet-khi-nhac-vuot-den-do-cong-an-keu-goi-dung-so-826026.html