Bị công ty khác sử dụng nhãn hiệu đăng ký bảo hộ, phải làm thế nào?

Công ty tôi được cấp giấy đăng ký nhãn hiệu cho nhóm hàng hóa điện gia dụng với tên nhãn hiệu là 'ABC'. Đến năm 2015, Công ty tôi phát hiện Công ty A có hành vi sử dụng nhãn hiệu của Công ty tôi (đã được đăng ký bảo hộ) để gắn vào các sản phẩm, hàng hóa dịch vụ của mình...

Vậy cho tôi hỏi, trong trường hợp này Công ty tôi phải làm những gì để bảo vệ nhãn hiệu của Công ty mình và trách nhiệm của Công ty A phải chịu như thế nào đối với hành vi của mình?

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Trả lời: Theo điểm a khoản 3 Điều 6 Luật Sở hữu trí tuệ 2005 quy định: “Quyền sở hữu công nghiệp đối với sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí, nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý được xác lập trên cơ sở quyết định cấp văn bằng bảo hộ của cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo thủ tục đăng ký quy định tại Luật này hoặc công nhận đăng ký quốc tế theo quy định của điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên; đối với nhãn hiệu nổi tiếng, quyền sở hữu được xác lập trên cơ sở sử dụng, không phụ thuộc vào thủ tục đăng ký”,

Như vậy, theo như quy định như trên và thông tin bạn cung cấp cho chúng tôi về việc nhãn hiệu “ABC” của Công ty bạn đã được đăng ký và cấp giấy đăng ký nhãn hiệu thì nhãn hiệu trên thuộc quyền sở hữu của Công ty bạn.

Do đó, ngay sau khi phát hiện hành vi trên của Công ty A thì Công ty bạn cần tiến hành yêu cầu cơ quan thừa phát lại tiến hành lập vi bằng hành vi của Công ty A đã bày bán các sản phẩm của Công ty A có sử dụng nhãn hiệu của Công ty bạn đồng thời tiến hành gửi hồ sơ cho Viện Khoa học sở hữu trí tuệ để giám định để chứng minh hành vi vi phạm của Công ty A. Nếu như kết quả giám định khẳng định Công ty A có hành vi sử dụng nhãn hiệu “ABC” của Công ty bạn thì bạn có thể gửi đơn yêu cầu xử phạt hành vi vi phạm của Công ty A lên các cơ quan chức năng có thẩm quyền như Ủy ban nhân dân, Hải quan, Quản lý thị trường hoặc khởi kiện ra tòa án để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho Công ty mình theo khoản 1 Điều 202 luật này quy định về quyền tự bảo vệ.

Nếu như Công ty bạn chứng minh được hành vi xâm phạm của Công ty A thì Công ty A phải chịu trách nhiệm theo Điều 202 Luật Sở hữu trí tuệ 2005 như sau:

Thứ nhất, Chấm dứt hành vi xâm phạm, cụ thể là chấm dứt việc sử dụng nhãn hiệu của Công ty bạn đã dán trên các sản phẩm của Công ty A.

Thứ hai, Xóa bỏ nhãn hiệu của Công ty bạn đã dán trên toàn bộ sản phẩm thuộc nhóm hàng mà Công ty A đang lưu hành trên thị trường.

Thứ ba, Công ty A phải có trách nhiệm bồi thường cho Công ty bạn về vi phạm bản quyền theo thỏa thuận của hai bên hoặc theo phán quyết của tòa án.

Thứ tư, Công ty A phải tiến hành xin lỗi, cải chính công khai trên các cổng thông tin đại chúng với nội dung xin lỗi vì đã có hành vi xâm phạm và sử dụng nhãn hiệu của Công ty bạn.

Luật sư Trương Quốc Hòe

Nguồn CL&XH: https://conglyxahoi.net.vn/tu-van-luat/bi-cong-ty-khac-su-dung-nhan-hieu-dang-ky-bao-ho-phai-lam-the-nao-24210.html