Bị côn trùng đốt, bé gái hơn 1 tuổi teo não, chân tay co quắp

Bị côn trùng đốt khiến bé Bùi Thị Bảo An (SN 2016) nhiễm trùng máu rồi biến chứng tay chân co quắp, teo não, không thể nhận thức.

Chúng tôi gặp vợ chồng anh Bùi Văn Hướng (31 tuổi, trú thôn Thắng, Quảng Nham, Quảng Xương, Thanh Hóa) khi họ đang chăm sóc con gái Bùi Thị Bảo An (SN 9/7/2016) tại Khoa nhi, Bệnh viện y học cổ truyền Trung ương. Bé bị côn trùng đốt, sau đó bị teo não, tay chân co quắp và không có khả năng nhận thức.

Ôm con, nhìn đôi mắt bé trợn ngược, tay chân cứng đờ, chị Huế như đứt từng khúc ruột. Anh Hướng kể, năm 2010, vợ chồng kết hôn nhưng hiếm muộn vì chị Huế mắc bệnh u nang buồng trứng. Mãi đến cuối năm 2015, sau 6 năm kiên trì điều trị và chờ đợi, anh chị mới đón tin vui, chị Huế mang thai con gái đầu lòng.

Chân tay bé An cứng đờ.

Chân tay bé An cứng đờ.

Năm 2016, bé sinh ra khỏe mạnh, bụ bẫm khiến cả nhà vui mừng khôn xiết. Nhưng rồi tai họa bỗng chốc ập tới. Vào một ngày tháng 6/2017, trong lúc vui chơi tại nhà, bé An bất ngờ bị côn trùng đốt một vết nhỏ gần mang tai. Ban đầu vợ chồng anh Hướng nghĩ vết đốt ấy không có gì đáng ngại. Nào ngờ, vài ngày sau, An bất ngờ sốt cáo, phải đưa đến Bệnh viện Nhi Thanh Hóa chữa trị.

Tại đây, các bác sĩ chẩn đoán bé bị nhiễm trùng máu đẫn đến co giật, sốt cao. Sau 2 tháng điều trị, việc nhiễm trùng máu không còn. Tuy nhiên, biến chứng của chất độc khiến não của An bị teo 2 bên bán cầu, chân tay co quắp, mắt không thể quan sát và mất khả năng nhận thức.

Gia đình chị Huế không có điều kiện nên rất mong nhận được sự giúp đỡ.

“Vợ chồng tôi thương con lắm nhưng không biết phải làm sao. Từ hôm An lâm bệnh, chẳng đêm nào hai vợ chồng tôi ngủ tròn giấc”, chị Huế bật khóc.

Chị cho biết, qua đọc thông tin trên mạng, chị nghĩ việc cấp ghép tế bào gốc có thể giúp bé An hồi sinh. Vậy là vợ chồng nhiều lần làm đơn gửi lên bệnh viện có chuyên môn, xin cấy ghép tế bào gốc với hy vọng, con gái họ có có hội phát triển bình thường như những đứa trẻ khác.

“Tuy nhiên, đến nay gia đình vẫn chưa nhận được câu trả lời”, chị Huế buồn bã. Các bác sĩ cho biết, trường hợp của An, cấy ghép tế bào gốc càng sớm càng tốt. “Biết rằng cấy ghép tế bào gốc là tốt nhưng vợ chồng tôi lại không kiếm đâu ra cho đủ tiền”, chị Huế ngậm ngùi.

Hiện nay, công việc của vợ chồng chị bếp bênh, mỗi năm dù tiết kiệm cũng chỉ dư được 30 triệu đồng. “Nhưng đấy là không đau ốm, tiêu pha ít, còn từ khi An lâm bệnh, tôi giành nhiều thời gian để lo lắng, chăm sóc con. Suốt mấy tháng qua, gia đình chúng tôi đã cạn kiệt tiền bạc“, anh Hướng chia sẻ.

Hiện nay, vợ chồng không những không tiết kiệm được tiền mà còn gánh trên vai nhiều khoản nợ lớn, vay mượn để trị bệnh cho con. Gia đình anh Hướng cho biết, họ rất mong nhận được sự quan tâm, giúp đỡ của các nhà hảo tâm để cứu con qua cơn nguy kịch.

Định Nguyễn

Nguồn SaoStar: https://saostar.vn/xa-hoi/bi-con-trung-dot-gai-hon-1-tuoi-teo-nao-chan-tay-co-quap-1746529.html