Bị chiếm sân bay cũ, phe Tướng Haftar đánh bom sân bay mới

Nhiều nhóm vũ trang ủng hộ chính quyền GNA tập trung xe, vũ khí kéo về bảo vệ Tripoli.

Giao tranh tại Libya tiếp tục phức tạp và nguy hiểm, khi phe Tướng Khalifa Haftar ở miền đông không để ý đến lời kêu gọi ngừng bắn từ cộng đồng quốc tế. Ngày 8-4, Sân bay Quốc tế Mitiga, sân bay duy nhất còn hoạt động ở thủ đô Tripoli, bị máy bay chiến đấu lực lượng Quân đội Quốc gia Libya (LNA) của Tướng Haftar tấn công.

Bị chiếm lại sân bay cũ, đánh tiếp sân bay mới

Sân bay Mitiga cách Tripoli 8km. Nhà chức trách chính quyền Tripoli xác nhận sân bay này bị trúng bom và phải đóng cửa, đồng thời lên án hành động của LNA đe dọa tính mạng dân thường và an toàn các chuyến bay.

Hội đồng Tổng thống của Chính quyền Hòa hợp Dân tộc (GNA) lên án vụ không kích nhắm vào sân bay Mitiga của phe LNA là tội ác chiến tranh.

“Hội đồng Tổng thống lên án mạnh vụ không kích vào Sân bay Mitiga của lực lượng ông Khalifa Haftar. Hội đồng xem vụ tấn công như là một tội ác chiến tranh và là một tội ác chống lại nhân loại, vi phạm tất cả điều luật quốc gia và thỏa thuận quốc tế, khiến cho việc đưa người bệnh và người bị thương đến bệnh viện trong thời điểm khó khăn này trở nên không thể”, hãng tin Sputnik dẫn tuyên bố của Hội đồng Tổng thống Libya, cho biết.

Sân bay Mitiga đóng cửa, người dân Tripoli chỉ còn một lựa chọn cuối cùng khi muốn di chuyển bằng đường hàng không là đến Sân bay Misrata, cách thủ đô 200km về phía đông.

Người dân sơ tán khỏi sân bay quốc tế Mitaga sau khi sân bay này bị đóng cửa vì phe LNA đánh bom. Ảnh: REUTERS

Người dân sơ tán khỏi sân bay quốc tế Mitaga sau khi sân bay này bị đóng cửa vì phe LNA đánh bom. Ảnh: REUTERS

Lên tiếng từ Tripoli, Đặc phái viên Liên Hiệp Quốc (LHQ) tại Libya Ghassan Salame lên án trận không kích là “một sự vi phạm nghiêm trọng luật nhân đạo”.

Ngày 8-4, Tổng thư ký LHQ Antonio Guterres lên án mạnh sự leo thang quân sự gần Tripoli, kể cả việc LNA không kích sân bay Mitiga, kêu gọi ngừng giao tranh ngay lập tức để giảm căng thẳng và ngăn tình hình biến thành xung đột mất kiểm soát.

Một người phát ngôn của LNA xác nhận LNA thực hiện vụ không kích, nhưng nói phe mình không nhắm vào các máy bay dân sự mà chỉ nhằm vào một máy bay quân sự MiG đậu ở Sân bay Mitiga.

LNA không kích Sân bay Mitaga sau khi mất kiểm soát Sân bay Quốc tế Tripoli cũ về tạy lực lượng GNA. LNA chiếm sân bay này vào ngày 6-4.

Sân bay quốc tế Tripoli cũ đã được phe chính quyền Tripoli chiếm lại. Ảnh: REUTERS

Chiều 8-4, hãng tin Reuters dẫn lời nhiều nhân chứng cho biết phe LNA đã rút khỏi nhiều vị trí trên các tuyến đường gần Sân bay Tripoli cũ. Nhà báo của Reuters tại hiện trường cho biết có nhìn thấy lực lượng GNA có mặt bên trong sân bay.

Các nhóm vũ trang kéo về bảo vệ Tripoli

Nhà báo Reuters tại trung tâm TP Misrata cho biết nhiều nhóm vũ trang ủng hộ chính quyền GNA ngày 8-4 tập trung xe, vũ khí kéo về bảo vệ Tripoli.

Lực lượng LNA của Tướng Haftar cho biết có 19 lính bên mình thiệt mạng trong năm ngày giao tranh qua. Tuy nhiên lính LNA đã gần tiếp cận được Tripoli.

Bộ Y tế ở Tripoli cho biết giao tranh ở phía nam Tripoli làm ít nhất 25 người chết (gồm cả binh sĩ và dân thường) và 80 người bị thương. LHQ cho biết khoảng 3.400 người đã phải sơ tán vì giao tranh trong và xung quanh Tripoli. Hệ thống điện bị hư hại. Hoạt động thu thập người chết và cứu chữa người bị thương bị cản trở vì giao tranh.

Lực lượng ủng hộ GNA tại TP Misrata chuẩn bị vũ khí di chuyển về bảo vệ thủ đô Tripoli ngày 8-4. Ảnh: REUTERS

Trong ngày 8-4, LHQ tiếp tục kêu gọi một lệnh ngừng bắn nhân đạo cho phép các cơ quan khẩn cấp hỗ trợ cứu chữa người bị thương và sơ tán dân thường khỏi vùng xung đột.

Giao tranh không những làm thương vong tăng cao mà còn đe dọa đến khả năng cung cấp dầu, đẩy thêm làn sóng di cư sang châu Âu, và có nguy cơ hủy hoại kế hoạch tổ chức hội nghị quốc gia bàn lịch trình bầu cử nhằm chấm dứt tình trạng đối đầu hai phe miền đông và miền tây Libya.

LHQ gặp chính quyền Tripoli bàn phương án

Tại Tripoli ngày 8-4, ông Salame và ông Sarraj đã gặp nhau bàn “các phương án LHQ có thể hỗ trợ trong thời điểm quan trọng và khó khăn này”, người phát ngôn LHQ Stephane Dujarric thông báo từ New York (Mỹ).

LHQ, Liên minh châu Âu, G7, Mỹ đều lên tiếng đề nghị Tướng Haftar ngừng tấn công Tripoli, quay lại đàm phán.

Lực lượng ủng hộ GNA tại TP Misrata chuẩn bị vũ khí di chuyển về bảo vệ thủ đô Tripoli ngày 8-4. Ảnh: REUTERS

Điện đàm với Thủ tướng Sarraj ngày 8-4, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron “chỉ trích mạnh chiến dịch xâm chiếm thủ đô khiến dân thường gặp rủi ro”. Hãng AFP dẫn một nguồn tin ngoại giao Pháp bác bỏ cáo buộc Paris đứng về phía Tướng Haftar trong diễn biến giao tranh mới ở Libya.

Nguồn nhấn mạnh Pháp không hay biết về kế hoạch tấn công Tripoli của phe LNA. Theo nguồn tin, Pháp không “bí mật lên kế hoạch” tấn công Tripoli và đã cố thuyết phục Tướng Haftar không thực hiện chiến dịch này. Nguồn tin khẳng định Pháp vẫn ủng hộ và xem GNA là trung tâm tiến trình chính trị ở Libya.

Sở dĩ xuất hiện cáo buộc này vì Pháp dù chính thức công nhận chính quyền GNA được thành lập theo Thỏa thuận Chính trị Libya nhằm thống nhất đất nước theo tinh thần của LHQ và quốc tế, tuy nhiên cũng ủng hộ phe LNA của Tướng Haftar.

Pháp thiết lập quan hệ thân thiết với Tướng Haftar dưới thời Tổng thống Francois Hollande và Bộ trưởng Quốc phòng Jean-Yves Le Drian. Sau khi nhậm chức, đương kim Tổng thống Emmanuel Macron bổ nhiệm ông Le Drian làm Ngoại trưởng, và sự ủng hộ của Pháp với Tướng Haftar tăng thêm.

Theo các nhà quan sát, lý do vì Pháp hy vọng ông Haftar sẽ giúp ngăn chặn đà di cư từ châu Phi vào châu Âu. Vì sự ủng hộ này mà Pháp với Ý căng thẳng với nhau, khi Rome muốn thành lập một thể chế dẫn đầu để chấm dứt hỗn loạn ở Libya, vốn từng là thuộc địa của mình.

THIÊN ÂN

Nguồn PLO: https://plo.vn/quoc-te/su-kien/bi-chiem-san-bay-cu-phe-tuong-haftar-danh-bom-san-bay-moi-826658.html