Bị chỉ trích tạo bẫy nợ, Trung Quốc vẫn thúc đẩy Vành đai Con đường

Trung Quốc sẽ tiếp tục thúc đẩy triển khai sáng kiến Vành đai Con đường, cho dù chương trình vấp phải ngày càng nhiều chỉ trích quốc tế.

Sri Lanka buộc phải cho Trung Quốc thuê 1 cảng biển trong 99 năm vì không trả được nợ. (Ảnh: SCMP)

Sri Lanka buộc phải cho Trung Quốc thuê 1 cảng biển trong 99 năm vì không trả được nợ. (Ảnh: SCMP)

Tại một cuộc họp báo bên lề kỳ họp quốc hội thường niên tại Bắc Kinh, Ủy viên Quốc vụ, Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc ông Vương Nghị gạt bỏ những lời phàn nàn rằng kế hoạch phát triển hạ tầng liên lục địa mang tên Vành đai Con đường là một bẫy nợ, khiến các nước trở nên phụ thuộc vào Trung Quốc.

Trong tuần này, sáng kiến tiếp tục gây tranh cãi sau khi có thông tin Italia trở thành nước đầu tiên trong nhóm G7 tham gia kế hoạch, một diễn biến vấp phải sự phản ứng gay gắt từ Nhà Trắng và gây quan ngại ở châu Âu.

Ông Vương Nghị đã cố gắng trấn an thế giới khi nói rằng kế hoạch này “hoàn toàn không phải bẫy nợ” và so sánh nó với một “chiếc bánh kinh tế” mà mỗi lát bánh sẽ mang lại lợi ích cho người dân địa phương.

Người đứng đầu ngành ngoại giao Trung Quốc cũng khẳng định đây không phải một công cụ địa chính trị mà là “cơ hội cho nhiều nước phát triển cùng nhau”.

Ông Vương Nghị cho biết tổng số 123 quốc gia và 29 tổ chức quốc tế đã ký thỏa thuận với Trung Quốc trong khuôn khổ sáng kiến.

Một hội nghị thượng đỉnh về Vành đai và Con đường sẽ diễn ra tại Bắc Kinh vào tháng tới. Đó là sự kiện mà Trung Quốc hy vọng sẽ tập hợp được ủng hộ từ cộng đồng quốc tế và tô đậm các quan hệ quốc tế của nước này.

Hội nghị thượng đỉnh lần thứ hai sẽ lớn hơn cuộc đầu tiên được tổ chức cách đây 2 năm. Sự kiện lần này dự kiến có sự tham gia của cả ngàn người từ hơn 100 quốc gia, ông Vương nói.

Tổng thống Nga Vladimir Putin, Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte và Thủ tướng Malaysia Mahathir Mohamad đã khẳng định sẽ tham dự.

Ngoài sự kiện chính, 12 diễn đàn phụ sẽ được tổ chức để tập trung bàn về hợp tác thực chất, ông Vương nói. Ông Vương cũng cho biết hội nghị sẽ được tổ chức theo hướng tập trung vào cộng đồng kinh tế.

Ông Xu Liping, nhà nghiên cứu công tác tại Viện nghiên cứu châu Á – Thái Bình Dương thuộc Viện Xã hội học Trung Quốc, nói rằng việc thúc đẩy sáng kiến Vành đai Con đường được coi là điều cốt lõi để thúc đẩy nỗ lực cải cách và mở cửa nền kinh tế của Trung Quốc.

“Bắc Kinh có thể thúc đẩy quan hệ đối tác gần gũi hơn với các nước khác và thúc đẩy chuyển đổi kinh tế thông qua việc thúc đẩy sáng kiến Vành đai Con đường”, báo South China Morning Post dẫn lời ông Xu.

Trải qua 6 năm, việc triển khai sáng kiến đã tạo ra nhiều thách thức to lớn từ cả trong và ngoài nước cần được giải quyết nếu Bắc Kinh thực sự muốn đạt được tiến triển thực sự trong những năm tới, các chuyên gia nhận định.

Ở trong nước, đã có những hoài nghi được nói công khai rằng liệu sáng kiến này có giúp nâng cao hệ thống phúc lợi cho người dân.

Ở bên ngoài, sáng kiến bị nhiều người cho là nỗ lực của Bắc Kinh nhằm tạo bẫy nợ để những nước nhỏ hơn rơi xuống, khiến họ bị phụ thuộc vào Trung Quốc sau khi bị buộc phải vay những khoản vay đắt đỏ mà họ không thể trả để phát triển các dự án hạ tầng.

Trường hợp điển hình nhất là Sri Lanka. Nước này bị buộc phải cho Trung Quốc thuê một cảng biển trong 99 năm vì không thể trả nợ cho Bắc Kinh.

Malaysia cũng than phiền rằng các dự án thuộc sáng kiến này quá tốn kém.

Hành lang kinh tế Trung Quốc – Pakistan đã vấp phải phản đối từ Ấn Độ vì nó chạy qua một phần vùng đất Kashmir tranh chấp mà Pakistan đang kiểm soát nhưng Ấn Độ cũng đòi chủ quyền.

Bình Giang

Nguồn Tiền Phong: https://www.tienphong.vn/the-gioi/bi-chi-trich-tao-bay-no-trung-quoc-van-thuc-day-vanh-dai-con-duong-1386271.tpo