Bị cắt giảm ngân sách, TP. HCM đề xuất tìm thêm nguồn thu khác

Để thích ứng với lộ trình cắt giảm tỷ lệ ngân sách mà TP. HCM được giữ lại giảm từ 23% xuống còn 18% (giai đoạn 2017-2020) kể từ năm sau, UBND thành phố đã có một số đề xuất lên Bộ Tài chính trình Chính phủ cho phép tổ chức vài khoản thu khác.

TP. HCM đề xuất được tổ chức vài khoản thu khác sau khi ngân sách mà Thành phố được giữ lại bị cắt giảm.

Để phù hợp với nhu cầu phát triển của quy mô đô thị lớn, TP HCM đã có văn bản đề nghị Bộ Tài chính xem xét và trình lên Thủ tướng về 5 khoản thu, bao gồm việc lập các khoản thu mới không phải điều tiết về Trung ương và phân chia theo tỷ lệ phần trăm giữa ngân sách Trung ương và ngân sách địa phương cho một số khoản thu.

Thứ nhất, cấp lại cho Thành phố một phần số thu các khoản thuế từ hoạt động xuất nhập khẩu (dự kiến các mức 8%, 10% hoặc 12% trong tổng thu) và thực hiện trong 10 năm để tạo điều kiện cho thành phố bổ sung nguồn đầu tư cơ sở hạ tầng giao thông đường bộ, hệ thống cảng sông, cảng biển, kết nối liên vùng.

Thứ hai, cho phép nghiên cứu cơ chế phụ thu đối với một số ngành, lĩnh vực kinh doanh trên địa bàn phù hợp với tình hình thực tế. Nguồn thu này không phải điều tiết về trung ương và không đưa vào tính cân đối ngân sách vào đầu thời kỳ ổn định.

Thứ ba, phân cấp cho Thành phố được thu tiền sử dụng đất gắn với tài sản trên đất do các cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc trung ương quản lý và phân chia theo tỷ lệ phần trăm Thành phố được hưởng là 50% khoản thu này.

Thứ tư, phân chia tỷ lệ phần thu lợi nhuận sau thuế còn lại sau khi trích lập quỹ của các doanh nghiệp nhà nước do trung ương đại diện chủ sở hữu cho ngân sách Thành phố được hưởng là 50%.

Thứ năm, cho phép nghiên cứu phương án xây dựng, quản lý thu một số loại phí đối với hoạt động sản xuất kinh doanh, dịch vụ ở một đô thị lớn mà hiện nay chưa được pháp luật ban hành. Nguồn này không phải điều tiết về Trung ương và không đưa vào tính cân đối ngân sách đầu thời kỳ ổn định.

Theo lãnh đạo thành phố, các đề xuất này dựa trên cơ sở TP HCM là địa bàn thu ngân sách nhà nước lớn nhất, chiếm một phần ba tổng số thu quốc gia và có tốc độ tăng trưởng cao hơn bình quân chung cả nước. Tuy nhiên, do phân cấp quản lý ngân sách, tốc độ tăng thu ngân sách của thành phố (thu ngân sách địa phương) đang chậm hơn tốc độ tăng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn. So với năm 2009, số thu ngân sách địa phương năm 2015 tăng 77,8% (tương đương 12,97% một năm). Trong khi đó, số thu ngân sách nhà nước trên địa bàn tăng 111,6% (tương đương 18,6% một năm).

Tuần trước, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng đã phát đi thông điệp TP HCM cần “đồng cam cộng khổ” với tình hình chung của đất nước. Bộ Tài chính cũng đã khẳng định, tỷ lệ 18% ngân sách mà Thành phố được giữ lại đã được cân nhắc rất kỹ và TP HCM cũng không phải trường hợp cá biệt bị giảm tỷ lệ điều tiết ngân sách.

Theo nhiều ý kiến, việc đề xuất thêm các khoản thu mới của TP HCM là một diễn biến hợp lý trong bối cảnh địa phương này cùng với nhiều địa phương khác đang phần nào lo lắng về khoản thu xổ số kiến thiết từ năm sau. Nguyên nhân là bởi lâu nay các địa phương hiện được phép giữ lại doanh thu từ hoạt động này để điều tiết cho nhu cầu đầu tư của mình. Tuy nhiên, theo quy định trong Luật Ngân sách mới, từ năm 2017, nguồn thu từ xổ số kiến thiết bắt buộc phải đưa vào hạch toán ngân sách, cân đối chung để trung ương điều tiết.

Theo Vnexpress.net

Nguồn ANTT: http://antt.vn/bi-cat-giam-ngan-sach-tp-hcm-de-xuat-tim-them-nguon-thu-khac-0122430.html