Bị cắt gần lìa tay chân khi dùng máy cưa tỉa cây

Các bác sĩ của bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ vừa phẫu thuật thành công cho bệnh nhân bị máy cưa cắt đứt gần lìa cổ tay 2 đoạn và cổ chân.

Trước đó, bệnh nhân N. N. V. (62 tuổi, ngụ TP Cần Thơ) được đưa đến bệnh viện cấp cứu trong tình trạng cổ tay phải đứt gần lìa 2 đoạn. Bàn tay tím tái; đau nhức dữ dội; lộ gân xương; không cử động được các ngón tay, kèm vết thương phức tạp cổ chân trái.

Các ngón tay của bệnh nhân hồng hào sau phẫu thuật. Ảnh: BVCC

Các ngón tay của bệnh nhân hồng hào sau phẫu thuật. Ảnh: BVCC

Theo người nhà bệnh nhân, tai nạn xảy ra khi ông V. dùng máy cưa cắt tỉa cây không may máy cắt vào thân cây quá cứng dội ngược cắt trúng cổ tay phải. Sau đó máy cưa rơi xuống đất cắt trúng cổ chân 2 bên.

Sau khi tiếp nhận bệnh nhân, bệnh viện đã kích hoạt quy trình “Báo động đỏ” nội viện, nhanh chóng chuyển bệnh nhân thẳng lên phòng mổ. Ngay sau đó, ê kíp vi phẫu và chấn thương đã tiến hành cứu bàn tay phải, bàn chân trái cho bệnh nhân (sử dụng kính hiển vi phẫu thuật độ phóng đại từ 8 đến 25 lần).

Do vết rất thương phức tạp ở cả tay, chân và phải chạy đua với thời gian nên bệnh viện đã huy động cùng lúc 2 ê kíp vi phẫu để thực hiện cho bệnh nhân. Vết thương vùng cổ tay phải rất phức tạp, do 2 đường cắt khoảng 2/3 chu vi cổ tay, đứt gần hết mạch máu, gân cơ và thần kinh, trong đó xương quay và một số gân cơ, mạch máu vùng cổ tay đứt 2 đoạn.

Đặc biệt, động mạch quay đứt 2 đoạn, dập nát không thể khâu nối như bình thường, các bác sĩ phải lấy tĩnh mạch ở nơi khác để ghép vào thay đoạn động mạch dập nát. Tổn thương xương quay bên phải được cố định bằng Kirschner. Vết thương vùng cổ chân trái 6cm, đứt toàn bộ gân gấp, gân gót, mạch máu thần kinh, được tiếp tục khâu nối mạch máu, thần kinh và gân gót. Sau 5h30 phút phẫu thuật căng thẳng, bàn tay bệnh nhân hồng trở lại.

Sáng 9/12, sau 4 ngày các ngón tay bệnh nhân hồng, sờ mạch rõ, các ngón tay cử động được, vết thương cổ chân ổn định, có thể khẳng định bước đầu giữ được bàn tay cho bệnh nhân. Tuy nhiên bệnh nhân cần điều trị tích cực để tránh nhiễm trùng, lành xương và tập vật lý trị liệu để phục hồi chức năng bàn tay.

Theo BSCKII Huỳnh Thống Em - Giám Đốc Trung tâm chấn thương chỉnh hình Đa khoa Trung ương Cần Thơ: Điều trị những trường hợp đứt lìa này vô cùng khó, bởi tổn thương nặng nề, bị lóc da, bầm giập phần kiểu tổn thương nhổ bật, vặn xoắn nham nhở… nên khi khâu nối mạch máu để cứu sống chi thì nguy cơ cao hơn do tổn thương sắc gọn do tắc mạch máu thứ phát cao hơn.

Nguồn Gia Đình VN: https://giadinhvietnam.com/bi-cat-gan-lia-tay-chan-khi-dung-may-cua-tia-cay-d164445.html