Bị cáo mặc thường phục khi ra tòa: Sao chưa có hướng dẫn cụ thể?

Tại các phiên tòa, bị cáo được mặc thường phục nhưng phải đảm bảo sự trang nghiêm. Tuy nhiên đến nay chưa có quy định, hướng dẫn cụ thể.

Trước năm 2005, các bị cáo khi ra tòa phải mặc bộ đồng phục sọc trắng đen, vốn dành cho những người đã bị tuyên án tù giam. Thực hiện tinh thần cải cách tư pháp, kể từ ngày 29/1/2005, Nghị quyết số 743/2004/NQ của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đi vào hiệu lực với quy định: “Tại phiên tòa xét xử vụ án hình sự, bị cáo là người được tại ngoại và bị cáo là người đang bị tạm giam được sử dụng thường phục, nhưng phải đảm bảo sự trang nghiêm”.

Hotgirl Ngọc Miu mặc áo có dòng chữ "nhạy cảm" ra tòa; ông trùm Văn Kính Dương mặc áo in hình nhân vật hoạt hình ngộ nghĩnh và 17 cán bộ tại Sơn La hầu tòa trong đồng phục xanh công nhân.

Hotgirl Ngọc Miu mặc áo có dòng chữ "nhạy cảm" ra tòa; ông trùm Văn Kính Dương mặc áo in hình nhân vật hoạt hình ngộ nghĩnh và 17 cán bộ tại Sơn La hầu tòa trong đồng phục xanh công nhân.

Mặc dù vậy, cách áp dụng quy định về trang phục cho bị cáo ở mỗi phiên tòa có sự khác nhau. Điển hình như mới đây, trong phiên tòa xử trùm ma túy Văn Kính Dương và đồng bọn tại TAND TP HCM, Ngọc Miu (người tình của ông trùm ma túy) xuất hiện tại tòa với trang phục áo hồng khá sặc sỡ với dòng chữ “nhạy cảm” trên áo. Trong khi đó, ở một phiên tòa khác, xét xử 17 cán bộ ở Sơn La (diễn ra ngày 21/5 tại TAND tỉnh Sơn La) thì các bị cáo đều xuất hiện trong đồng phục quần áo dài tay màu xanh dương.

Nói về vấn đề này, Luật sư Diệp Năng Bình (Trưởng VPLS Tinh Thông Luật) cho biết: “Cách đây hơn chục năm, đã từng có cuộc tranh luận khá gay gắt về trang phục bị cáo. Lúc ấy, khi ra tòa, các bị cáo đều phải mặc áo tù, loại kẻ xọc đen trắng của các phạm nhân. Trong khi đó, bị cáo là người chưa có tội, vì chưa bị tòa tuyên án. Việc bắt bị cáo mặc áo tù khi xét xử được cho là phân biệt đối xử và không mang tính nhân đạo của Nhà nước.

Đối với trường hợp 17 cán bộ ở Sơn La hầu tòa với đồng phục quần dài áo dài màu xanh công nhân, Luật sư Diệp Năng Bình nêu ý kiến: “Để phân biệt, nhận biết một thứ gì đó, người ta dùng nhiều cách. Trong đó, việc dùng màu sắc của đồng phục là phổ biến nhất. Đồng phục này sẽ giúp cho bất cứ ai cũng có thể phân biệt giữa người đang chịu xét xử và người dự tòa, hoặc làm công vụ tại tòa, làm cho công tác giám sát chặt chẽ. Xét trong lẽ thường ấy, màu sắc hay đồng phục không có lỗi, nhưng để đối xử một cách cá biệt với con người thì dù cố tình hay vô tình, đôi khi tạo ra sức ép tâm lý cho các bị cáo”.

Luật sư Diệp Năng Bình (Trưởng VPLS Tinh Thông Luật).

Về trường hợp Ngọc Miu mặc áo với dòng chữ nhạy cảm “Less Stress More Sex” ra hầu tòa, nhiều ý kiến cho rằng dòng chữ như vậy gây phản cảm, thiếu đi tính tôn nghiêm trong phiên xét xử. Tuy vậy, trong luật lại không quy định rõ mặc thế nào là trang nghiêm. Do đó, khó có thể nói rằng, người tình của ông trùm ma túy Văn Kính Dương đã vi phạm trang phục khi hầu tòa.

Cựu thẩm phán TAND Tối cao Nguyễn Quang Lộc cho biết: “Khi áp giải bị cáo ra tòa, nếu cảnh sát hỗ trợ tư pháp thấy các bị cáo ăn mặc hở hang, thiếu nghiêm túc, có những dòng chữ hoặc hình ảnh phản cảm thì có quyền yêu cầu bị cáo quay lại thay đổi quần áo.

Ngoài ra, luật quy định tại phiên tòa, chủ tọa có quyền điều hành phiên tòa. Nên chủ tọa có quyền yêu cầu bị cáo thay đổi trang phục nếu cảm thấy phản cảm, làm giảm tính tôn nghiêm cho phiên tòa. Đối với trường hợp các bị cáo mặc quần áo nhiều màu sắc sặc sỡ thì không ảnh hưởng đến phiên tòa, miễn sao quần áo không hở hang, phản cảm là được” - Cựu thẩm phán TAND Tối cao Nguyễn Quang Lộc cho biết.

Chia sẻ về điều này, Luật sư Diệp Năng Bình nhấn mạnh: “Việc các bị cáo mặc thường phục như thế nào để “bảo đảm sự trang nghiêm” đến nay luật vẫn chưa có hướng dẫn, nên khó “bắt bẻ” các bị cáo. Kiểm soát mặc thường phục của các bị cáo như thế nào khi ra tòa sẽ do cán bộ trại giam hoặc trại tạm giam quản lý và thực hiện theo quy định.

Trang nghiêm trước giờ chúng ta vẫn thường hay nói là không được mặc quần đùi, quần cộc, váy quá ngắn, áo hở hang... Tuy nhiên hiện nay, chưa có quy chuẩn, hướng dẫn cụ thể mặc thế nào là trang nghiêm nên việc áp dụng quy định trang phục với mỗi phiên tòa có sự khác nhau”.

Do chưa có hướng dẫn cụ thể nên hiện nay, khó áp đặt trang phục nếu các bị cáo không hợp tác. Và những trường hợp mặc phản cảm vẫn có thể xuất hiện. Đã đến lúc cần có những hướng dẫn, quy định cụ thể về cách ăn mặc của bị cáo khi xuất hiện tại tòa, để đảm bảo tính trang nghiêm như Nghị quyết số 743/2004/NQ của Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định./.

Trọng Phú/VOV.VN

Nguồn VOV: https://vov.vn/vu-an/bi-cao-mac-thuong-phuc-khi-ra-toa-sao-chua-co-huong-dan-cu-the-914412.vov