Bị cáo Đinh La Thăng không được giảm án, phải bồi thường 600 tỷ

Ngoài mức án 18 năm tù, bị cáo Đinh La Thăng (nguyên Chủ tịch Tập đoàn Dầu khí) còn bị HĐXX tuyên phải bồi thường 600 tỷ đồng.

Chiều nay (26/6), sau 2 ngày nghị án, HĐXX TAND Cấp cao tại Hà Nội đưa ra phán quyết đối với ông Đinh La Thăng (nguyên Chủ tịch Tập đoàn Dầu khí) và 6 bị cáo trong vụ PVN mất 800 tỷ đồng khi góp vốn vào Ngân hàng Đại Dương (Oceanbank).

Theo đó, chủ tọa tuyên y án với 6 bị cáo, trong đó Đinh La Thăng lĩnh 18 năm tù. Riêng bị cáo Phan Đình Đức được giảm từ 15 tháng cải tạo không giam giữ xuống mức cảnh cáo.

Với bản án 18 năm tù, cộng bản án 13 năm tù trong vụ án xảy ra tại dự án Nhà máy nhiệt điện Thái Bình 2, tổng hợp hình phạt bị cáo Đinh La Thăng lĩnh 30 năm tù.

Với bản án 30 tháng tù, cộng bản án tử hình liên quan đại án Oceanbank, tổng hình phạt đối với bị cáo Nguyễn Xuân Sơn là tử hình. Trong vòng 7 ngày, bị cáo có quyền làm đơn gửi Chủ tịch nước để xin ân giảm án.

Ngoài ra, tòa tuyên ông Đinh La Thăng và 5 bị cáo khác phải bồi thường 785 tỷ đồng cho PVN. Trong đó, ông Thăng phải bồi thường 600 tỷ, Ninh Văn Quỳnh bồi thường 100 tỷ, Vũ Khánh Trường bồi thường 40 tỷ, các bị cáo Liêm, Thắng và Sơn mỗi người 15 tỷ đồng.

Theo ghi nhận của Zing.vn, sau khi tòa tuyên án, các bị cáo được dẫn ra khu vực sân sau tòa án. Hàng chục người vây kín Đinh La Thăng tại sảnh tầng hầm trước khi nguyên Chủ tịch PVN lên xe đặc chủng. Cuộc gặp kéo dài hơn 5 phút. Ông Thăng khá thoải mái giữa vòng tay của những người xung quanh.

Thủ tướng không có ý kiến nào đồng ý để PVN góp vốn vào Oceanbank

HĐXX xác định, PVN là doanh nghiệp có 100% vốn Nhà nước, hoạt động tuân thủ theo Luật Doanh nghiệp năm 2003. Chức năng, nhiệm vụ của HĐTV và Chủ tịch HĐTV Tập đoàn dầu khí cũng được quy định theo Luật Doanh nghiệp 2003, Điều lệ tập đoàn và theo quy định cua pháp luật.

Từ 6/6/2008, chỉ có Thủ tướng mới có quyền quyết định chủ trương sử dụng vốn Nhà nước tại Tập đoàn Dầu khí. Như vậy, HĐQT PVN không có quyền tự ký ban hành nghị quyết về việc góp vốn đầu tư vào ngân hàng.

Theo quy định, mọi hoạt động đầu tư của PVN đều phải trình và được Thủ tướng đồng ý về mặt chủ trương. Sau khi Thủ tướng đồng ý và giao Bộ Tài chính là cơ quan quản lý Nhà nước kiểm tra, giám sát và theo dõi, PVN mới được thực hiện việc đầu tư.

Từ lời khai của các bị cáo, người liên quan và qua nghiên cứu hồ sơ, HĐXX xác định Thủ tướng không có ý kiến nào đồng ý để PVN thực hiện việc góp vốn vào Oceanbank sau khi PVN tăng vốn điều lệ.

Do đó, các bị cáo cho rằng HĐTV PVN thực hiện việc đầu tư không cần xin ý kiến chấp thuận là không có cơ sở chấp nhận.

HĐXX cũng xác định, việc Đinh La Thăng thay mặt HĐTV ký thỏa thuận 9634 về việc góp vốn với Oceanbank là làm trái với thẩm quyền. Không có quy định nào cho phép Chủ tịch HĐQT thay mặt pháp nhân để ký thỏa thuận tương đương.

Bên trong phòng xử phúc thẩm ông Đinh La Thăng và các đồng phạm. Ảnh: P.D.

Bị cáo Đinh La Thăng đã vượt thẩm quyền

Theo Nghị định 09, HĐQT PVN có quyền chủ động đầu tư góp vốn không quá 20% vốn điều lệ của Oceanbank nhưng phải hoàn toàn chịu trách nhiệm về quyết định đầu tư của mình.

Hồ sơ vụ án thể hiện, HĐQT PVN khi muốn giải quyết các hệ lụy của Ngân hàng Hồng Việt, đã đi tìm các đối tác để thực hiện việc góp vốn, trong đó có Oceanbank. Sau đó, HĐQT PVN đã có văn bản để Ngân hàng Đại Dương được tăng vốn điều lệ và cho phép PVN góp vốn đầu tư vào nhà băng này.

Tuy nhiên, hồ sơ vụ án không có nội dung nào thể hiện việc PVN được Thủ tướng đồng ý chủ trương góp vốn nói trên; cũng không có điều nào thể hiện HĐQT được ủy quyền để tăng vốn điều lệ vào Oceanbank.

Tại phiên tòa phúc thẩm, Đinh La Thăng và Hà Văn Thắm (nguyên Chủ tịch Ocenabank) đều xác nhận các nội dung của văn bản thỏa thuận 9634 mà cả 2 đã tham gia ký kết về việc góp vốn.

Qua phân tích, HĐXX nhận thấy Đinh La Thăng đã thay mặt HĐQT khi tham gia ký kết thỏa thuận 9634. Về thể thức văn bản, HĐXX xác định bản thỏa thuận này là một dạng hợp đồng giao dịch kinh tế.

Từ các lập luận đó, HĐXX xác định thỏa thuận 9634 thể hiện mối quan hệ kinh tế có điều kiện giữa 2 pháp nhân PVN và Oceanbank. Tuy nhiên, thời điểm thỏa thuận này được ký, Đinh La Thăng là Chủ tịch HĐQT còn ông Trần Ngọc Cảnh là Tổng giám đốc - mới người đại diện pháp luật của PVN. Tại tòa, ông Cảnh khai không hề ủy quyền cho Đinh La Thăng thay mặt pháp nhân PVN để ký thỏa thuận.

Từ đó, HĐXX có đủ cơ sở xác định hành vi ký kết thỏa thuận góp vốn là trái chức năng, vượt thẩm quyền, đã vi phạm Luật Doanh nghiệp và Điều lệ PVN. Việc ký thỏa thuận là cơ sở tiền đề để các thành viên HĐTV ký ra nghị quyết để thực hiện việc góp vốn. Do đó, Đinh La Thăng có phần trách nhiệm cá nhân trong việc này.

Đinh La Thăng và các bị cáo tại tòa phúc thẩm. Ảnh: P.D.

PVN có quyền khởi kiện đối tác nhà băng

Căn cứ quá trình thẩm tra tài liệu tại tòa, HĐXX nhận thấy sau khi ký thỏa thuận góp vốn, cả PVN và Oceanbank đều căn cứ vào đó để thực hiện các điều khoản về việc mua cổ phẩn.

Xét thấy, PVN góp vốn vào Oceanbank bằng việc mua cổ phần là quan hệ hợp đồng kinh tế, hợp tác đầu tư nên quá trình này chịu sự điều chỉnh của pháp luật về dân sự, pháp luật về doanh nghiệp và đầu tư.

Căn cứ Luật Doanh nghiệp 2005, nếu trong quá trình hợp tác đầu tư với Oceanbank, PVN nhận thấy mình bị mất vốn hoặc có vi phạm về quyền lợi, thì PVN có quyền khởi kiện đối tác nhà băng về tranh chấp hợp đồng nêu trên.

Hoạt động kinh doanh của Oceanbank chủ yếu do pháp luật về tín dụng và pháp luật ngân hàng điều chỉnh. Ngoài ra, PVN sử dụng vốn Nhà nước đầu tư vào Oceanbank là quan hệ về pháp luật hành chính và quản lý kinh tế điều chỉnh.

HĐXX xác định hành vi PVN góp vốn vào Oceanbank thuộc sự điều chỉnh của pháp luật về hành chính và pháp luật quản lý kinh tế. Do đó, không thuộc phạm vi giải quyết trong vụ án này.

Các bị cáo đã cố ý làm trái

HĐXX xác định hành vi ký các thỏa thuận, nghị quyết, quyết định của 7 bị cáo liên quan đến góp vốn 800 tỷ là trái thẩm quyền, vượt chức năng. Với tư cách là thành viên và Chủ tịch HĐTV, các bị cáo buộc phải biết hành vi của mình là sai trái.

Ngoài ra, có căn cứ xác định khi thực hiện hành vi, các bị cáo không lường trước được hậu quả có thể xảy ra, bàng quan với hậu quả. Do đó, HĐXX xác định Đinh La Thăng và các bị cáo đã phạm tội Cố ý làm trái và Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản.

Với bị cáo Phan Đình Đức, căn cứ kết quả giám định và lời khai người làm chứng tại tòa, HĐXX thấy chưa đủ cơ sở kết luận việc bị cáo Đức ký văn bản 124 trước khi ban hành nghị quyết 4266. Tuy nhiên, ông Đức là thành viên HĐTV nên buộc bị cáo phải biết việc góp vốn là trái quy định, không nằm trong kế hoạch. Bị cáo Đức không phản đối mà còn ký vào các tài liệu cho thấy hành vi thiếu trách nhiệm.

Đối với tranh cãi về khoản tiền 200 tỷ giữa bị cáo Nguyễn Xuân Sơn và Ninh Văn Quỳnh, HĐXX xét thấy có căn cứ xác định hành vi chiếm đoạt 20 tỷ của Ninh Văn Quỳnh đã phạm tội Lạm dụng chức vụ, quyền hạn. HĐXX thấy không có căn cứ xác định có thêm khoản tiền nào ngoài số tiền 20 tỷ đồng mà Quỳnh đã nhận của bị cáo Sơn. Do đó, HĐXX thấy có căn cứ bác kháng cáo của Nguyễn Xuân Sơn.

Vì các lẽ trên, HĐXX tuyên bố các bị cáo phạm tội Cố ý làm trái và Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản. Chấp nhận kháng cáo của bị cáo Phan Đình Đức, sửa bản án sơ thẩm đối với bị cáo, tuyên bị cáo phạm tội Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng. Ngoài ra, không chấp nhận của 6 bị cáo còn lại.

Theo bản án sơ thẩm, TAND Hà Nội tuyên Đinh La Thăng 18 năm tù về tội Cố ý làm trái. 6 bị cáo còn lại lĩnh từ 15 tháng cải tạo không giam giữ đến 23 năm tù. Về dân sự, tòa buộc ông Thăng phải bồi thường cho PVN 600 tỷ đồng.

Trong đơn kháng cáo, Đinh La Thăng kiến nghị tòa phúc thẩm xem xét toàn bộ bản án hình sự và bồi thường dân sự. Các bị cáo khác xin giảm nhẹ hình phạt. Riêng Nguyễn Xuân Sơn mong tòa buộc Ninh Văn Quỳnh phải trả lại 200 tỷ đồng của Oceanbank.

Sáng 22/6, khi luận tội, đại diện VKSND Cấp cao đề nghị bác toàn bộ kháng cáo của 7 bị cáo.

Hoàng Lam

Đồ họa: Châu Châu

Nguồn Znews: http://news.zing.vn/bi-cao-dinh-la-thang-khong-duoc-giam-an-phai-boi-thuong-600-ty-post854632.html