Bị bướu cổ, chữa bằng thuốc Nam khỏi được không?

Theo kết quả điều tra của Bệnh viện Nội tiết TƯ, tỉ lệ bướu cổ ở trẻ 8-10 tuổi lên đến gần 10%. Do nhiều nguyên nhân, nữ giới thường có nguy cơ mắc bướu cổ cao gấp 3-5 lần nam giới. Nhiều người khi bị bướu cổ đã tìm đến chữa trị bằng thuốc Nam nhưng thường không có kết quả, thậm chí chuốc thêm bệnh.

Theo TS Lê Danh Tuyên, Viện trưởng Viện Dinh dưỡng, Việt Nam đang nằm trong số 19 nước trên thế giới có tình trạng thiếu i-ốt tồi tệ nhất trên thế giới. Đáng nói, tình trạng này quay trở lại, sau 13 năm Việt Nam đã thanh toán được tình trạng thiếu i-ốt, với mức bao phủ muối i-ốt lên đến 93% dân số.

Kết quả điều tra của Bệnh viện Nội tiết TƯ năm 2013-2014, tỉ lệ bướu cổ ở trẻ 8-10 tuổi lên đến gần 10%, mức trung vị i-ốt niệu là 8,4mcg/dl. Đây là mức thấp nhất trong 10 năm qua. Trong khi đó, giai đoạn 2005, tỉ lệ bướu cổ của trẻ em xuống dưới 5%, mức trung vị i-ốt niệu lớn hơn hoặc bằng 10mcg/dl.

Thiếu i-ốt dẫn đến nhiều hậu quả với sức khỏe. Một trong những hệ lụy của thiếu vi chất dinh dưỡng này là dẫn đến bệnh bướu cổ. Bệnh bướu cổ do thiếu i-ốt còn được gọi tên là bướu giáp đơn thuần, bướu giáp lành tính, bướu giáp không nhiễm độc... Bướu cổ thường khó phát hiện vì không có nhiều triệu chứng rõ ràng, ngoài một số biểu hiện như cổ to ra, một số bệnh nhân có cảm giác nghèn nghẹn ở cổ, thường được người khác phát hiện hoặc đi khám sức khỏe.

Chị Nguyễn Thị C. khám bướu cổ tại BV Nội tiết Trung ương

Một số bệnh nhân có biểu hiện nhược giáp: Mệt mỏi, đau cơ, táo bón, rụng tóc, nói khàn, chán ăn, giảm trí nhớ; vùng cổ có một hoặc nhiều cục bất thường di động theo nhịp nuốt; cảm giác nghẹn, tức ở cổ, nhất là khi nuốt...

Da cổ bong từng mảng lớn vì chữa bướu cổ bằng thuốc nam

Thực tế, có không ít trường hợp bị bướu cổ không đi khám mà tự điều trị bằng thuốc nam. Theo PGS.TS Trần Ngọc Lương, Giám đốc BV Nội tiết Trung ương, bệnh viện thường xuyên tiếp nhận các ca bướu cổ điều trị bằng thuốc nam, dẫn đến hậu quả tiền mất, bệnh không thuyên giảm mà còn nặng hơn, kèm theo những vết sẹo lớn trên cổ gây mất thẩm mỹ, tự tin cho người bệnh.

Một trong những trường hợp này là chị Nguyễn Thị C. ( 40 tuổi) quê ở Thanh Ba (Phú Thọ). Chị C. phát hiện mắc bướu cổ 19 năm nay. Nghe lời người quen, chị không dùng thuốc theo đơn của bác sĩ mà mua thuốc nam chữa bướu cổ tại Sơn Tây (Hà Nội).

Thời gian đầu, 1 tuần 1 lần, chị được thầy lang dùng miếng ngải cứu chườm nóng châm cho loét ở cổ ra, sau đó được đắp thuốc vào hai bên. Vết thương bỏng rát khiến chị thường phải bật quạt hướng thẳng vào cổ mặc dù đang trong thời tiết giá lạnh. Sau 1 năm kiên trì điều trị theo phương pháp này, chị thấy hai bên cổ có mùi tanh, hôi, da cổ bong ra từng mảng lớn. Người chữa trị cho chị khẳng định chị đã khỏi bệnh và đưa cho chị thuốc liền sẹo về bôi tại nhà.

5 tháng sau, chân tay chị thường xuyên bị run rẩy, tim đập nhanh. Chị đã đến Bệnh viện 103 khám và mổ tại đây. Tuy nhiên, sau đó, chị bỏ không điều trị thuốc 7 năm, không khám lại. Thời gian gần đây, chị tiếp tục thấy mệt mỏi, chân tay run, nuốt nghẹn, cổ to ra. Vì thế, chị đến khám tại BV Nội tiết Trung ương. Tại đây, chị được tư vấn về việc sử dụng thuốc, tiếp tục theo dõi trong 2 tháng để ổn định các chỉ số cần thiết, chuẩn bị cho việc phẫu thuật.

Lưu ý gì trong điều trị?

Theo các chuyên gia y tế, hầu hết bướu cổ không ảnh hưởng đến sức khỏe. Một số trường hợp bướu to gây chèn ép, hoặc ung thư xâm lấn xung quanh hay di căn, hoặc có rối loạn chức năng tuyến giáp như suy giáp hay cường giáp sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe. Bướu chèn ép hoặc xâm lấn gây khó thở, khó nuốt, khàn tiếng, đau nhức. Bướu cổ cũng có thể gây rối loạn chức năng dẫn đến tăng cân hoặc sụt cân, mệt mỏi, hồi hộp ở ngực, rung tay, đổ mồ hôi...

Khi thấy cổ to ra hoặc có các dấu hiệu kể trên hay có bất cứ thay đổi nào trong cơ thể, người trong cuộc nên đến cơ sở y tế thăm khám, để được tư vấn, điều trị. Điều trị bướu cổ bao gồm các phương pháp: Uống thuốc, thuốc xạ trị, mổ hoặc chỉ theo dõi mà không điều trị gì. Nếu phải uống thuốc, tùy theo nguyên nhân gây bệnh mà có các loại khác nhau, như thuốc nội tiết tố tuyến giáp, thuốc iốt, kháng giáp, kháng sinh, thuốc corticoid, ức chế thụ thể Beta... Còn nếu phải mổ, cũng tùy trường hợp cụ thể, bác sĩ sẽ cắt bỏ một phần hoặc toàn bộ tuyến giáp.

Gia Huy

Nguồn Phụ Nữ VN: http://phunuvietnam.vn/ky-nang/bi-buou-co-chua-bang-thuoc-nam-khoi-duoc-khong-post47428.html