Bị bao vây giữa Trục kháng chiến, Israel đối diện 'cơn thịnh nộ' của Iran
Iran nhiều khả năng sẽ cùng đồng minh trong Trục kháng chiến tiến hành cuộc tấn công trả đũa chưa từng có nhằm vào Israel sau hai vụ ám sát gây chấn động Trung Đông.
Nếu Iran tiến hành hoạt động quân sự nhằm vào Israel để đáp trả các vụ ám sát lãnh đạo phe "Trục kháng chiến", nhiều khả năng các đồng minh Tehran cũng sẽ tham gia vào hành động này.
Những tuyên bố của lãnh đạo tối cao Iran vừa qua đặt ra mối đe dọa chưa từng có đối với Israel khi Tel Aviv nằm lọt thỏm giữa vòng bao vây của Trục kháng chiến ở Trung Đông, gồm: Phong trào Hamas của Palestine, Hezbollah ở Lebanon, các nhóm vũ trang Hồi giáo Shiite ở Iraq, Syria và lực lượng dân quân Houthi của Yemen.
Đây không phải là lần đầu tiên Israel đối đầu với Trục kháng chiến. Hầu hết những lần trước đó các nguy cơ xung đột đều được hóa giải thông qua ngoại giao hoặc kiềm chế về hành động quân sự. Lần này các giải pháp ngoại giao không còn hiệu quả khi Tel Aviv ám sát các lãnh đạo Hamas và Hezbollah dẫn đến căng thẳng leo thang không thể vãn hồi.
Trục kháng chiến là gì?
Trong một thập kỷ đầu tiên sau Cách mạng Hồi giáo năm 1979, ảnh hưởng của Iran ở Trung Đông chỉ giới hạn trong các nhóm Hồi giáo dòng Shiite ở Iraq và Syria, Lebanon và một vài nước ở vùng Vịnh. Họ không tạo được dấu ấn ở những quốc gia có đông người Hồi giáo dòng Sunni sinh sống, cũng như áp đặt tư tưởng bảo thủ của mình với các nhóm vũ trang trong khu vực.
Điều này thúc đẩy Iran tăng cường nỗ lực tạo dựng và gia tăng ảnh hưởng khắp Trung Đông thông qua các "nhóm ủy nhiệm" được nước này hậu thuẫn, gồm:
Phong trào Hamas của Palestine
Hamas là phong trào Hồi giáo Sunni và là đảng chính trị ở Palestine. Hiện nay phong trào này kiểm soát toàn bộ dải Gaza và đã đẩy lùi các phong trào và tổ chức khác của người Palestine ra khỏi vùng đất này. Hamas cũng hoạt động tích cực ở Bờ Tây sông Jordan.
Hezbollah ở Lebanon
Hezbollah có nghĩa là "Đảng của Chúa" - một tổ chức quân sự và chính trị của người Hồi gáo dòng Shiite ở Lebanon. Tổ chức này do một nhóm giáo sĩ Hồi giáo thành lập năm 1982 sau khi Israel xâm chiếm Lebanon
Các nhóm vũ trang Hồi giáo Shiite ở Iraq, Syria
Các nhóm vũ trang Shiite có liên hệ với Iran đã nổi lên như những thế lực hùng mạnh ở Iraq sau cuộc xâm lược do Mỹ dẫn đầu năm 2003 và phát triển lực lượng dân quân với hàng chục nghìn chiến binh.
Hoạt động của các nhóm vũ trang Shiite từ Iraq bắt đầu được mở rộng sang Syria trước sự xuất hiện của nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) vào năm 2013.
Chính phủ Syria do Tổng thống Bashar al-Assad lãnh đạo là một phần của Trục kháng chiến nhưng không đóng vai trò trực tiếp nào trong cuộc xung đột với Israel hiện nay.
Lực lượng dân quân Houthi của Yemen
Phong trào Houthi đã thiết lập quyền kiểm soát phần lớn Yemen trong cuộc nội chiến bắt đầu vào năm 2014, sau khi lực lượng này chiếm thủ đô Sanaa và lật đổ chính phủ được Ả Rập Xê-út hậu thuẫn. Ả Rập Xê-út cũng đối thủ chính của Iran trong việc giành ảnh hưởng trong khu vực.
Iran gọi đây là "Trục kháng chiến", nhằm đối chọi với thuật ngữ "trục ma quỷ" mà Tổng thống Mỹ George W. Bush đưa ra trong Thông điệp Liên bang năm 2002 để ám chỉ Iran, Iraq và Triều Tiên.
Một điểm đáng chú ý là các thành viên của Trục kháng chiến đều được Iran hỗ trợ và xây dựng xung quanh Israel. Phía bắc có Hezbollah, phía nam có Hamas và phía đông có các nhóm dân quân Shiite.
Dù các lực lượng này không quá mạnh để có thể tạo uy hiếp đủ lớn đến Nhà nước Do Thái nhưng đủ để tạo ra một vòng vây kiềm chế sự ảnh hưởng của Tel Aviv ở Trung Đông, cũng như "bảo vệ" biên giới Iran được an toàn.
Với sự hỗ trợ của Iran, các nhóm vũ trang trong "Trục kháng chiến" dần phát triển thành những tổ chức dân quân quy mô lớn, một số thậm chí trở thành đảng đối lập cạnh tranh quyền lực với chính phủ nước sở tại, như Hezbollah ở Lebanon.
Hezbollah nắm giữ quyền lực đáng kể, đặc biệt tại miền nam Lebanon, và hoạt động dọc biên giới phía bắc Israel, nơi căng thẳng đã dâng cao kể từ vụ tấn công ngày 7/10 của Hamas.
Phiến quân Houthi của Yemen cũng nằm trong "Trục kháng chiến". Các tay súng Houthi đã chống lại chính phủ Yemen, được Ả Rập Xê-út hậu thuẫn, suốt gần một thập kỷ. Nhóm này gần đây liên tục tuyên bố phóng tên lửa, máy bay không người lái (UAV) về phía Israel để bày tỏ sự ủng hộ với Hamas.
Một thành viên khác của "Trục kháng chiến" là Lực lượng Động viên Nhân dân, nhóm dân quân nhiều ảnh hưởng tại Iraq, được thành lập để tham gia chiến dịch chống phiến quân Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng vào năm 2014.
Với phương châm chống lại Israel và phương Tây, "Trục kháng chiến" đã thu hút được cả những nhóm vũ trang Hồi giáo dòng Sunni, trong đó có Hamas, lực lượng kiểm soát Dải Gaza và chủ trương dùng bạo lực đối phó với Tel Aviv.
Bên cạnh đó Iran cũng sử dụng ảnh hưởng của mình để kiềm chế hoạt động của các đồng minh trong "Trục kháng chiến".
Trục kháng chiến đáp trả Israel như thế nào?
Ngày 1/8, lãnh tụ tối cao Iran Ayatollah Ali Khamenei đã tuyên bố rằng, "bổn phận" của đất nước ông là phải trả thù cho thủ lĩnh Haniyeh, sau khi ông này bị ám sát ngay tại thủ đô Tehran khi tham dự lễ nhậm chức của tân Tổng thống Masoud Pezeshkian vào ngày 30/7.
Israel chưa nhận trách nhiệm về vụ tấn công nhưng Iran cáo buộc chính họ đứng sau vụ ám sát này.
Vài giờ trước khi ông Haniyeh qua đời, Israel đã nhận trách nhiệm về vụ tấn công tên lửa nhằm vào một tòa nhà dân cư ở Dahiya, quận đông đúc ở thủ đô Beirut (Lebanon). Vụ tấn công đã khiến chỉ huy nhóm Hezbollah, ông Fuad Shukr, cùng với một phụ nữ và hai trẻ em thiệt mạng.
Từ hai vụ ám sát trên, Israel đang cố gắng khiêu khích Iran phát động một cuộc tấn công lớn, vốn buộc các nước đã ra tín hiệu không muốn bị kéo vào cuộc chiến tranh khu vực, phải trực tiếp tham gia vào phe của họ.
Một số nhà phân tích cảnh báo một cuộc tấn công lớn của Trục kháng chiến có nguy cơ giết chết binh sĩ hoặc thường dân Israel, do đó làm dấy lên nỗi lo về một cuộc xung đột lớn trong khu vực.
Lựa chọn cách trả đũa sẽ tạo ra những hậu quả khác nhau. Nếu Iran quyết định tập kích trực tiếp bằng tên lửa và máy bay không người lái (UAV) nhằm vào Israel như hồi tháng 4, chu kỳ tấn công và đáp trả sẽ có thể dễ dàng rút ngắn.
Trong khi nếu Hezbollah, đồng minh thân cận nhất của Iran trong khu vực, quyết định tham gia vào đòn đáp trả cùng Tehran và tấn công miền bắc Israel, xung đột có thể lan rộng sang Lebanon.
Và trong trường hợp Houthi, lực lượng ở Yemen được Iran hậu thuẫn, mở rộng quy mô tấn công tàu hàng mà họ cho là có liên hệ với Israel trên Biển Đỏ, Mỹ sẽ phải triển khai hải quân để giữ tuyến đường biển có thể thông suốt.
Tổng thống Pezeshkian, một người có quan điểm hướng tới mối quan hệ mang tính xây dựng hơn với phương Tây, có thể sẽ cân nhắc phản ứng phù hợp để không đẩy Iran vào cuộc chiến tàn khốc.
Nhưng người nắm quyền quyết định cuối cùng về cách trả đũa là lãnh tụ Khamenei và ông được cho là đã ra lệnh tấn công trực tiếp vào Israel.
Chuyên gia Suzanne Maloney về Iran của Viện Brookings có trụ sở tại Mỹ cho biết, lãnh tụ Khamenei có thể chọn phương án tập kích tên lửa vào lãnh thổ Israel như hồi tháng 4.
Vụ tấn công với 300 tên lửa và UAV này đã được Iran báo trước từ rất lâu, cho phép Israel cùng các đồng minh thiết lập lưới phòng không dày đặc để hạ gần như toàn bộ quả đạn tấn công.
Theo CNN, ngay sau vụ ám sát thủ lĩnh Hamas, các quan chức Iran cùng đại diện thành viên Trục kháng chiến đã họp tại Tehran và thảo luận về các bước tiếp theo.
"Họ thảo luận hai kịch bản, một là đòn trả đũa hiệp đồng từ Iran và các đồng minh của nước này, hai là phản ứng theo từng đợt từ mỗi bên", nguồn tin của CNN cho biết.
Đòn tấn công đáp trả lần này của Trục kháng chiến có khả năng diễn ra trên quy mô lớn và phức tạp hơn trước, trong đó Iran sẽ cùng các nhóm vũ trang mà họ hậu thuẫn tấn công hiệp đồng vào Israel từ nhiều hướng, khiến Tel Aviv và đồng minh khó có thể đối phó.
Nếu xung đột quy mô lớn nổ ra giữa Trục kháng chiến và Israel, Tel Aviv sẽ chịu tổn thất đáng kể về cả cơ sở hạ tầng quân sự và dân sự.
Chưa dừng lại ở đó, sự leo thang toàn diện hơn trong khu vực cũng gần như chắc chắn sẽ thúc đẩy nhiều cuộc tấn công hơn của các lực lượng thân Iran nhắm vào lực lượng Mỹ đóng quân ở Iraq, Jordan và Syria.