Bị bắn không chết vì làm ngực silicon

Nhờ cấy ghép ngực silicon, một người phụ nữ đã may mắn sống sót sau khi bị bắn ở tầm gần.

Ảnh chụp X quang, nguồn CNN.

Ảnh chụp X quang, nguồn CNN.

Trong một nghiên cứu được công bố trên tạp chí y khoa SAGE tuần trước, các bác sĩ đã mô tả rằng một túi ngực bằng silicon đã làm chệch hướng một viên đạn ra khỏi các bộ phận quan trọng của một phụ nữ 30 tuổi.

Vụ việc xảy ra vào năm 2018 tại Toronto, Canada, là một trong số ít trường hợp được ghi nhận trong tài liệu y khoa, trong đó cấy ghép ngực cứu sống bệnh nhân và là trường hợp đầu tiên được ghi nhận về việc cấy ghép silicon cứu mạng một người, bác sĩ phẫu thuật Giancarlo McEvenue cho biết.

Có hai loại cấy ghép ngực được chấp thuận trong kinh doanh tại Mỹ. Cả hai đều có lớp vỏ ngoài bằng silicon, nhưng một loại bên trong có nước muối và loại kia chứa silicon. Chúng có thể khác nhau về kích thước, độ dày vỏ, kết cấu bề mặt vỏ và hình dạng, và thường được cấy ghép để tăng kích thước ngực hoặc để xây dựng lại mô vú, chẳng hạn như sau phẫu thuật cắt bỏ vú hoặc tổn thương khác ở vùng ngực.

Mặc dù chi tiết chính xác của vụ nổ súng vẫn chưa rõ ràng, bác sĩ phẫu thuật McEvenue cho biết rằng bệnh nhân đã đến khoa cấp cứu địa phương để điều trị sau khi bị bắn vào ngực.

“Cô ấy vẫn có thể nói chuyện, đội ngũ cấp cứu thậm chí không tin vào việc cô ấy vẫn đang ổn đến mức nào”, McEvenue, một trong những bác sĩ phẫu thuật cho bệnh nhân, cho biết.

“Vết thương do viên đạn nằm ở ngực trái, nhưng xương sườn bị gãy ở bên phải. Viên đạn xuyên vào da bên trái trước, và sau đó đâm vào xương ức vào ngực phải và làm gãy xương sườn bên phải”, bác sĩ giải thích. “Bộ cấy ngực này khiến viên đạn thay đổi quỹ đạo”.

“Bên tay trái là tim và phổi - nếu viên đạn xuyên qua ngực, cô ấy sẽ bị chấn thương nghiêm trọng hơn, có thể đe dọa đến tính mạng”, McEvenue nói thêm.

Qua hình chụp X quang chấn thương, các bác sĩ có thể phát hiện ra viên đạn ở thành ngực bên phải, một xương sườn bị gãy, bong bóng khí ở vú trái, và kết luận rằng viên đạn đi từ ngực trái sang thành ngực phải.

Bệnh nhân sau đó đã được khám và rửa vết thương, các bác sĩ cho biết, tuy nhiên, khẩu súng và tay súng không bao giờ được tìm thấy. Các bác sĩ đã điều trị vết thương bằng cách loại bỏ miếng silicon cấy ghép và một đợt kháng sinh ngắn.

Duy Tiến

Nguồn CAND: http://cand.com.vn/the-gioi-24h/bi-ban-khong-chet-vi-lam-nguc-silicon-591871/