Bí ẩn vụ tai nạn máy bay Boeing 377

Ngày 8/11/1957, chuyến bay số 7 của Pan American chở 36 hành khách và 8 thành viên phi hành đoàn cất cánh từ San Francisco đến Honolulu, Hawaii, chặng đầu tiên trong hành trình của chiếc Boeing 377 Stratocruiser.

Đây là một chuyến bay vòng quanh thế giới, với 15 điểm dừng trung gian, trước khi đến điểm cuối là Philadelphia. Tuy nhiên, chuyến bay thậm chí không đến được Hawaii mà đã gặp tai nạn trở thành một trong những vụ bí ẩn nhất của hàng không.

Chiếc Boeing 377 Stratocruiser trên bầu trời San Francisco.

Chiếc Boeing 377 Stratocruiser trên bầu trời San Francisco.

Nhiều manh mối dị thường

Chuyến bay số 7 cất cánh bình thường vào lúc 11 giờ 30 phút, cho một hành trình dự kiến kéo dài 10 tiếng. Vào lúc 17 giờ 04 phút, cơ trưởng đã báo cáo vị trí bình thường, cách Hawaii 1.600km về hướng Đông và thông báo cho bộ phận điều khiển từ mặt đất rằng, ông sẽ liên lạc lại lúc 18 giờ.

Tuy nhiên, giờ hẹn đến mà không thông tin nào từ chuyến bay. Sau gần 2 giờ chờ đợi, lực lượng bảo vệ bờ biển bắt đầu tiến hành cuộc tìm kiếm nhưng không phát hiện dấu vết gì của chiếc Boeing 377 Stratocruiser. Chuyến bay số 7 như tan biến trong không khí.

Một cuộc tìm kiếm trên biển lớn nhất vào lúc đó được khởi động. Lực lượng Bảo vệ Bờ biển và Hải quân Hoa Kỳ sử dụng máy bay, tàu ngầm, cả tàu sân bay USS Philippine Sea. Toàn bộ khu vực tổng cộng 380.000 km2 ở Thái Bình Dương đã được lùng sục nhiều ngày. Cuối cùng, đội tìm kiếm đã định vị một vùng 85 km2 có những mảnh vụn trôi nổi, cũng như 19 thi thể, trôi bồng bềnh cách Honolulu 1.600 km về hướng Đông Bắc.

Các thi thể và mảnh vỡ được xác nhận là thuộc Chuyến bay 7, nhưng có nhiều manh mối kỳ lạ và dị thường xuất hiện. Chiếc máy bay được xác định đã rơi cách đường bay đã định 150 km về phía Bắc. Điều này là bất thường vì không có thông báo nào từ Cơ trưởng Gordon H. Brown, một phi công dày dạn kinh nghiệm, từng làm việc với hãng hàng không trong hơn một thập niên.

Việc không có cuộc gọi kêu cứu cũng được coi là kỳ quặc, vì nhiều hành khách thiệt mạng có mặc áo phao và không ai trong số họ mang giày, cho thấy họ đã được cảnh báo trước khi máy bay gặp nạn. Tại sao không có một cuộc gọi khẩn cấp? Chẳng ai biết! Điều kỳ lạ là khi khám nghiệm, người ta tìm thấy ở các tử thi nồng độ carbon monoxide cao hơn bình thường.

Nguyên nhân kỹ thuật hay bị phá hoại?

Nhà chức trách không thể xác định nguyên nhân vụ tai nạn, tuy nhiên có vài điều đáng ngờ trong vụ việc này. Thứ nhất, không một cuộc gọi cứu trợ nào được thực hiện thành công, các mảnh vụn nằm ở rất xa đường bay. Một điểm đáng nghi nhất trong báo cáo chính là carbon monoxide được tìm thấy trong cơ thể của các nạn nhân xấu số.

Khi cuộc điều tra về vụ tai nạn bắt đầu, có ba phi công báo cáo họ đã nghe các tín hiệu vô tuyến cầu cứu yếu ớt từ một máy phát khẩn cấp vận hành bằng tay, loại được sử dụng trên các bè cứu sinh. Tổng cộng 10 tín hiệu như vậy đã được nghe trong khoảng thời gian 45 phút, hầu hết là không hiểu được, trừ những từ “bốn bốn”, khớp với hai số đuôi của kế hoạch bay. Tuy nhiên, không có cách nào để biết liệu các tín hiệu truyền này có liên quan đến Chuyến bay 7 hay không và chúng có thể xuất phát từ đất liền.

Trong khi đó, nhà chức trách cố gắng tìm nguyên nhân máy bay gặp nạn. Họ nhận thấy một số mảnh vỡ có dấu hiệu bị cháy, nhưng các thi thể thì không, đưa đến giả thuyết, vụ cháy có thể xảy ra sau tai nạn. Đáng chú ý là hàm lượng carbon monoxide tăng cao trong các thi thể được vớt.

Có ý kiến cho rằng có thể là do khí gas rò rỉ vào thân máy bay từ một trong các động cơ bị hỏng. Cũng có thể nó đã được bơm vào cabin nhằm mất khả năng vận động của những người trên máy bay, thậm chí có thể là do quá trình phân hủy thông thường của các thi thể.

Cuối cùng, điều duy nhất có thể xác định là không có nạn nhân nào chết vì khí carbon monoxide. Do đó, sự hiện diện của carbon monoxide vẫn còn là một bí ẩn. Một khía cạnh khác của cuộc điều tra là vụ tai nạn có thể là do máy bay được bảo dưỡng kém, dẫn đến trục trặc kỹ thuật…

Tuy nhiên, cuộc điều tra ngày càng nghiêng nhiều hơn về khả năng bị phá hoại. Nhà chức trách đã kiểm tra các hợp đồng bảo hiểm được cho là đáng ngờ được thực hiện trước chuyến bay và nghi vấn một người tên Eugene Crosthwaite, từng là tiếp viên trưởng trên máy bay và có mối hiềm khích với hãng hàng không. Chỉ vài ngày trước chuyến bay, anh ta đã thay đổi di chúc và để lại một bản sao hợp đồng trong chiếc xe của mình bỏ lại ở sân bay.

Một hành khách đáng ngờ khác là cựu chuyên gia chất nổ của Hải quân, William Harrison Payne, người mà ngay trước chuyến bay đã mua ba hợp đồng bảo hiểm riêng biệt, bao gồm một hợp đồng trả gấp đôi trong trường hợp tử vong do tai nạn. Ngoài ra, anh ta còn nợ nần chồng chất, chỉ mua vé một chiều đến Hawaii. Thi thể của anh ta không nằm trong số những người được tìm thấy.

Payne cũng được biết đến là người có kỹ năng chế tạo bom đặc biệt. Tuy nhiên, qua kiểm tra mảnh vỡ của máy bay trong phòng thí nghiệm, Cục Hàng không dân dụng đã loại trừ khả năng một vụ nổ bom. Một số giả thuyết khác còn đi xa hơn khi cho rằng máy bay bị rơi bởi va phải thiên thạch, thậm chí còn có tin đồn là nó bị bắn hạ bởi một UFO.

Sau nhiều năm điều tra và theo đuổi mọi manh mối, Cục Hàng không dân dụng Mỹ đã đưa ra kết luận: “Không có đủ bằng chứng hữu hình vào thời điểm này để xác định nguyên nhân của vụ tai nạn”. Cuộc điều tra khép lại, để lại nhiều câu hỏi chưa được giải đáp và Chuyến bay số 7 của Pan Am đã trở thành một trong những bí ẩn hàng không lớn nhất trong thời gian gần đây.

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/the-gioi/bi-an-vu-tai-nan-may-bay-boeing-377-7ZkAP6UGR.html