Bí ẩn vụ nổ Vương Cung Xưởng

Trong suốt chiều dài lịch sử nhân loại đã từng có một số vụ nổ rất kỳ lạ, như xuất phát từ hư vô, thế rồi mờ dần theo thời gian mà không để lại bất kỳ câu hỏi nào. Những sự kiện dạng này để lại cho hậu thế không biết bao nhiêu là đồn đoán và tấm màn bí ẩn bao trùm.

Ngoài sự kiện Tunguska, trong lịch sử còn nhắc đến một vụ nổ khác cũng bí ẩn không kém xảy ra vào thế kỷ 17 tại Trung Hoa phong kiến.

Đó là cuối thời kỳ trị vì của Minh Hy Tông (Thiên Khải Đế). Buổi sáng ngày định mệnh, ngày 30 tháng 5 năm 1626, không gian đang yên ắng bỗng vang lên những tiếng động ầm ầm rồi dần dần trở thành một tiếng gầm gây giật mình cho hết thảy người dân thành Bắc Kinh (Các phân tích sau đó cho thấy sức mạnh của vụ nổ lên tới gần 20.000 tấn TNT, tương đương sức nổ của quả bom nguyên tử thả xuống thành phố Hiroshima, Nhật Bản vào năm 1945).

Tranh vẽ nhiều phủ đệ bị cháy do dư chấn vụ nổ Vương Cung Xưởng. Ảnh nguồn: Samim.io.

Tranh vẽ nhiều phủ đệ bị cháy do dư chấn vụ nổ Vương Cung Xưởng. Ảnh nguồn: Samim.io.

Khoảng 1 dặm vuông diện tích phía Tây Nam Tử Cấm Thành Bắc Kinh đã trở thành bình địa: hàng vạn ngôi nhà sụp đổ thành đống gạch vụn, những cột khói khổng lồ quăng lên trời cùng vụn bể tạo thành một cơn mưa rơi kéo dài nhiều dặm, một bi kịch hủy diệt khủng khiếp. Ước tính 2 vạn người đã bỏ mạng bao gồm con trai của Hoàng đế Minh Hy Tông là Hiến Hoài Thái tử Chu Từ Quế (con của Hoàng quý phi Nhậm thị).

Các nhân chứng sống sót kể rằng họ đã nghe vụ nổ ở cách đó tới 30 dặm, gạch đá trên trời rơi xuống ào ào khiến dân tình co cụm trong nhà, sợ hãi không dám ló mặt ra ngoài. Sóng xung kích và dư chấn từ vụ nổ được người ta cảm nhận ở cách xa đó tới 150km.

Sự biến dạng của các tử thi cũng khiến người ta sởn gai ốc. Vô số tử thi bị sức ép của vụ nổ siêu mạnh đã bị bắn tung lên trời và bay xa đến hàng dặm, điều kỳ lạ là phần nhiều các tử thi đều trong tư thế trần truồng, có vẻ như vụ nổ đã tạo ra một loại lực lạ “lột” sạch đồ của họ, số y phục khổng lồ này sau đó đã rơi xuống tại nhiều địa điểm khác nhau, lạ thay không tìm thấy bất kỳ vết cháy nào trên cả tử thi lẫn quần áo.

Tàn tích từ vụ nổ Vương Cung Xưởng ở kinh thành Bắc Kinh năm 1626. Ảnh nguồn: Zi Media.

Một trong những nguồn cơn bị nghi ngờ liên quan đến vụ nổ, là một đám cháy do bột thuốc súng tại một trong 6 cung xưởng của thành Bắc Kinh. Cả 6 cung xưởng đều thuộc quyền quản lý của bộ Công, trong số các cung xưởng đó phải kể đến Vương Cung Xưởng về mức độ quy mô diện tích và khí tài của nó.

Kỳ thực vụ nổ lớn đã không gây nhiều thiệt hại do hỏa hoạn, mặt khác nếu tất cả bọt thuốc súng cùng cháy thì nó vẫn không đủ khả năng để tạo ra cường độ mạnh cũng như mức độ năng lượng nổ như bom hạt nhân; ngay cả bột thuốc súng nếu có phát cháy cũng không đủ để quy kết nó gây ra những tiếng động ầm ầm vang dần dần đến kinh thành trước khi xảy ra vụ nổ thực sự.

Nhưng nếu không phải thuốc súng gây ra vụ nổ thì nó là cái gì mới được chứ? Một giả thuyết phổ biến khác được cho là thủ phạm gây ra như cùng với vụ nổ Tunguska ở Siberia. Theo đó cả 2 sự kiện này cũng được gây ra bởi một thứ gọi là bolide, tức thiên thạch phát nổ giữa không trung. Điều này giải thích tại sao lại có sự hỗn loạn trên một khu vực thiệt hại rộng lớn cùng sự khó hiểu của nó; cũng như âm thanh đì đùng của vụ nổ, thứ ánh sáng chói lòa trên bầu trời, và kim loại nóng chảy từ trên trời rơi xuống.

Còn có các nguyên nhân khác được cho là thủ phạm như nổ khí đốt tự nhiên, phun trào núi lửa, động đất hoặc vòi rồng không khí… Nhưng không giải thuyết nào thực sự có thể giải đáp cho tất cả những hiện tượng kỳ quặc của vụ nổ Vương Cung Xưởng cho đến tận ngày nay.

Văn Chương (tổng hợp)

Nguồn ANTG: http://antg.cand.com.vn/khoa-hoc-ky-thuat-hinh-su/bi-an-vu-no-vuong-cung-xuong-599903/