Bí ẩn vụ nổ tàu ngầm Ghazi của Pakistan năm 1971

Năm 1971, chiếc tàu ngầm Ghazi của Hải quân Pakistan được giao nhiệm vụ 'đi săn' chiếc tàu sân bay INS Vikrant của Hải quân Ấn Độ. Tuy nhiên một vụ nổ bí ẩn đã xảy ra trên tàu, làm con tàu bị chìm và toàn bộ thủy thủ đoàn thiệt mạng.

Vào ngày 23/11/1971, chiếc tàu ngầm Ghazi của Hải quân Pakistan, đang lặng lẽ len lỏi ngoài khơi bờ biển Ấn Độ ở Vịnh Bengal, thì nhận được mệnh lệnh tuyệt mật từ trụ sở chính ở Karachi: Săn lùng và tiêu diệt tàu sân bay INS Vikrant, hàng không mẫu hạm duy nhất của Hải quân Ấn Độ khi đó.

Vào ngày 23/11/1971, chiếc tàu ngầm Ghazi của Hải quân Pakistan, đang lặng lẽ len lỏi ngoài khơi bờ biển Ấn Độ ở Vịnh Bengal, thì nhận được mệnh lệnh tuyệt mật từ trụ sở chính ở Karachi: Săn lùng và tiêu diệt tàu sân bay INS Vikrant, hàng không mẫu hạm duy nhất của Hải quân Ấn Độ khi đó.

Mặc dù khi đó, tình hình rất căng thẳng, nhưng giữa Ấn Độ và Pakistan vẫn chưa chính thức xảy ra chiến tranh; tuy nhiên các cuộc giao tranh đã diễn ra dữ dội tại Đông Pakistan (tức Bangladesh ngày nay), và Ấn Độ đang hỗ trợ lực lượng du kích Bengali, để chống lại chính quyền Đông Pakistan.

Việc đánh chìm tàu sân bay INS Vikrant của Hải quân Ấn Độ, được Pakistan coi là quan trọng, để ngăn Ấn Độ can thiệp vào Đông Pakistan. Nhưng mười ngày sau, Ghazi gặp một tai nạn khủng khiếp, khiến không ai trong số 93 sĩ quan và thủy thủ trên tàu còn sống sót.

Tàu ngầm Ghazi là chiếc tàu ngầm đầu tiên của Pakistan, đây là một chiếc tàu ngầm diesel-điện lớp Tench của Hải quân Mỹ, được đưa vào hoạt động vào cuối Thế chiến thứ hai; được Pakistan thuê lại và sau đó mua hẳn từ Hải quân Mỹ.

Tàu ngầm lớp Ghazi được chế tạo với mục đích hoạt động xa căn cứ, lượng giãn nước khi chìm là 2.400 tấn, tầm hoạt động 16.000 hải lý và trang bị vũ khí là 28 ngư lôi.

Trước khi cho Pakistan thuê, tàu ngầm Ghazi đã được Hải quân Mỹ hiện đại hóa một phần ống thở, sonar, tháp chỉ huy và điều hòa không khí; tuy nhiên tàu chưa được nâng cấp động cơ và ắc-quy.

Cuộc chiến tranh giữa Pakistan với Ấn Độ lần thứ 3 (cuối năm 1971) bùng nổ sau một cuộc đàn áp tàn bạo của quân đội Pakistan ở Đông Pakistan (ngày nay là đất nước Bangladesh), cuối cùng buộc New Delhi phải hỗ trợ quân sự cho quân nổi dậy Bengali.

Vào tháng 8/1971, tàu sân bay INS Vikrant của Hải quân Ấn Độ được triển khai đến Vịnh Bengal để đề phòng xung đột. Vào tháng 11/1971, Islamabad đã đưa ra quyết định quan trọng, tách tàu ngầm Ghazi khỏi lực lượng chủ lực của Hải quân Pakistan ở Biển Ả Rập, để bí mật cơ động đến Vịnh Bengal.

Lãnh đạo Quân đội Pakistan hy vọng, một cuộc tấn công vào tàu sân bay Vikrant, nếu thành công, có thể thay đổi vận mệnh của Pakistan trong cuộc xung đột sắp xảy ra. Nếu không "săn" được Vikrant, Ghazi sẽ thả thủy lôi ở lối vào căn cứ hải quân Visakhapatnam của Ấn Độ.

Đây là một hành động rất rủi ro, do thiếu lực lượng hải quân hỗ trợ và các cơ sở cảng ở Đông Pakistan không đầy đủ; trong khi đó, tình trạng kỹ thuật của Ghazi vẫn còn kém.

Nhưng bất chấp những khó khăn, vào ngày 14/11, Ghazi bắt đầu chuyến đi vòng quanh tiểu lục địa Ấn Độ, dưới sự chỉ huy của thuyền trưởng Zafar Muhammad Khan (trước đây là máy trưởng của Ghazi), đến Tiểu Bengal sáu ngày sau đó.

Nhưng sau khi Ghazi nhận được mệnh lệnh để đánh chìm tàu sân bay Vikrant vào ngày 23/11, Hải quân Ấn Độ đã nghi ngờ chuyến đi của Ghazi. Hơn nữa, phía Ấn Độ đã phát hiện một thông tin tại cảng Chittagong ở Đông Pakistan về việc dầu bôi trơn, cấp cho tàu ngầm đã sẵn sàng.

Sau đó, một tàu đánh cá của Ấn Độ đã báo cáo đã phát hiện một chiếc ống thở của tàu ngầm ở ngoài khơi bờ biển Sri Lanka. Hải quân Ấn Độ đã bắt đầu một loạt các biện pháp đánh lừa, khi đã "tiết lộ" thành công cho tình báo Pakistan rằng, tàu sân bay Vikrant vẫn ở gần Visakhapatnam, trong khi trên thực tế, nó đang di chuyển về phía đông, tới quần đảo Andaman.

Mặc dù Ghazi lúc này đang ở ngoài khơi bờ biển phía đông của Ấn Độ, nhưng không thể có cơ hội xác định vị trí của tàu sân bay Vikrant. Cuối cùng, vào ngày 2/12/1971, Thuyền trưởng Khan quyết định thực hiện nhiệm vụ thứ hai là rải thủy lôi ở lối vào cảng Visakhapatnam.

Vào cuối chiều ngày 3/12/1971, Pakistan đã tiến hành một cuộc tấn công phủ đầu vào các căn cứ không quân của Ấn Độ như Không quân Israel tiến hành trong "Cuộc chiến 6 ngày" với các nước Arab năm 1967 nhưng bất thành; chiến tranh Ấn Độ - Pakistan lần thứ ba chính thức bắt đầu.

Lúc này tình hình chiến sự diễn biến rất khẩn trương và căng thẳng. Vào lúc chập tối, tàu khu trục lớp R Rajput của Hải quân Ấn Độ lặng lẽ rời cảng Visakhapatnam trong tình trạng tắt đèn, với nhiệm vụ phối hợp với tàu sân bay Vikrant và đánh chìm tàu ngầm Ghazi nếu có thể.

Vào lúc nửa đêm, sonar của tàu khu trục Rajput phát hiện tín hiệu tàu ngầm ở phía trước nửa hải lý. Thuyền trưởng Inder Singh đã ra lệnh phóng hai ngư lôi tầm sâu Mark VII; một lúc sau, một vụ nổ lớn phát ra từ bên dưới. Singh báo cáo rằng, có khả năng tàu của anh ta đã đánh chìm một tàu ngầm.

Vào lúc bình minh, các ngư dân tìm thấy một vết dầu loang và mảnh vỡ, bao gồm cả áo phao được đánh dấu USS Diablo. Ngày hôm sau, các thợ lặn quân sự đã xác định được vị trí tàu ngầm Ghazi bị chìm dưới đáy biển ở độ sâu 30 mét, khoang chứa ngư lôi của Ghazi đã mở; kính tiềm vọng của tàu vẫn được nâng lên và mũi tàu của nó hướng về phía cảng Visakhapatnam.

Trong những ngày tiếp theo, các đội lặn của Hải quân Ấn Độ đã vào tàu và thu hồi thông tin tình báo, bao gồm nhật ký hàng hải, sổ thông tin liên lạc và một chiếc đồng hồ được cho là đã "chết" lúc 12 giờ 15 phút. Với việc Ghazi bị tiêu diệt, tàu sân bay Vikrant được tự do tung hoành, góp phần vào sự sụp đổ nhanh chóng của lực lượng Pakistan ở Bangladesh.

Câu hỏi đặt ra là ai đã tiêu diệt tàu ngầm PNS Ghazi? Hải quân Ấn Độ cho rằng đó là khinh hạm Rajput đã đánh chìm Ghazi. Nếu đúng, Ghazi trở thành tàu ngầm duy nhất, bị phá hủy trong chiến đấu sau Thế chiến thứ hai. Nhưng các thông tin từ phía Pakistan khẳng định, tàu ngầm Ghazi của họ bị tai nạn, có lẽ là nạn nhân của một trong những quả thủy lôi của chính nó.

Mặc dù một số nhà sử hoc cho rằng, những thông tin của Pakistan là nhằm che đậy thất bại; nhưng một số sĩ quan hải quân Ấn Độ cho rằng, Hải quân Ấn Độ có thể đã cố tình làm mất hoặc phá hủy các tài liệu, để khỏi làm phức tạp câu chuyện về việc tàu ngầm Ghazi bị khinh hạm Rajput đánh chìm .

Có một nguyên nhân được dự đoán là có khả năng do sự cố mất điện, khiến thủy thủ đoàn của Ghazi mất phương hướng nghiêm trọng về vị trí bãi thủy lôi của chính nó rải ra. Và vụ nổ được chứng kiến trên tàu Rajput sau khi phóng ngư lôi, có thể thực sự là do một trong những quả thủy lôi của Ghazi gây ra.

Một giả thuyết cho rằng, chiếc Ghazi đã lao xuống để tránh ngư lôi của chiếc Rajput phóng ra; do mũi tàu của Ghazi đâm vào đáy biển, làm nổ vũ khí trong tàu.

Một giả thuyết tương đối có tính thuyết phục khác, là khí hydro dễ cháy phát ra trong khi nạp điện cho bình ắc-quy axit-chì của tàu Ghazi, đã bốc cháy do một tia lửa điện. Sổ nhật ký của Ghazi đã báo cáo mức khí hydro cao, nhưng tại sao sổ nhật ký hành trình của tàu đã không bị đốt cháy, trong một vụ nổ rực lửa?

Nhìn chung, hầu hết các phân tích độc lập đều đồng tình thiệt hại đối với khoang ngư lôi của Ghazi, khi cho thấy một vụ nổ bên trong. Nhưng điều đó không loại trừ khả năng xảy ra trục trặc kỹ thuật trên tàu Ghazi, chứ không phải do ngư lôi của tàu Rajput gây nên. Nguồn ảnh: Pinterest.

Những hình ảnh hiếm hoi về cuộc Chiến tranh 6 ngày đầy vẻ vang của Israel. Nguồn: Pathe.

Tiến Minh

Nguồn Tri Thức & Cuộc Sống: https://kienthuc.net.vn/quan-su/bi-an-vu-no-tau-ngam-ghazi-cua-pakistan-nam-1971-1594851.html