Bí ẩn vụ Mỹ ném bom Đại sứ quán Trung Quốc ở Belgrade (Kỳ cuối: Câu hỏi chưa có lời giải đáp)

Cho đến nay, một câu hỏi vẫn chưa có lời giải đáp, đó là liệu Mỹ có thực sự dám chấp nhận rủi ro để cố ý ném bom vào Đại sứ quán Trung Quốc hay không?

Cho đến nay, một câu hỏi vẫn chưa có lời giải đáp, đó là liệu Mỹ có thực sự dám chấp nhận rủi ro để cố ý ném bom vào Đại sứ quán Trung Quốc hay không?

5 quả bom đã rơi trúng khu Đại sứ quán và một quả bom không nổ. Ảnh: BBC

5 quả bom đã rơi trúng khu Đại sứ quán và một quả bom không nổ. Ảnh: BBC

Vào ngày xảy ra vụ đánh bom Đại sứ quán Trung Quốc ở Belgrade, Dusan Janjic, một học giả và là người ủng hộ hòa giải dân tộc ở Nam Tư, đang ăn trưa tại một nhà hàng cao cấp ở gần đó với một người mà ông coi là người bạn tốt- Ren Baokai, tùy viên quân sự tại Đại sứ quán Trung Quốc.

Ông Janjic nói rằng, nhân vật này rất cởi mở với ông về việc Bắc Kinh đang do thám các hoạt động của NATO và Mỹ, và theo dõi di chuyển của các chiến đấu cơ xuất phát từ căn cứ ở Belgrade. Vị tùy viên này đã mời ông Janjic đến ăn tối tại Đại sứ quán hôm đó vì biết ông rất thích đồ ăn Trung Quốc. "Và tôi bắt đầu pha trò. "Này, các ông sẽ bị đánh bom đấy! Tôi sẽ không đến đâu!", ông Janjic nhớ lại. Ông không ngờ rằng, lời nói đùa của mình đã trở thành sự thật.

Ông Janjic đã không đến ăn tối hôm đó. Khi tên lửa bay vào tòa nhà, ông Ren bị ném lên trần nhà, sau đó rơi xuống một miệng hố bom. Ông ấy được tìm thấy dưới tầng hầm trong tình trạng hôn mê vào sáng hôm sau.

"Sẽ luôn là câu chuyện đầy mờ ám"

5 tháng sau vụ tấn công, vào tháng 10-1999, 2 tờ báo là Observer của Anh và Politiken của Đan Mạch cho rằng, các hoạt động được giám sát bởi vị tùy viên quân sự này có thể đã khiến Mỹ cố tình ném bom.

Trích dẫn nguồn tin của NATO, 2 tờ báo viết rằng, Đại sứ quán đang được sử dụng làm trạm phát sóng lại thông tin liên lạc của quân đội Nam Tư và do đó đã bị xóa khỏi danh sách các mục tiêu không được tấn công. Ngoại trưởng Mỹ khi đó là Madeleine Albright cho rằng, câu chuyện của hai tờ báo trên là "nhảm nhí", trong khi Ngoại trưởng Anh Robin Cook cho rằng, "không có bằng chứng nào" ủng hộ cho ý tưởng này.

Nhưng 2 thập kỷ sau, Jens Holsoe, phóng viên của tờ Politiken tại Balkan từ năm 1995-2004, và John Sweeney, cựu phóng viên Observer hiện đang làm việc cho BBC, vẫn khẳng định, vụ đánh bom là có chủ ý. Ông Holsoe cho biết, điều khiến ông bắt tay điều tra vụ việc là Giám đốc CIA George Tenet công khai nói rằng, hình ảnh vệ tinh không cho thấy mục tiêu tấn công là một đại sứ quán - "không cờ, không quốc huy, không có dấu hiệu rõ ràng" - trong khi trên thực tế, cả 3 thứ trên đều có. Một trong những nguồn tin của ông Holsoe - một nhân vật quân sự cao cấp của Đan Mạch - gần như đã chấp nhận công khai rằng vụ đánh bom là có chủ ý.

Theo ông Holsoe, rõ ràng vào thời điểm đó có sự hợp tác quân sự giữa các lực lượng Serbia và Trung Quốc - và cá nhân ông đã nhìn thấy các phương tiện quân sự đến và đi khỏi Đại sứ quán Trung Quốc. Các quan chức Mỹ nói với tờ New York Times rằng, họ biết Đại sứ quán là nơi thu thập thông tin tình báo quan trọng nhất của Trung Quốc ở Châu Âu. "Đây sẽ luôn là câu chuyện đầy mờ ám", ông Sweeney nói.

Địa điểm từng là Đại sứ quán Trung Quốc ở Belgrade hiện đang được chuyển thành một trung tâm văn hóa Trung Quốc. Ảnh: BBC

Trung Quốc nói gì?

Tuy nhiên, Đại sứ Trung Quốc thoát chết trong vụ tấn công, Pan Zhanlin, trong một cuốn sách đã phủ nhận việc Đại sứ quán được sử dụng để phát tin tức liên lạc cũng như bác bỏ việc Trung Quốc đã được trao một phần của máy bay chiến đấu tàng hình F-117 của Mỹ mà lực lượng Serbia đã bắn hạ trong giai đoạn đầu của chiến dịch không kích của NATO. Nhiều người cho rằng, Bắc Kinh giữ các mảnh vỡ máy bay này để nghiên cứu công nghệ. Nhiều người cũng suy đoán, Trung Quốc đã sử dụng chiến dịch không kích của NATO để thử nghiệm công nghệ theo dõi các máy bay ném bom tàng hình thường không bị phát hiện.

Nhưng ngay cả khi tất cả những câu chuyện này là đúng, một câu hỏi vẫn tồn tại là: liệu Mỹ có thực sự dám chấp nhận rủi ro để cố ý ném bom vào Đại sứ quán Trung Quốc hay không? Ngay cả những người từng hoạt động tại Nam Tư cũng có những ý kiến trái chiều. Một cựu sĩ quan tình báo quân đội tin rằng, vụ đánh bom là có chủ ý và lời giải thích của CIA là lố bịch; trong khi một người khác, một đại tá về hưu, nói rằng ông tin câu chuyện của nước Mỹ.

May mắn không xảy ra chiến tranh

Ngày nay, những xe buýt chở đầy du khách Trung Quốc thường xuyên tới địa điểm từng là Đại sứ quán Trung Quốc bị ném bom để tham quan. "Đại sứ quán của chúng tôi đã bị người Mỹ phá hủy. Người Trung Quốc nào cũng biết chuyện này", ông nói. Địa điểm từng là Đại sứ quán Trung Quốc ở Belgrade hiện đang được xây lại để trở thành một trung tâm văn hóa Trung Quốc, và rất có thể sẽ là trung tâm lớn nhất Châu Âu.

Năm 1999, Trung Quốc không phải là gã khổng lồ về kinh tế như hiện nay. Bắc Kinh khi đó tập trung phát triển kinh tế và có chính sách đối ngoại ít rõ rệt như bây giờ. Những người từng kêu gọi phải trả đũa ngay lập tức sau vụ tấn công vào Đại sứ quán hồi năm 1999 hiện đã nhận ra rằng, thật may mắn là phản ứng của Trung Quốc đã không leo thang đến mức mất kiểm soát. "Chúng tôi là quốc gia đang phát triển nhanh nhất, mỗi năm nền kinh tế tăng trưởng ở mức hai con số. Và nếu như chúng tôi phải dừng lại do cuộc chiến khi đó, chúng tôi sẽ mất mát rất nhiều. Về bản chất, tôi luôn muốn có chiến tranh hơn là đối thoại. Nhưng khi nhìn lại, tôi thấy họ đã làm điều đúng đắn. Bởi vì hiện nay, chúng tôi có thể ngồi ngang bằng với người Mỹ", ông Shen Hong nói khi đến thăm địa điểm từng là Đại sứ quán.

AN BÌNH

Nguồn CAĐN: http://cadn.com.vn/news/122_206464_bi-an-vu-my-nem-bom-dai-su-quan-trung-quoc-o-belgrade-ky-cuoi-cau-hoi-chua-co-loi-giai-dap-.aspx