Bí ẩn về vụ tai nạn thảm khốc mang tên 'Titanic' trên không

Ngày 18/5/1935, Chiếc máy bay tuyên truyền 'Makxim Gorki' được mệnh danh là titanic có chiều dài 32,5m, kích thước sải cánh 63m (quá lớn so với thời bấy giờ) và có khả năng chuyên chở hành khách kỷ lục - 72 người đã bị rơi.

Vào ngày 18/5/1935 trên bầu trời Moskva đã xảy ra tai nạn máy bay lớn nhất. Chiếc máy bay tuyên truyền "Makxim Gorki", đã đâm đầu xuống đất cách cánh đồng Khodưnxky không xa. 47 người có mặt trên máy bay đều bị thiệt mạng – trong đó có 11 thành viên phi hành đoàn và 36 người gồm các kỹ sư chế tạo máy bay xuất sắc và 6 người con của họ. Năm 2008, nhân sự kiện kỷ niệm buồn này, Izvestia quyết định nhắc lại câu chuyện cái chết bí ẩn của Titanic trên không.

Chiếc máy bay tuyên truyền "Makxim Gorki".

Ý tưởng chế tạo chiếc máy bay khổng lồ nhân ngày kỷ niệm lần thứ 40 hoạt động văn học của nhà văn Makxim Gorki là của phóng viên Mikhail Kolsov. Stalin tán thành ý tưởng này. Trong năm 1932, qua tờ báo Sự thật, người ta kêu gọi toàn dân đóng góp tiền. Mọi công dân đất nước Xôviết tích cực hưởng ứng và nhanh chóng thu được hơn 6 triệu rúp.

Ngay mùa hè năm 1933, việc chế tạo máy bay được trao cho Viện Nghiên cứu khí thủy động lực học (SAGI), và Alecxandr Tupolev trở thành tổng công trình sư. Chỉ sau có 10 tháng, chiếc máy bay khổng lồ ANT được hoàn thành đã xuất xưởng và lăn bánh trên đường băng của sân bay Khodưnxky.

"Makxim Gorki" là Kỳ quan của ngành công nghiệp hàng không Xô Viết có chiều dài 32,5m, kích thước sải cánh 63m và có khả năng chuyên chở tới 72 hành khách. Máy bay có vỏ bọc gợn sóng, có 8 động cơ và trở thành một trong những chiếc máy bay đầu tiên trên thế giới được trang bị lái tự động. Các thiết bị kỹ thuật tân tiến của chiếc máy bay đã làm các chuyên gia phải kinh ngạc.

Còn các phóng viên (trong đó có cả những phóng viên nước ngoài đã tham gia chuyến bay đầu tiên trên bầu trời Moskva) đã kể cho công chúng đông đảo nghe về khoang chở hành khách, về các cabin với "sàn bóng nhoáng", về căng tin... Trên máy bay có trạm điện thoại, đài phát thanh, bưu điện, phòng ảnh và thậm chí có cả phòng in - tất cả để có thể sản xuất truyền đơn hoặc in báo trong khi bay.

"Makxim Gorki" cần trở thành "nhà tuyên truyền bay" và qua loa phóng thanh sẽ truyền đi những lời chúc mừng, các bài hát và tin tức trực tiếp từ trên trời...

Tuy nhiên, thời gian tồn tại của chiếc máy bay độc đáo này kéo dài không lâu - chỉ hơn một năm. Ngày 18/5/1935, "Makxim Gorki" cất cánh lên bầu trời trong chuyến bay bình thường, mang theo các kỹ sư hàng không xuất sắc. Chiếc máy bay huấn luyện do phi công Nicolai Blagin điều khiển đi hộ tống "người khổng lồ" này.

Thật bất ngờ trước con mắt của phần lớn những người chứng kiến, Blagin bắt đầu làm những động tác kỹ thuật lái cao cấp: anh làm một vòng quanh cánh của chiếc "Makxim Gorki", rồi định làm vòng thứ hai nhưng không điều khiển nổi. Chiếc máy bay của Blagin lao thẳng vào "Makxim Gorki" - "người khổng lồ" bị nổ ngay trên không, đâm thẳng xuống đất và rơi trúng làng "Socol" gần sân bay. Tất cả đều thiệt mạng, kể cả người đã gây ra vụ tai nạn thảm khốc này.

Điều gì đã khiến một phi công có kinh nghiệm quyết định làm một việc nguy hiểm mất lý trí như vậy – cho đến giờ vẫn còn là ẩn số. Theo giả thiết chính thức, Blagin chỉ đơn thuần cư xử như "một kẻ côn đồ trên không". Như TASS thông báo, "dù đã có lệnh cấm ngặt việc thực hiện bất cứ kỹ thuật lái cao cấp nào trong thời gian bay hộ tống, phi công Blagin vẫn vi phạm mệnh lệnh này".

Theo Đoàn Phương/Dân Việt

Nguồn Tri Thức & Cuộc Sống: https://kienthuc.net.vn/kho-tri-thuc/bi-an-ve-vu-tai-nan-tham-khoc-mang-ten-titanic-tren-khong-1435238.html