Bí ẩn về thị trấn trên núi Ba Vì bị lãng quên và lời đề nghị nhã nhặn - Bài 3: Ký ức về những biệt thự trong rừng

Trong nửa đầu thế kỷ 20, người Pháp đã xây dựng nhiều khu nghỉ dưỡng trên núi từ Bắc vào Nam. Vật đổi sao dời, nhiều khu nghỉ dưỡng nay thành phố thị nhốn nháo, kiến trúc pha tạp. Riêng khu nghỉ dưỡng sang trọng với hàng trăm biệt thự trên núi Ba Vì có kiến trúc độc đáo sau hơn nửa thế kỷ hoang phế đã được đánh thức...

Một phế tích biệt thự chưa được phục dựng.

Một phế tích biệt thự chưa được phục dựng.

Ông Đỗ Khắc Thành, giám đốc Vườn quốc gia Ba Vì từ năm 1999-2010 kể rằng, thời gian đầu ông không hề biết trên núi từng có nhiều biệt thự. Khi nhận bàn giao, ông chỉ biết ở độ cao 400m có một số công trình xây dựng từ thời Pháp nhưng ở dạng phế tích. Cho đến một ngày, nhân viên kiểm lâm đi tuần về báo cáo ở độ cao 600m, 700m, 800m và 1.000m trên núi còn có nhiều ngôi nhà xây đổ nát, chỉ còn lại móng hoặc vài bức tường gạch, đá nhuốm màu thời gian bị phủ kín bởi dây leo, cỏ, cành khô, lá mục.

Những thông tin này khiến ông tò mò muốn khám phá và ông quyết định tổ chức khảo sát. Thật bất ngờ, cách các con đường mòn lổn nhổn đất đá không xa ở độ cao 600m có hơn 100 nền móng các công trình lớn nhỏ, ở độ cao 1.000m có duy nhất một biệt thự hoang nát. Tìm tài liệu, hỏi dân ông mới biết trong thập niên 40 thế kỷ trước, nơi đây như một thị trấn là trạm nghỉ mát dành cho sĩ quan trong quân đội Pháp.

Những phế tích gây bất ngờ với ông Thành nhưng lại không hề bất ngờ với gia đình họa sĩ, dịch giả Trịnh Lữ. Ông Trịnh Lữ kể, khi tìm kiếm tài liệu để làm một cuốn sách về cha ông-họa sĩ Trịnh Hữu Ngọc, Trịnh Lữ tìm thấy những tài liệu, bản đồ có ghi vị trí ngôi nhà xưa của gia đình trên núi Ba Vì. Và ông bắt đầu thực hiện tìm kiếm...

Một phế tích cốt 600 nhìn từ trên cao.

Cụ Trịnh Hữu Ngọc học Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương, tốt nghiệp năm 1938. Lúc 32 tuổi, cụ mua một lô đất ở độ cao 1.000m trên núi Ba Vì làm nhà rồi đưa vợ con lên đây sinh sống. Ngày đó, đất Hà Nội, Sơn Tây rất rộng, dân còn thưa vì thế việc cụ định cư trên núi hẳn là chuyện rất lạ, có lẽ chỉ nghệ sĩ khác đời mới có những quyết định như vậy.

Nhưng nhờ sự lập dị của người họa sĩ tài hoa mới có câu chuyện thú vị cho ngày hôm nay. Để sinh sống, cụ Ngọc lập một xưởng nội thất đồ gỗ ở phố Thợ Nhuộm (Hà Nội) tên là Mémo. Chính xưởng Mémo đã làm toàn bộ nội thất ngôi nhà 48 Hàng Ngang hoàng tráng của nhà tư sản dân tộc yêu nước Trịnh Văn Bô. Nhà 48 Hàng Ngang trở thành bảo tàng lưu giữ những kỷ niệm về Chủ tịch Hồ Chí Minh viết bản Tuyên ngôn độc lập khai sinh ra nước Việt Nam dân chủ cộng hòa ở đây. Vì thế đồ nội thất sang trọng, có tính mỹ thuật cao do cụ Ngọc thiết kế vẫn vẹn nguyên. Một dấu ấn khác của Mémo liên quan đến lịch sử dân tộc là lễ đài gỗ dành cho đại diện Chính phủ Việt Minh trong Lễ tuyên ngôn độc lập chiều 2/9/1945 là do thợ của Mémo thi công.

Dù năm nay đã ngót nghét 90 tuổi nhưng hai con gái của cụ Ngọc là bà Trịnh Thị Nhạn và Trịnh Ngọc Anh vẫn còn nhớ những năm tháng sống trên núi Ba Vì, từ 1944 đến 1948. Đó là chuyện đi chơi gặp hổ, là chuyện bị vắt cắn và chứng kiến cha cưu mang những người trốn trại ở trại tù trên núi.

Leo lên độ cao 1.000m là chuyện chẳng dễ dàng ngay cả với người có sức khỏe, vậy mà bạn của họa sĩ là nhà văn hóa Hoàng Đạo Thúy, bác sĩ Trần Duy Hưng, Tôn Thất Tùng, Nhữ Thế Bảo, nhà thơ Quang Dũng, (tác giả của bài thơ “Tây tiến” trong đó có câu “Đêm mơ Hà Nội dáng kiều thơm” bị làm phiền trong một thời gian dài) vẫn còng lưng leo núi thăm bạn.

Do những biến động của lịch sử, năm 1948 gia đình họa sĩ Trịnh Hữu Ngọc phải bỏ nhà xuống núi. Và từ đó cho đến những năm cuối của thế kỷ 20, nhiều người trong gia đình muốn trở về ngôi nhà có sổ đỏ đàng hoàng song chẳng dễ. Quãng đường từ Hà Nội lên núi Ba Vì không xa nhưng vướng biết bao rào cản nên các con cụ chỉ còn sống với ký ức.

Ký ức tồn tại ngoài ý muốn chủ quan con người, nhiều sự kiện trong đời một người, một cộng đồng, một dân tộc không ai muốn nhớ nhưng nó vẫn cứ vào bộ não, nó không bao giờ mất nếu ta còn sống. Năm 2007, tức là 59 năm sau, con, cháu cụ Ngọc mới có cơ hội đi tìm lại nơi cha, ông họ đã gieo những hạt ký ức. Và phải 2 năm sau, năm 2009, ông Trịnh Lữ mới tìm thấy nhà mình trong cảm xúc mà ông nói là rất khó tả, đúng là “khi ta đi đất bỗng hóa tâm hồn”. Rất tiếc ngôi biệt thự đẹp đẽ nhìn xuống sông Đà lúc chiều buông tuyệt hơn bức tranh thủy mặc đã hoang tàn.

Không chỉ gia đình họa sĩ, dịch giả Trịnh Lữ, nhân viên lễ tân của khu nghỉ dưỡng Melia Ba Vì kể rằng, thỉnh thoảng vẫn có khách Pháp đến đây đưa ra nhiều tấm ảnh, tài liệu bằng chữ Pháp chứng minh ông, cha họ đã từng sống ở trên núi Ba Vì trong nửa đầu thế kỷ 20. Lại có vị khách còn nói rằng họ sinh ra tại một biệt thự nào đó ở đây và rất muốn tìm lại. Tuy nhiên, các nhân viên lễ tân cũng chẳng giúp được gì ngoài việc chỉ cho họ những phế tích còn sót lại quanh khu nghỉ dưỡng. Nhưng hơn 100 biệt thự bị phá từ bao giờ? Ai đã biến nó thành hoang phế rong rêu?

Ngược thời gian, năm 1951 bộ đội đã có trận đánh đồn Pháp ở độ cao 600m, và sau trận đánh đó, các chủ biệt thự người Pháp đã dời núi xuống đồng bằng. Một thị trấn lúc cao điểm có tới 4.000 người hoang vắng từ đó. Sau 1954, các biệt thự xinh đẹp này trở thành tài sản thuộc sở hữu Nhà nước. Năm 1956, khi đi thực tế ở Ba Vì để sáng tác, họa sĩ Trịnh Hữu Ngọc đã tìm về ngôi nhà một thời, ông thấy nó còn nguyên, chỉ hư hỏng tí mái. Đó cũng là lần cuối cùng cụ về nhà. Suốt thập niên 60,70 thế kỷ 20 tất cả các biệt thự ở núi Ba Vì bị bỏ hoang.

Phác thảo sân bay trực thăng ở cốt 600.

Ông Đỗ Khắc Thành không biết rõ hình hài các biệt thự đó ra sao nhưng bà con dân tộc Dao thì tường tỏ vì họ ở trên núi, sống bằng nghề làm thuốc nên ngày nào cũng vào rừng hái lá, đào rễ cây. Những biệt thự đó là nơi nghỉ trưa, tránh mưa bão là nơi tình tự của trai gái trong bản. Năm 1991, rừng Ba Vì trong đó có rừng trên núi được quy hoạch trở thành Vườn quốc gia thì bà con dân tộc Dao phải xuống chân núi định cư. Không chỉ người Dao, dân quanh chân núi cũng chẳng lạ vì trước đó họ lên kiếm củi, săn thú, tìm kiếm lâm sản nên cũng biết rõ biệt thự nào còn nguyên, biệt thự nào hư hỏng. Thời bao cấp rừng có chủ hẳn hoi, và chủ là Nhà nước nhưng rừng bị coi là hoang và một nhà thơ rất lớn đã viết: “Đi ta đi khai phá rừng hoang”.

Ông Hoài Bắc, đã ngoài 70 tuổi sống ở xã Tản Lĩnh, một xã ở chân núi Ba Vì trước khi nghỉ hưu là phóng viên báo Hà Tây, ông kể, đầu thập niên 80 dân quanh vùng bắt đầu lên núi phá biệt thự lấy sắt, gạch men, bệ xí, ngay cả những viên đá lát đường họ cũng đào lên mang xuống núi. Họ lấy tất cả những gì có thể lấy được. Sau vài năm hơn 100 biệt thự, khách sạn ở các độ cao trên núi tan hoang, chỉ còn trơ trọi vài bức tường, móng nhà. Cho đến nay không thấy ai đề cập đến trách nhiệm cá nhân, cơ quan thời kỳ đó khi để khối tài sản ấy bị phá hoại. Những phế tích chứa đựng câu chuyện của một thời, câu chuyện về thân phận con người nằm im cho đến khi công ty TNHH phát triển Công nghệ (CFTD) đánh thức nó bằng dự án Le Mont Ba Vì (nay là Melia Ba Vì). Khi thực hiện dự án, kiến trúc sư Nguyễn Ngọc Lương đã chụp lại những nền hoang, toàn dây leo, cỏ, lá rụng phủ kín. Ông Lương không phải là tay máy chuyên nghiệp nhưng bức ảnh nào ông chụp cũng muốn nói “tôi có rất nhiều chuyện muốn kể đây”.

Và khi đánh thức những phế tích biệt thự được cho phép, dù chẳng ai bảo, cũng chẳng ai nhờ, vì xót và sợ những phế tích nát vụn thêm, CFTD đã tự bỏ tiền láng xi măng để bảo vệ móng, gắn lại những cục đá lát ở mảng tường sắp sụp, lối lên xuống ở sân bay. Đó chỉ là giải pháp tạm thời, đá có thể trơ gan cùng tuế nguyệt nhưng vữa, gạch sao chịu nổi với mưa nắng xứ Đoài? Muốn bảo tồn chỉ còn cách làm mái và phế tích đó xứng đáng được bảo vệ.

(Còn nữa)

Nguyễn Ngọc Tiến

Bài đăng trên ấn phẩm tạp chí in Đời sống & Pháp luật số thứ 3 (156)

Nguồn ĐS&PL: https://doisongphapluat.com/tin-tuc/tin-trong-nuoc/bi-an-ve-thi-tran-tren-nui-ba-vi-bi-lang-quen-va-loi-de-nghi-nha-nhan-bai-3-ky-uc-ve-nhung-biet-thu-trong-rung-a341218.html