'Bí ẩn' về chuyện cấp bằng lái ô tô tại Sở Giao thông vận tải Thái Nguyên

Việc đổi giấy phép lái xe ô tô nước ngoài sang GPLX Việt Nam do Sở Giao thông vận tải Thái Nguyên cấp đang là vấn đề đáng bàn và cần phải được điều tra làm rõ.

Đổi bằng lái xe B2: "Đường đi" bí ẩn!

Việc cấp, đổi giấy phép lái xe ô tô nước ngoài sang giấy phép lái xe Việt Nam lâu nay được quy định khá nghiêm ngặt. Đặc biệt, người lái xe muốn đổi bằng phải đến chụp ảnh trực tiếp tại cơ quan cấp giấy phép lái xe và phải xuất trình bản chính các hồ sơ để đối chiếu. Dù quy định là vậy, nhưng theo phản ánh, việc đổi bằng lái xe ô tô do Sở Giao thông vận tải tỉnh Thái Nguyên (Sở GTVT Thái Nguyên) được diễn ra hết sức “bí ẩn”, bất chấp mọi quy định.

Để làm rõ câu chuyện này, phóng viên Báo Gia đình Việt Nam vào cuộc xác minh và nhanh chóng tiếp cận được không ít người dân đang làm việc ở nước ngoài khi đã có “cơ may” đổi thành công bằng lái xe ô tô do Sở GTVT Thái Nguyên cấp.

Một chiếc bằng B2 do ông Ngô Mạnh Cường, Phó Giám đốc Sở GTVT Thái Nguyên ký

Một chiếc bằng B2 do ông Ngô Mạnh Cường, Phó Giám đốc Sở GTVT Thái Nguyên ký

Trao đổi với phóng viên, ông M. một người dân quê Hà Tĩnh (hiện đang sinh sống và làm việc tại Hàn Quốc - PV) tiết lộ: “Rất nhiều người Việt khi có giấy phép lái xe của Hàn Quốc đã “tìm cách” đổi sang bằng B2 Việt Nam để sau này về nước còn sử dụng. Việc đổi bằng hết sức đơn giản. Người muốn đổi bằng chỉ cần chụp bản phô tô chứng minh thư, bằng lái xe Hàn Quốc và gửi hai ảnh 3x4 là xong…”.

Nói về số tiền bỏ ra khi đổi bằng, ông M cho hay: “Khi bắt đầu làm họ yêu cầu đặt cọc khoảng 1 triệu tiền Việt. Đến 20 ngày sau, khi có bằng mình gửi số tiền còn lại cho họ. Tổng số tiền để chuyển đổi bằng mất khoảng 4 đến 5 triệu tiền Việt. Đối với những người có nhu cầu mua bằng mất khoảng 20 triệu đồng”.

Ông M cho rằng, để làm được bằng chắc chắn họ có đường dây. Có thể họ có người nhà làm việc tại Sở hoặc là họ “cấu kết” với cán bộ của Sở giao thông vận tải Thái Nguyên thì mới làm được?.

Ông A. quê Quảng Bình (Một người dân khác đang làm việc ở Hàn Quốc - PV) cho biết thêm: “Lúc đầu cầm bằng B2, chúng tôi cứ nghĩ là bằng giả. Tuy nhiên khi nhờ người quen kiểm tra trên mạng thì mới biết bằng họ làm là thật 100%. Chúng tôi thực sự bất ngờ, bởi việc đổi bằng được thực hiện khá nghiêm ngặt, người đổi bằng phải về trực tiếp làm, vậy mà chúng tôi ở Hàn Quốc nhờ mà họ vẫn đổi được”.

Một chiếc bằng B2 khác được cấp

Để chứng minh việc đổi bằng lái xe B2 tại Sở GTVT tỉnh Thái Nguyên “có vấn đề”, phóng viên báo Gia đình Việt Nam đã thu thập được hàng loạt chiếc bằng do đích danh ông Ngô Mạnh Cường, Phó Giám đốc Sở GTVT Thái Nguyên ký.

“Ăn cơm hạt rơi hạt vãi, chuyện bình thường”

Nhằm làm sáng tỏ vấn đề trên, phóng viên Báo Gia đình Việt Nam đã liên hệ với ông Lê Văn Vịnh, Giám đốc Sở GTVT Thái Nguyên. Ngay sau khi tiếp nhận thông tin, ông Vịnh đã giao cho ông Ngô Mạnh Cường, Phó Giám đốc Sở GTVT Thái Nguyên (người trực tiếp ký bằng lái xe B2) làm việc.

Tại buổi làm việc, ông Cường gọi thêm ông Sơn, cán bộ làm ở văn phòng 1 cửa, đơn vị trực tiếp rà soát hồ sơ của Sở GTVT Thái Nguyên.

Theo ông Cường, quy trình cấp đổi bằng lái xe nước ngoài sang giấy phép lái xe của Việt Nam bắt buộc người đổi bằng phải trực tiếp đến Sở và qua văn phòng 1 cửa cung cấp hồ sơ, nộp hồ sơ để đổi bằng.

“Hồ sơ đó phải có đơn, có bằng gốc và có chứng minh nhân dân hoặc hộ chiếu; Bản dịch công chứng nước ngoài sang Việt Nam. Khi có người đến làm, anh em ở đây sẽ xem xét, đối chiếu hồ sơ nếu đủ điều kiện sẽ nhập vào hệ thống rồi chuyển lên cho tôi ký duyệt danh sách, ký điện tử. Ở Sở hiện công tác rà soát chủ yếu là đồng chí Sơn”, ông Cường cho hay

Ông Ngô Mạnh Cường, Phó Giám đốc Sở Giao thông vận tải Thái Nguyên

Khi phóng viên thắc mắc, tại sao người lái xe đang ở nước ngoài, không về đổi bằng mà Sở Giao thông Thái Nguyên vẫn ký? Trước câu hỏi này, ông Cường nói rằng chưa khẳng định được. Cái này phải xem thế nào đã, nguyên nhân thì không trả lời được?

“Quy trình cách làm việc của chúng tôi là không có chuyện đó. Nếu giả sử có chuyện đó thì phải xem xét lại nó hổng chỗ nào. Nhưng đến thời điểm này tôi cũng không khẳng định là 100%, ăn cơm hạt rơi hạt vãi chuyện bình thường…”, Ông Cường nói.

Tại buổi làm việc, phóng viên đã đọc số hiệu một số chiếc bằng mà “chủ nhân” khẳng định không về mà vẫn được Sở GTVT Thái Nguyên cấp ra để đổi chiếu. Sau khi tiếp nhận, ông Sơn đã xuống kiểm tra dữ liệu và khẳng định 1 điều chắc nịnh: “Những chiếc bằng này là có thật và do chính Sở GTVT Thái Nguyên cấp”.

Khi phóng viên yêu cầu cho tiếp cận hồ sơ lưu nhưng đại diện Sở GTVT Thái Nguyên nói rằng, đối với những trường hợp này Sở không lưu hồ sơ?

Câu hỏi đang được đặt ra, tại sao việc cấp đổi bằng tại Sở GTVT Thái Nguyên lại bất chấp quy định như vậy? Liệu có “đường dây” làm bằng lái xe tại Sở này hay không?. Việc xử lý trách nhiệm cán bộ, lãnh đạo Sở này như thế nào trước vấn đề trên?

Báo Gia đình Việt Nam đề nghị Bộ Giao thông vận tải, Bộ Công an có chỉ đạo vào cuộc xác minh, làm rõ.

Báo Gia đình Việt Nam sẽ tiếp tục thông tin vụ việc đến bạn đọc!

Thủ tục đổi giấy phép lái xe ô tô được quy định tại Điều 41 Thông tư 12/2017/TT-BGTVT như sau:

“Điều 41: Thủ tục đổi giấy phép lái xe hoặc bằng lái xe của nước ngoài

Người lái xe lập 01 bộ hồ sơ, gửi trực tiếp tại Tổng cục Đường bộ Việt Nam hoặc Sở Giao thông vận tải (nơi đăng ký cư trú, lưu trú, tạm trú hoặc định cư lâu dài). Hồ sơ bao gồm:

a) Đơn đề nghị đổi giấy phép lái xe (đối với người Việt Nam theo mẫu quy định tại Phụ lục 19 ban hành kèm theo Thông tư này, đối với người nước ngoài theo mẫu quy định tại Phụ lục 20 ban hành kèm theo Thông tư này);

b) Bản dịch giấy phép lái xe nước ngoài ra tiếng Việt được bảo chứng chất lượng dịch thuật của cơ quan Công chứng hoặc Đại sứ quán, Lãnh sự quán tại Việt Nam mà người dịch làm việc, đóng dấu giáp lai với bản sao giấy phép lái xe; trường hợp phát hiện có nghi vấn, cơ quan cấp đổi giấy phép lái xe có văn bản đề nghị Đại sứ quán, Lãnh sự quán của quốc gia cấp giấy phép lái xe tại Việt Nam xác minh;

c) Bản sao hộ chiếu (phần số hộ chiếu, họ tên và ảnh người được cấp, thời hạn sử dụng và trang thị thực nhập cảnh vào Việt Nam), giấy chứng minh nhân dân hoặc thẻ căn cước công dân, giấy chứng minh thư ngoại giao hoặc công vụ do Bộ Ngoại giao Việt Nam cấp hoặc bản sao thẻ cư trú, thẻ lưu trú, thẻ tạm trú, thẻ thường trú, giấy tờ xác minh định cư lâu dài tại Việt Nam đối với người nước ngoài; trường hợp phát hiện có nghi vấn, cơ quan cấp đổi giấy phép lái xe có văn bản đề nghị Bộ Ngoại giao, Cục Quản lý Xuất nhập cảnh thuộc Bộ Công an, Phòng Quản lý xuất nhập Cảnh thuộc Công an tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương xác minh.

Khi đến thực hiện thủ tục đổi giấy phép lái xe, người lái xe phải chụp ảnh trực tiếp tại cơ quan cấp giấy phép lái xe và phải xuất trình bản chính các hồ sơ nêu trên (trừ các bản chính đã gửi) để đối chiếu.”

* Tên và thông tin cá nhân của một số nhân vật trong bài đã được thay đổi.

Nguồn Gia Đình VN: https://giadinhvietnam.com/bi-an-ve-chuyen-cap-bang-lai-o-to-tai-so-giao-thong-van-tai-thai-nguyen-d143255.html