Bí ẩn tượng Đại Nhân Sư Ai Cập

Nhắc đến Ai Cập người ta thường liên tưởng đến những điều huyền bí ở xứ sở đầy gió và cát này. Một trong những bí ẩn lớn nhất luôn làm các nhà khảo cổ học và Ai Cập học phải đau đầu tìm hiểu nhưng vẫn chưa thể tìm ra lời giải đáp chính là những bí ẩn xoay quanh bức tượng Đại Nhân Sư.

Tượng Đại Nhân Sư nằm ở cao nguyên Giza, trên bờ tây của sông Nile, cách thủ đô Cairo 10km. Những người trị vì Ai Cập coi đây là biểu tượng của thần mặt trời do đó họ gọi là "Hor-Em-Akhet", có nghĩa là Horus của Đường chân trời. Bức tượng Nhân sư thuộc một phần của thành cổ Memphis, một nơi được coi là vị trí quyền lực của các Pharaoh, cách không xa ba kim tự tháp lớn bao gồm - Kim tự tháp Khufu (Cheops), Khafre (Chephren) và Menkaura (Mycerinus).

Tượng là tác phẩm điêu khắc cổ đại lớn nhất trên thế giới còn tồn tại với chiều dài 20m và chiều cao lên tới 73,5m. Tuy nhiên hiện nay đã bị hư hỏng nặng nề, phần mũi và râu của bức tượng đã biến mất. Phần râu hiện đang được trưng bày tại Bảo tàng Anh, còn phần mũi, sự biến mất của nó cũng là một câu hỏi khiến nhiều nhà khảo cổ học tranh cãi.

Một số cho rằng nó biến mất là do sự phá hoại của những người lính Pháp khi quân Pháp tiến đến Cairo vào năm 1798 nhưng những nghiên cứu của Frederick Lewis Norden cho thấy chiếc mũi đã biến mất khoảng 50 năm trước khi quân Pháp đến đây.

Hình ảnh bên ngoài tượng Nhân Sư.

Bức tượng đã phải chịu đựng rất nhiều sự tàn phá bởi thời gian, khí hậu, ô nhiễm môi trường và con người. Sự thật thì việc cứu bức tượng khỏi bị hủy hoại hoàn toàn chính là việc tượng thường xuyên chìm trong biển cát. Nhiều nỗ lực đã được thực hiện nhằm khôi phục tượng Đại Nhân Sư trong nhiều thế kỉ, bắt đầu từ năm 1400 trước công nguyên với pharaoh Tuthmosis IV.

Sau khi ngủ gục dưới bóng tượng Đại Nhân Sư trong một chuyến đi săn, chàng trai Tuthmosis mơ thấy nhân sư xuất hiện dưới hình dạng thần mặt trời Horus, đề nghị sẽ trao cho Tuthmosis ngôi báu của Ai Cập nếu ông đồng ý dọn sạch chỗ cát đang khiến ngài nghẹt thở. Ngày nay chúng ta vẫn có thể nhìn thấy bia đá granit nằm trong móng của tượng nhân sư ghi lại câu chuyện về giấc mơ của vị pharaoh này. Tuy nhiên sau đó bức tượng lại trở về nguyên trạng bị chìm trong biển cát.

Mãi tới năm 1858 sau công nguyên công việc dọn dẹp này mới tiếp tục được thực hiện bởi Auguste Mariette, người thành lập Bảo tàng Ai Cập và cho tới khoảng thời gian từ năm 1925 đến 1936 khi kĩ sư người Pháp Emile Baraize thay mặt cho Bảo tàng cổ vật khai quật tượng nhân sư, bức tượng mới một lần nữa xuất hiện trước thế giới.

Trước đây hầu hết các nhà Ai Cập học đều đồng ý khuôn mặt tượng nhân sư lấy hình ảnh từ Chephren, pharaoh của triều đại thứ 4 vì nó được xây dựng dưới thời trị vì của ông. Tuy nhiên các nghiên cứu chỉ ra rằng họ không tìm thấy bất kì dấu vết chữ khắc nào xác nhận sự liên quan giữa khuôn mặt của Chephren với tượng Nhân Sư.

Tới năm 1996, một thám tử New York chuyên gia về nhận dạng đưa ra kết luận rằng cấu trúc khuôn mặt của tượng Nhân Sư không khớp với các đường nét khuôn mặt của vua Chephren. Thay vào đó ông cho rằng khuôn mặt tượng Nhân Sư có sự tương đồng lớn với anh trai của vua Chephren, Djedefre.

Một điều kì lạ khác về tượng Nhân Sư chính là cái đầu kì lạ không hề cân xứng với cơ thể tượng. Một số người cho rằng đó có thể là do việc được chạm khắc lại nhiều lần bởi các pharaoh đời sau, trong khi đó số khác thì tin rằng trước đây phần đầu được lấy hình chim ưng hoặc cừu đực sau đó mới được cắt sửa thành hình mặt người.

Phác họa những lối đi và phòng bí mật bên dưới bức tượng.

Việc sửa chữa trải qua hàng nghìn năm có thể đã làm giảm hay thậm chí là thay đổi tỉ lệ khuôn mặt tượng nhân sư. Bất kì lời giải thích nào trong số trên cũng có thể là nguyên nhân cho việc cái đầu của tượng Nhân Sư có tỉ lệ nhỏ bất thường so với cơ thể. Nhưng trước khi có được những bằng chứng xác đáng thì đây tiếp tục trở thành một trong những bí ẩn xoay quanh bức tượng Nhân Sư.

Có rất nhiều truyền thuyết về những lối đi bí mật khác nhau liên quan đến tượng Đại Nhân Sư. Các cuộc điều tra của trường Đại học bang Florida, trường đại học Waseda Nhật Bản và trường đại học Boston cho thấy nhiều điều dị thường xung quanh bức tượng.

Năm 1995, một nhóm công nhân đang cải tạo một bãi đậu xe gần đó phát hiện hàng loạt các đường hầm và lối đi, hai trong số đó nối xuống lòng đất gần tượng Nhân Sư. Trong khoảng thời gian từ năm 1991 đến năm 1993, khi đang kiểm tra tình trạng xói mòn của tượng Nhân Sư bằng cách sử dụng địa chấn, nhóm nghiên cứu của Anthony West đã tìm thấy bằng chứng về sự xuất hiện của các lỗ rỗng có hình dạng như những căn phòng chỉ vài mét bên đưới mặt đất ngay gần phần móng của tượng Nhân Sư. Tuy nhiên việc điều tra nghiên cứu sâu hơn đã không được cho phép.

Ngày nay, bức tượng bị tàn phá bởi gió, độ ẩm và sương mù từ Cairo. Do đó một dự án trùng tu và bảo tồn đắt đỏ đã được tiến hành từ năm 1950, tuy nhiên ngay từ khi bắt đầu việc xây dựng sử dụng xi măng không tương thích với thành phần đá vôi được sử dụng để xây dựng bức tượng đã gây thêm nhiều thiệt hại cho kiến trúc cổ đại này. Trong khoảng thời gian 6 năm họ đã lắp thêm 2000 khối đá vôi được tiêm hóa chất vào khối kiến trúc nhưng đáng tiếc phương pháp này cũng thất bại.

Cho đến năm 1988, phần vai trái của bức tượng đã lâm vào tình trạng xuống cấp nghiêm trọng đến mức các khối đá thuộc phần này liên tục rơi xuống. Do đó ngày nay, các nhà cầm quyền đa số tập trung vào việc bảo tồn di tích cổ đại này hơn là khám phá và khai quật nó nên việc những bí mật ẩn giấu sâu trong bức tượng Đại Nhân Sư vẫn chưa thể được giải đáp.

Thùy Trang

Nguồn ANTG: http://antg.cand.com.vn/kinh-te-van-hoa-the-thao/bi-an-tuong-dai-nhan-su-ai-cap-507842/