Kho báu 28 tấn vàng của phát xít Đức là một trong những bí ẩn lớn nhất trong Chiến tranh thế giới 2. Trong suốt nhiều thập kỷ qua, nhiều chuyên gia, thợ săn kho báu nỗ lực tìm kiếm tung tích số của cải khổng lồ này. Thông tin về kho báu khủng trên xuất phát từ nội dung trong cuốn nhật ký của một binh sĩ thuộc lực lượng vũ trang Waffen Schutzstaffel (Waffen-SS) có bí danh "Michaelis".
Trong cuốn nhật ký này, binh sĩ có bí danh "Michaelis" mô tả tóm tắt kế hoạch của Heinrich Himmler, thống chế đội cận vệ của Đức quốc xã, về việc cất giấu kho báu khổng lồ gồm nhiều vàng bạc, châu báu, cổ vật, các tác phẩm nghệ thuật giá trị... mà lính Đức cướp bóc trong các cuộc tấn công, xâm lược ở châu Âu trong Thế chiến 2.
"Michaelis" liệt kê 11 địa điểm mà Đức quốc xã cất giấu kho báu giá trị trước khi Chiến tranh thế giới 2 kết thúc. Trong số này, một địa điểm được binh sĩ phát xít Đức trên đề cập đến trong cuốn nhật ký là miệng giếng bỏ hoang sâu gần 60m, nằm dưới cung điện Hochberg ở làng Roztoka, phía tây nam Ba Lan.
Số vàng khổng lồ được Đức quốc xã cất giấu ở đáy giếng được cho là đến từ ngân hàng Reichsbank ở thị trấn Breslau, ngày nay là thành phố Wrocław của Ba Lan. Theo ước tính, số vàng đó trị giá hàng tỷ USD.
Nhiều thập kỷ sau Thế chiến 2 kết thúc, nhật ký của binh sĩ có biệt danh "Michaelis" được cất giấu ở thị trấn Quedlinburg (Đức). Nó được một hội quán Tam Điểm - một trong những tổ chức quyền lực bí ẩn nhất thế giới đã tồn tại hơn 1.000 năm - cất giữ trong nhiều năm.
Một số quan chức cấp cao của Đức quốc xã từng là thành viên của hội Tam Điểm. "Michaelis" cũng là một thành viên hội Tam Điểm nên cuốn nhật ký của ông được hội lưu giữ.
Dưới thời Hitler, "Michaelis" phụ trách mạng lưới giao thông của phát xít Đức ở khu vực Tây Nam Ba Lan. Về sau, các thành viên của hội quán Tam Điểm ở Quedlinburg bao gồm con cháu của nhiều quan chức cấp cao trong chính quyền phát xít Đức.
Vào năm 2019, hội quán Tam Điểm trên trao cuốn nhật ký cho hiệp hội Silesian Bridge ở Ba Lan. Nội dung nhật ký cũng nhắc đến việc Đức quốc xã đã giết những người tham gia việc cất giấu kho báu rồi vứt xác nạn nhân xuống giếng trước khi dùng thuốc nổ để bịt kín miệng giếng.
Trong khi một số người tin rằng, phát xít Đức thực sự cất giấu kho báu ở dưới giếng nằm dưới cung điện Hochberg thì một quan điểm khác hoài nghi về độ tin cậy của cuốn nhật ký do "Michaelis" viết.
Giới chuyên gia hy vọng những nghiên cứu, khảo sát tại cung điện Hochberg và khu vực xung quanh trong tương lai sẽ có thể giúp giải mã bí ẩn về số của cải mà phát xít Đức cất giấu. Ảnh trong bài mang tính minh họa.
Mời độc giả xem video: Câu chuyện ly kỳ về gia đình người lùn Do Thái thời phát xít Đức.
Tâm Anh (theo Live Science)