Bí ẩn tia chớp thắp sáng bầu trời phía đông Cuba

Tia chớp thắp sáng bầu trời phía đông Cuba do vệ tinh GOES-East ghi lại, được phân loại là một vụ sét đánh, tuy nhiên trong vùng không có dấu hiệu thời tiết bất thường.

Các nhà địa chấn học ở Cuba đã phỏng đoán cho rằng những ánh sáng bí ẩn chiếu sáng bầu trời đêm phía trên trạm địa chấn Moa, ở phía đông của đất nước là một thiên thạch.

Vào lúc 20h06’ ngày 20/3, trạm địa chấn đã ghi nhận 'một số hiện tượng phát sáng', trong khi cư dân trong vùng cũng báo cáo phát hiện một ánh sáng đỏ trắng sau đó là những tiếng nổ.

Giám đốc Cơ quan Địa chấn Quốc gia Cuba Enrique Arango Arias xác nhận với tờ CubaDebate, cơ quan này tin rằng sự kiện này là do một tảng đá không gian gây ra.

Hình ảnh quả cầu lửa được chia sẻ trên mạng xã hội. Ảnh: Alex/Twitter.

Hình ảnh quả cầu lửa được chia sẻ trên mạng xã hội. Ảnh: Alex/Twitter.

Phân tích kết quả của các cảm biến, các nhà địa chấn cho biết, đó không phải là một vụ nổ trên mặt đất, tuy nhiên thiết bị đã ghi lại một sóng xung kích. Đáng lưu ý, hiện tượng cũng được ghi nhận ở các thị trấn gần đó là Sagua de Tanamo và Maisi.

Một tweet của Elier Pila Farinas, chuyên gia Viện Khí tượng Cuba, giải thích rằng tia chớp sáng do vệ tinh GOES-East ghi lại ở phía đông Cuba được phân loại là một vụ sét đánh, mặc dù không có hoạt động thời tiết bất thường trong khu vực, bầu trời hoàn toàn không có mây.

Chớp sáng xuất hiện trên bầu trời phía đông Cuba, nguồn: Elier Pila Farinãs/Twitter.

Hilario Quintana Charlot, một nhân chứng ở thị trấn Jamaica gần đó, cho biết, anh nhìn thấy một quả cầu lửa “thắp sáng mọi thứ trong vài ba phút, sau đó là hai tiếng nổ".

Một nhân chứng khác, Luis Daniel Cano ở Santiago de Cuba, kể, anh thấy một tia sáng di chuyển nhanh trên bầu trời, tiếp theo là một tia chớp giống như một tia sét cực mạnh.

Chớp sáng được vệ tinh GOES-East ghi lại trong khu vực hoàn toàn không có mây. Nguồn: Elier Pila Farinãs/Twitter.

Cư dân địa phương đã công bố hình ảnh của hiện tượng trên mạng xã hội. Các cảnh quay của thiết bị vệ tinh cũng cho thấy sự lóe sáng giống như của một thiên thạch.

Cuba là một quốc đảo có diện tích 110.000 km2, bao quanh là nước, thiên thạch rơi là một hiện tượng hiếm gặp, chỉ có chưa đầy 10 vụ được ghi nhận trong hơn 80 năm qua.

Các nhà khoa học ước tính, Trái đất hứng khoảng 6.100 thiên thạch mỗi năm, bình quân khoảng 17 thiên thạch mỗi ngày. Phần lớn chúng không bị phát hiện, do rơi ở các khu vực không có người ở hoặc ở đại dương, và hầu hết đều cực kỳ nhỏ sau khi rơi xuống mặt đất.

Huy Anh/Sputnik

Nguồn BVPL: https://baovephapluat.vn/quoc-te/tin-tuc/bi-an-tia-chop-thap-sang-bau-troi-phia-dong-cuba-102992.html