Bí ẩn 'thung lũng chết' tại Kamchatka

Bán đảo Kamchatka ở Nga là xứ sở núi lửa có mùa đông tuyệt đẹp. Mỗi lần núi lửa phun trào, dòng dung nham nóng chảy bắn như pháo hoa, bung tỏa tia lửa rực rỡ. Nhưng, ngay dưới chân thiên đường hoàn mỹ này lại tồn tại một 'thung lũng chết'. Dù là động vật hay con người đến đây có nhiều khả năng không thể trở ra.

Cuối xuân, đầu hè, Geysers đầy cỏ xanh, thu hút động vật đến... tìm chết

Những xác chết bí ẩn

Kamchatka là một bán đảo dài, nằm ở miền Viễn Đông nước Nga, có diện tích 472.300 km². Nó nổi tiếng là “vùng đất lửa” với khoảng 160 ngọn núi lửa, trong đó có 29 núi lửa vẫn đang hoạt động.

Dù thường xuyên bị núi lửa đe dọa, Kamchatka vẫn là nơi an cư lập nghiệp của gần 350.000 cư dân Nga. Với họ, hệ thống núi lửa còn là tài nguyên du lịch quý giá. UNESCO đã công nhận 19 ngọn núi lửa ở đây là Di sản Thế giới. Sự vinh danh này không chỉ thu hút du khách, mà còn lôi kéo các nhà khoa học, địa chất khắp nơi tới thăm.

Vị trí thu hút nhất ở Kamchatka là Thung lũng Geysers. Đó là một thung lũng nhỏ nằm dưới chân ngọn núi lửa Kikhpinych, một trong những ngọn núi nhỏ nhất trong Kamchatka. Khi tiết trời ấm lên và tuyết bắt đầu tan, chim chóc và động vật ăn cỏ đổ về thung lũng Geysers uống nước.

Nhưng chưa kịp giải khát, tất cả chúng ngã xuống chết ngay lập tức. Nhóm động vật ăn thịt nhìn thấy vội vàng xông vào ăn, nhưng cũng cùng chung số phận. Khắp Geysers, đâu đâu cũng la liệt xác động vật chết, nhưng không có con nào chết vì thương tích hay bệnh tật. Khí hậu lạnh lẽo của Kamchatka ướp xác chúng một cách tự nhiên. Đây là một bí ẩn chưa có lời giải đáp.

 “Thung lũng Tử thần” Geysers

“Thung lũng Tử thần” Geysers

Khơi dậy sự hiếu kỳ

Geysers được phát hiện lần đầu tiên bởi nhà địa chất Tatyana Ustinova (Nga), vào năm 1941. Bề mặt Geysers đầy các lỗ phun trào, bắn lên những cột nước cao vài chục mét.

Năm 1975, Vladimir Leonov, nhà nghiên cứu núi lửa làm việc tại Viện Núi lửa và Địa chấn (Institute of Volcanology and Seismology - IVS) của Nga, đặt chân tới gần Geysers.

Ông đi bộ dọc theo con đường mòn sát thung lũng, cách khe núi khoảng 300m. Bên dưới lòng thung lũng ngập tuyết, Vladimir thấy có 5 con gấu lớn nằm chết gần nhau. Ông nghi ngờ có sự tử vong hàng loạt, lập tức gọi báo cho chính quyền.

Nghe điện báo, chính quyền liền cử một trực thăng quân sự chở một thiếu tá, hai phụ tá và một nhà sinh vật học đến. Họ nhanh chóng lấy mẫu khám nghiệm tử thi từ xác 5 con gấu rồi rời đi. Vladimir cũng tự mình làm một phân tích.

Mùa xuân năm sau (1976), ông công bố báo cáo trên trang Kamchatskaya Pravda, gọi Geysers là “Thung lũng Tử thần”. Lúc này, Vladimir chưa dám chắc chắn nguyên nhân dẫn đến cái chết của động vật. Ông viết: “Hình như thiên nhiên đã phát động một lời nguyền”.

Đến năm 1983, Viện nghiên cứu IVS đếm được tổng cộng 13 con gấu, 3 con sói, 9 con cáo, 86 con chuột, 19 con quạ, trên 40 con chim nhỏ, thỏ rừng và đại bàng nằm chết trong Geysers.

Cũng trong năm 1975, một nhà nghiên cứu khác ghé Geysers là Vitaly Nikolayenko. Trong báo cáo, ông cảm thấy đau phổi và chóng mặt, chỉ đỡ hơn khi rời xa thung lũng. Vitaly đếm được 20 xác cáo, 100 xác chim đa đa trắng và hàng chục xác quạ. Ông đoán chúng mất mạng vào khoảng cuối xuân, đầu hè, trong thời gian Geysers tan băng và cỏ đã lên xanh.

Ngay cả to khỏe như gấu cũng không tránh khỏi tử thần một khi đã vào Geysers

Vẫn nhiều bí ẩn

Qua kiểm tra, các nhà nghiên cứu phát hiện động vật ở Geysers chết trong tình trạng phổi ứ máu còn tim thì thiếu máu. Đó là các biểu hiện của sự chết ngạt.

Có rất nhiều loại khí độc hại trong môi trường núi lửa đang hoạt động, trong đó bao gồm 2 khí cực độc: Sulfur dioxide (SO2) và Hydrogen sulfide (H2S). Chúng gây ngạt cấp tính và ngộ độc nặng. Động vật càng nhỏ, thời gian tử vong càng ngắn.

Song, cả SO2 và H2S đều có mùi nồng nặc, rất dễ để nhận thấy. Cho dù là động vật vẫn có thể đánh hơi được sự nguy hiểm. Helen Robinson, nhà nghiên cứu địa nhiệt tại Đại học Glasgow (Scotland) nhận định, “tử thần” của Geysers phải là Carbon dioxide (CO2).

Khí CO2 không có mùi. Nó có mặt ở mọi nơi, đặc biệt dày trong các khu vực núi lửa. Khi tập trung ở mật độ cao, CO2 gây ngạt thở, tử vong tức thì. Vào năm 1986, trong vụ nổ khí CO2 tại hồ Nyos (Cameroon), 1.746 người và 3.500 gia súc đã bị giết chỉ trong vòng một đêm.

Để giải đáp bí ẩn này, nhà nghiên cứu Yuri Taran (Mexico) cũng tới Kamchatka. Qua kiểm tra các dòng khí của bán đảo, ông nhận thấy mùi SO2 ở đây khá mỏng. Thế nên Yuri cũng cho rằng, CO2 là “thần chết” tiềm năng nhất.

Nhiều nhà nghiên cứu núi lửa khác cũng đồng ý với phán đoán trên. Vốn dĩ, CO2 nặng hơn không khí. Khi bị hoạt động phun nhiệt giải phóng khỏi mặt đất, chúng lượn lờ dưới tầng thấp của thung lũng, gây chết gạt cho động vật.

Gạt các giả thuyết này sang một bên, Geysers còn gây nghi hoặc bởi một tin đồn khác: Chuyện tìm và đếm xác động vật là bịa đặt. Vì lo ngại khí độc, không ai dám liều lĩnh vào bên trong thung lũng.

Có nghi ngờ, chuyện thu thập và đếm xác động vật ở Geysers chỉ là giả

Mặc dù Geysers nằm trong phạm vi bảo tồn của IVS, các nhân viên cũng không được phép can thiệp vào sự sống chết của tự nhiên. Nhiều người cho rằng, việc tìm kiếm và thu nhặt xác chết động vật trong thung lũng chỉ là câu chuyện do cơ quan du lịch dựng lên, nhằm xoa dịu những du khách quan tâm. IVS cũng không phản bác hay đưa ra bằng chứng biện minh nào.

Trước khi qua đời, Vladimir Leonov từng kêu gọi giới khoa học hãy tiếp tục nghiên cứu và giải quyết các bí ẩn ở Geysers. Người đầu tiên đáp lại chính là con trai của ông, Leon Leonov. “Thung lũng Chết” tuy đáng sợ nhưng cũng đầy mê lực. Bí mật nào sẽ được khai mở trong nay mai?

Theo Vũ Thị Huế -Atlasobscura

Nguồn GD&TĐ: http://giaoducthoidai.vn/khoa-hoc/bi-an-thung-lung-chet-tai-kamchatka-4053876-b.html