Bí ẩn quanh tàu ngầm Mỹ gặp nạn

Xung quanh vụ tàu ngầm hạt nhân lớp Seawolf gặp tai nạn mới đây ở Biển Ðông, ngày càng có nhiều đồn đoán liên quan 'nhiệm vụ mật' của con tàu này trong khu vực khi Lầu Năm Góc đến nay không đưa ra bất kỳ thông tin chi tiết nào.

Tàu ngầm USS Connecticut.

Hồi đầu tháng 10, Hải quân Mỹ xác nhận tàu ngầm tấn công nhanh chạy bằng năng lượng hạt nhân USS Connecticut va chạm với vật thể không xác định khi hoạt động trong vùng biển quốc tế ở Ấn Ðộ Dương - Thái Bình Dương. Vụ việc khiến một số thủy thủ bị thương và gây thiệt hại hệ thống cảm biến ở thân tàu. Hiện USS Connecticut vẫn neo đậu tại căn cứ quân sự Mỹ ở Guam và dự kiến trở về Bremerton, Washington để sửa chữa.

Trong báo cáo sơ bộ, Hải quân Mỹ qua điều tra cho biết USS Connecticut va phải núi ngầm khi đang di chuyển. Hôm 5-11, tuyên bố của Hạm đội 7 xác nhận đã cách chức các chỉ huy USS Connecticut bao gồm Hạm trưởng Cameron Aljilani, Hạm phó Patrick Cashin và sĩ quan phụ trách hệ thống thủy âm Cory Rodgers “vì gây mất niềm tin sau sự cố nghiêm trọng”. Ngoài những thông tin này, hải quân chỉ nói rằng họ đang điều tra tiếp vụ việc mà không công bố thêm chi tiết nào.

Theo các chuyên gia quân sự, nhiều khả năng Lầu Năm Góc sẽ không tiết lộ gì về bản chất nhiệm vụ của USS Connecticut trước khi gặp sự cố. Dù vậy, nhiều người lờ mờ đoán một trong những tàu ngầm phức tạp và được xếp vào hàng vũ khí tối mật của Mỹ hoặc đã tiến hành các hoạt động giám sát chiến lược hoặc thu thập thông tin tình báo.

Ðây không phải lần đầu tiên “lực lượng thầm lặng” của Mỹ tiến hành nhiệm vụ mạo hiểm như vậy. Năm 2013, thủy thủ đoàn trên tàu ngầm USS Jimmy Carter đã nhận bằng khen Presidential Unit Citation sau khi hoàn thành một hoạt động bí mật ở Biển Ðông. Vì đó là phần thưởng cao quý nhất mà một đơn vị quân đội Mỹ có thể nhận được, nhiều người dựa trên manh mối này cho rằng USS Jimmy Carter chắc chắn đã thực hiện “nhiệm vụ cực kỳ khó khăn và nguy hiểm”.

Trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh, Hải quân Mỹ đã dựa vào hạm đội tàu ngầm thực hiện nhiều nhiệm vụ ở tuyến đầu chống lại Liên Xô. Dù chức năng hiện nay không liên quan nhiều đến chiến đấu, nhưng sứ mệnh của các đơn vị tàu ngầm ngày càng trở nên quan trọng trong thời đại cạnh tranh mới với những cường quốc đối thủ. Ðặc biệt trong bối cảnh Trung Quốc cho xây dựng mạng lưới quan sát ngầm được mệnh danh “Vạn lý Trường thành” ở Biển Ðông và Biển Hoa Ðông, Mỹ và các đồng minh càng muốn theo dõi, thu thập thông tin tình báo trong cạnh tranh với Bắc Kinh.

Hiện tại, đội tàu ngầm Hải quân Mỹ có 68 chiếc thuộc 3 loại chính là tàu ngầm tên lửa đạn đạo, tên lửa hành trình và tàu ngầm tấn công nhanh. Tất cả đều chạy bằng năng lượng hạt nhân và chia thành 4 lớp gồm Los Angeles, Seawolf, Virginia và Ohio. Trong đó, tàu ngầm lớp Ohio mang tên lửa đạn đạo là một trong những hệ thống quan trọng thuộc bộ 3 vũ khí răn đe hạt nhân. Hiện Mỹ có 14 tàu ngầm lớp Ohio có thể phóng 24 tên lửa đạn đạo trang bị đầu đạn hạt nhân Trident và 4 chiếc khác đã chuyển đổi thành tàu ngầm mang tên lửa hành trình Tomahawk, có nhiệm vụ thực hiện các cuộc tấn công thông thường vào mục tiêu trên đất liền. Bốn tàu ngầm này còn có thể mang theo ụ tàu hỗ trợ lực lượng đặc biệt SEAL. Còn lại 50 tàu ngầm tấn công nhanh thuộc các lớp Los Angeles, Seawolf và Virginia chủ yếu chịu trách nhiệm theo dõi các tàu của đối phương, nhưng chúng cũng có thể triển khai cho hoạt động trinh sát chiến lược và các nhiệm vụ đa năng khác.

MAI QUYÊN (Theo Business Insider)

Nguồn Cần Thơ: https://baocantho.com.vn/bi-an-quanh-tau-ngam-my-gap-nan-a140233.html