Bí ẩn quanh những bệnh nhân COVID-19 chữa mãi không khỏi

Mặc đồ bảo hộ kín mít, đeo 2 khẩu trang và 1 tấm che mặt, chị Du Mingjun gõ cánh cửa gỗ gụ của một căn hộ ở quận ngoại ô Vũ Hán vào một buổi sáng gần đây.

Các nhân viên y tế vẫy tay chào một bệnh nhân được ra viện ngày 1/3, sau khi điều trị tại bệnh viện Lôi Thần Sơn ở Vũ Hán. (Ảnh: China Daily)

Các nhân viên y tế vẫy tay chào một bệnh nhân được ra viện ngày 1/3, sau khi điều trị tại bệnh viện Lôi Thần Sơn ở Vũ Hán. (Ảnh: China Daily)

Một người đàn ông đeo khẩu trang ra mở hé cửa. Sau khi Du tự giới thiệu là người tư vấn tâm lý, người đàn ông bật khóc.

“Tôi không chịu nổi nữa”, người đàn ông nói. Người đàn ông độ tuổi 50 này được chẩn đoán nhiễm virus corona từ đầu tháng 2 và đã điều trị tại 2 bệnh viện trước khi được chuyển về một trung tâm cách ly được lập nên ngay tại các tòa trung cư biến thành ổ dịch ở ngoại ô Vũ Hán.

Câu hỏi mà ông luôn nêu ra là vì sao các xét nghiệm vẫn cho thấy ông có virus sau hơn 2 tháng điều trị.

Đáp án cho câu hỏi đó vẫn là điều bí ẩn đối với các bác sĩ ở tuyến đầu của cuộc chiến chống COVID-19 ở Trung Quốc, cho dù họ đã thành công trong việc làm chậm sự lây lan của virus trên cả nước.

Các bác sĩ ở Vũ Hán nói rằng ngày càng có nhiều ca bệnh đã phục hồi nhưng sau đó vẫn dương tính với virus dù không có triệu chứng gì. Hiện tượng này là một trong những thách thức lớn nhất khi Trung Quốc bước sang giai đoạn mới của cuộc chiến chống dịch bệnh.

Những bệnh nhân đó đều đã âm tính với virus tại một số thời điểm sau khi bình phục, nhưng sau đó lại dương tính. Có người đã trải qua tình trạng này suốt 70 ngày.

Những người cứ mãi dương tính với virus nghĩa là họ vẫn có khả năng lây bệnh cho người khác. Đây là mối lo ngại của nhiều quốc gia khi các chính phủ đang muốn dỡ bỏ phong tỏa vì dịch bệnh lây chậm lại.

Cho đến nay chưa có xác nhận nào về tình trạng bệnh nhân tái dương tính lây virus cho người khác, giới chức y tế Trung Quốc cho biết.

Trung Quốc không công bố số liệu chính xác có bao nhiêu bệnh nhân gặp phải tình trạng này. Nhưng Reuters dẫn thông tin từ một số bệnh viện và các nguồn khác trên báo chí Trung Quốc cho biết ít nhất có vài chục người như vậy.

Tại Hàn Quốc, khoảng 1.000 người vẫn dương tính sau 4 tuần hoặc hơn. Tại Italy, quốc gia đầu tiên bị COVID-19 tàn phá, giới chức y tế cho biết các bệnh nhân có thể dương tính trong khoảng 1 tháng.

Hiện chỉ có thông tin hạn chế về khả năng truyền bệnh của những người này. Các bác sĩ ở Vũ Hán tiếp tục cách ly họ trong thời gian dài hơn bình thường.

Zhang Dingyu, giám đốc bệnh viện Kim Ngân Đàm, nơi điều trị cho những ca mắc COVID-19 nghiêm trọng nhất, nói rằng các bác sĩ thừa nhận cách ly lâu như vậy có thể là thừa, đặc biệt nếu bệnh nhân không truyền bệnh cho người khác. Nhưng trong tình hình hiện nay, tốt hơn là tiếp tục cách ly họ để bảo vệ cộng đồng.

Ông gọi tình trạng này là một trong những vấn đề cấp thiết nhất mà bệnh viện phải xử lý, và những người tư vấn tâm lý như chị Du đang được huy động để giúp bệnh nhân bớt căng thẳng tâm lý.

“Khi bệnh nhân chịu áp lực này cũng tạo sức ép lên xã hội”, ông nói.

Những bệnh nhân lâu dài ở Vũ Hán cho thấy còn rất nhiều điều con người chưa khám phá hết về COVID-19 và vì sao nó có vẻ ảnh hưởng đến con người theo nhiều cách khác nhau như vậy, các bác sĩ Trung Quốc cho biết.

Tính đến ngày 21/4, có 93% trong tổng số 82.788 người mắc COVID-19 ở Trung Quốc đã bình phục và được ra viện, theo số liệu công bố chính thức.

Yuan Yufeng, phó giám đốc Bệnh viện Zhongnan ở Vũ Hán, nói với Reuters rằng ông biết một trường hợp dương tính với virus 70 ngày sau khi xuất viện.

“Chúng tôi chưa từng thấy điều gì như thế này kể từ khi xảy ra SARS”, ông nói.

Các bệnh nhân ở Trung Quốc được xuất viện sau khi có 2 lần xét nghiệm nucleic âm tính, cách nhau ít nhất 24 giờ đồng hồ và họ không còn triệu chứng gì nữa. Một số bác sĩ cho rằng cần nâng tiêu chuẩn lên 3 lần xét nghiệm hoặc hơn.

“Virus corona này là chủng mới. Những điều chưa biết về nó nhiều hơn những điều đã biết”, Guo Yanhong, một quan chức của Ủy ban Y tế quốc gia Trung Quốc, nói trong cuộc họp báo gần đây.

Một số người cho rằng bệnh nhân tái dương tính sau nhiều lần âm tính có thể do họ nhiễm lại. Nếu đúng, điều này sẽ làm mất hy vọng những người từng mắc COVID-19 có khả năng tạo ra kháng thể để ngăn họ tái mắc bệnh.

Zhao Yan, một bác sĩ khoa cấp cứu tại Bệnh viện Zhongnam, nói rằng ông nghi ngờ khả năng tái mắc bệnh, dựa trên các ca bệnh trong khoa của ông, nhưng ông không có bằng chứng chắc chắn.

“Họ được theo dõi chặt chẽ và họ hiểu nguy cơ, nên họ chấp hành cách ly. Tôi chắc là họ không tái nhiễm”, ông nói.

Ông Jeong Eun-kyeong, giám đốc Trung tâm ngăn ngừa và kiểm soát dịch bệnh Hàn Quốc, cho rằng virus có thể “tái kích hoạt” trong 91 bệnh nhân Hàn Quốc, những người tái đương tính sau khi được đánh giá là hết bệnh.

Có tất ít thông tin về những người này, như họ có bệnh nền hay không.

GS Paul Hunter, công tác tại Trường Y Norwich thuộc ĐH East Anglia, nói rằng tình trạng tái nhiễm từng xảy ra với những virus khác, như cúm, ở những bệnh nhân có hệ miễn dịch yếu.

Năm 2015, giới chức Hàn Quốc tiết lộ rằng có một bệnh nhân bị ung thư hạch mắc Hội chứng hô hấp Trung Đông trong suốt 116 ngày. Hệ miễn dịch bị tổn thương của người này khiến cơ thể không thể thoát khỏi virus. Cuối cùng, bệnh nhân chết vì ung thư hạch.

Yuan nói rằng ngay cả khi các bệnh nhân có kháng thể thì cũng không thể bảo đảm họ sẽ miễn nhiễm virus. Ông cho biết một số bệnh nhân có mức độ kháng thể cao, nhưng vẫn có kết quả dương tính trong các lần xét nghiệm axit nucleic.

Gánh nặng tinh thần

Ở Vũ Hán, virus corona đang tạo gánh nặng tinh thần cho những người mãi không thoát khỏi chu kỳ dương tính dường như vô tận.

Chị Du lập một đường dây nóng về tư vấn tâm lý khi dịch COVID-19 bắt đầu xảy ra ở Vũ Hán.

Một người đàn ông mà chị đang tư vấn đã điều trị tại 3 bệnh viện ở Vũ Hán trước khi trở về căn hộ của mình để tự cách ly. Ông đã được xét nghiệm 10 lần kể từ tuần thứ 3 của tháng 2. Ông cho biết thỉnh thoảng ông có kết quả âm tính, nhưng phần lớn là dương tính.

Trường hợp mà Du cảm thấy khó nhất là người đàn ông sống trong căn hộ có cánh cửa gỗ gụ. Ông từng nói với các nhân viên y tế rằng ông muốn tự vẫn.

“Tôi không thể suy nghĩ thông suốt nữa”, ông nói với Du. Ông kể rằng cháu trai ông bảo đang rất nhớ ông vì đã xa cách quá lâu. Và ông lo rằng tình trạng sức khỏe của mình khiến ông không bao giờ gặp lại cháu nội nữa.

“Vì sao điều này xảy ra với tôi chứ?” ông vừa nói vừa khóc khi gặp chị Du.

Bình Giang

Theo Reuters

Nguồn Tiền Phong: https://www.tienphong.vn/the-gioi/bi-an-quanh-nhung-benh-nhan-covid19-chua-mai-khong-khoi-1646453.tpo