Bí ẩn Quái vật 21 mặt: Kỳ cuối: Biến mất như 'bóng ma'

Sau cái chết của một viên Cảnh sát trưởng, 'Quái vật 21 mặt' bất ngờ tuyên bố dừng lại mọi hoạt động khủng bố.

Mặc dù bị truy lùng gắt gao, "quái vật 21 mặt" vẫn biến mất một cách bí ẩn.

Tóm tắt kỳ 1: "Quái vật 21 mặt" là một người, hoặc một nhóm người bí ẩn chuyên khủng bố các công ty bánh kẹo Nhật Bản bằng cách dọa tiêm thuốc độc vào sản phẩm. Với hành tung bí ẩn, "Quái vật 21 mặt" liên tục “dắt mũi” cảnh sát và biến họ thành trò cười cho giới truyền thông. Sau khi gieo rắc cơn ác mộng đối với công chúng, nhóm này yêu cầu 50 triệu yen để rút lui. Tại nơi giao tiền, cảnh sát phát hiện người đàn ông có đôi mắt nhỏ giống như mắt cáo có nhiều khả nghi. Tuy nhiên, nhân vật này đã biến mất ngay tại con đường mòn.

Sau khi khoản tiền thương lượng nói trên không được giao, Quái vật 21 mặt tiếp tục gửi những bức thư đe dọa tới các nạn nhân của mình và “người mắt cáo” trở thành đối tượng bị truy nã gắt gao nhất Nhật Bản. Những tưởng rằng cảnh sát sẽ mất dấu hoàn toàn nghi phạm này thì một cuộc rượt đuổi khác lại diễn ra vào tháng 11/1984.

Những kẻ khủng bố một lần nữa yêu cầu một khoản tiền khác để đổi lấy việc giải nghệ, lần này là con số 100 triệu yen. Số tiền phải được đặt vào trong một chiếc bình đánh dấu vải trắng tại một điểm dừng chân dọc theo đường cao tốc Meishin. Đội hành động lập tức được thiết lập với lực lượng cảnh sát đến từ 6 tỉnh. Tất cả sẽ phối hợp để chắc chắn không làm mất dấu những tên tội phạm một lần nữa.

Các điều tra viên tiếp cận địa điểm giao tiền và tìm thấy tấm vải trắng, nhưng không có chiếc bình nào ở đó. Cảnh sát nghi ngờ Quái vật 21 mặt chỉ muốn đùa giỡn hoặc thử phản ứng của họ. Do đó, chiến dịch tuyên bố dừng lại.

Tuy nhiên, theo một báo cáo khác cho biết, khoảng một tiếng đồng hồ trước đó chiếc xe tuần tra từ cục cảnh sát tỉnh Shiga phát hiện một chiếc xe hơi đáng ngờ đỗ gần nơi có tấm vải trắng. Khi đến gần, viên cảnh sát tuần tra thoáng thấy một người giống với mô tả của “người mắt cáo” đang cầm bộ đàm và tai nghe trước khi nhân vật này phóng đi.

Đây có thể là sự cố khiến cho chiến dịch vây hãm “người mắt cáo” thất bại. Chiếc xe sau đó phát hiện là xe đánh cắp và được tìm thấy gần một nhà ga cùng với máy thu phát radio. Nghi phạm có thể đã nghe toàn bộ các thông tin trong hệ thống liên lạc nội bộ của cảnh sát.

Tháng 12/1984, trong bối cảnh các hoạt động truy bắt của cảnh sát đi vào bế tắc, Quái vật 21 mặt hiên ngang mở rộng chiến dịch quấy rối và bắt đầu đe dọa đầu độc các sản phẩm phổ biến của công ty bánh kẹo Fujiya. Vẫn không có bất kỳ manh mối hay nghi phạm nào bị bắt giữ.

Cảnh sát phát hành một bản nhận dạng hình ảnh của “người mắt cáo” nhằm nhờ cậy thông tin từ người dân. Nhưng sau một thời gian dài, không có thông tin nào được gửi về.

Hình ảnh phác họa "người mắt cáo".

Tuy nhiên, đây là khoảng thời gian mà một số nghi vấn tiềm năng bắt đầu hiện ra. Cảnh sát Tokyo bắt giữ một người đàn ông tên là Miyazaki Manubu, người dính líu trong nhiều bê bối của công ty bánh kẹo Glico.

Miyazaki bị nghi ngờ do một cuốn băng ghi âm của nhân vật này có cách diễn đạt rất giống với các câu chữ bí ẩn mà Quái vật 21 mặt từng dùng trêu đùa cảnh sát. Bên cạnh đó, Miyazaki có những điểm tương đồng với “người mắt cáo” và cha của nhân vật này là một Yakuza (mafia Nhật Bản) ở địa phương.

Nghi vấn được đăng tải rộng rãi trên truyền thông, nhưng cảnh sát sau đó buộc phải thả người do không có bằng chứng xác thực. Ẩn số về kẻ chủ mưu khủng bố các công ty bánh kẹo lớn trên nước Nhật tiếp tục không thể giải mã.

Vụ việc khi đó trở thành quả bom tấn truyền thông, thu hút nhiều sự chú ý từ cả các hãng tin quốc tế. Người dân Nhật Bản trở nên bất an khi một xã hội vốn được coi là an toàn tuyệt đối giờ đây sống trong nỗi lo sợ với những tên tội phạm như những “bóng ma” lởn vởn.

Làn sóng chỉ trích dữ dội đổ dồn vào hoạt động thiếu hiệu quả của cảnh sát và dẫn đến một sự “tức nước vỡ bờ”. Vào tháng 8/1985, sau hơn một năm vụ án không có tiến triển và “người mắt cáo” tiếp tục là một dấu hỏi bí ẩn, Giám đốc cảnh sát tỉnh Shiga là Yamamoto đã giã từ cuộc đời bằng cách tự thiêu. Đó là một tin tức giật gân thời điểm đó trên khắp các mặt báo. Năm ngày sau vụ tự tử, Quái vật 21 mặt gửi một bức thư đến sở cảnh sát.

“...Yamamoto đã chết như một người đàn ông. Vì vậy, chúng tôi gửi lời chia buồn và quyết định từ bỏ việc tra tấn các công ty thực phẩm. Nếu có bất cứ ai tống tiền công ty thực phẩm sau này thì đó không phải là chúng tôi mà chỉ là kẻ bắt chước. Chúng tôi là những kẻ xấu, điều đó có nghĩa là chúng tôi có nhiều việc phải làm hơn là bắt nạt các công ty. Sống cuộc sống của kẻ xấu rất thú vị - Quái vật 21 mặt".

Đó là bức thư cuối cùng mà Quái vật 21 mặt gửi đến trước khi biến mất như chưa hề tồn tại. Vụ án khép lại và được nhớ đến như một sự việc gây lao tâm khổ tứ nhất trong lịch sử phá án của Nhật Bản hiện đại. Suốt 17 tháng điều tra, hơn một triệu nhân lực đã được huy động và 12.000 nghi phạm bị đưa vào tầm ngắm.

Có nhiều thuyết âm mưu được đặt ra về nhân vật và tổ chức đứng đằng sau Quái vật 21 mặt. Một số cho rằng các nhóm Yakuza Nhật Bản như Yamaguchi-gumi và Ichiwa-kai hoặc có thể là hoạt động của các nhóm cực đoan cánh tả hoặc cánh hữu, hay là âm mưu từ các nhà đầu tư vô đạo đức muốn phá giá cổ phiếu của các công ty thực phẩm Nhật Bản.

Một số lập luận đi xa hơn cho rằng đó là các điệp viên bí mật nước ngoài cố gắng phá hoại nền kinh tế Nhật Bản hay tổ chức bí mật Illuminati có tầm hoạt động khắp thế giới.

Sau 30 năm, câu chuyện về Quái vật 21 mặt gần như trở thành một “huyền thoại hắc ám” tại Nhật Bản và “người mắt cáo” tiếp tục sống trong trí tưởng tượng của công chúng như một nhân vật bí ẩn nhất. Và câu hỏi lớn nhất vẫn là: Nếu không phải vì tiền thì mục tiêu của chúng là gì?

Nguồn Người Đưa Tin: http://www.nguoiduatin.vn/bi-an-quai-vat-21-mat-ky-cuoi-bien-mat-nhu-bong-ma--a347697.html