Bí ẩn Quái vật 21 mặt: Kỳ 1: Vụ án kỳ lạ nhất lịch sử hiện đại Nhật Bản

Quái vật 21 mặt đã từng khuynh đảo giới chức cảnh sát Nhật Bản một thời vì những âm mưu khôn lường cùng hành tung bí hiểm.

Ảnh minh họa về “Người mắt cáo”.

Ảnh minh họa về “Người mắt cáo”.

Bất cứ tội ác nào cũng đến lúc bị trừng phạt, nhưng có những siêu tội phạm mà mãi đến sau này hành tung của chúng vẫn còn nằm trong vòng bí ẩn. Một trong những vụ án xảy ra vào những năm 1980 đã khiến cảnh sát Nhật Bản huy động lực lượng quy mô lớn nhất trong suốt 17 tháng mà cuối cùng không đi đến một kết quả khả quan.

Sự kiện chấn động này đã xóa tan những quan điểm cho rằng Nhật Bản là một nơi tuyệt đối an toàn. Đây là câu chuyện nổi tiếng về Quái vật 21 mặt, một tổ chức dẫn đầu bởi một nhân vật bí ẩn đã khiến cảnh sát lao tâm khổ tứ trong suốt hơn 30 năm qua và trở thành một trong những vụ án chưa giải quyết kỳ lạ nhất trong lịch sử Nhật Bản.

Kế hoạch khủng bố bắt đầu lúc 9h tối ngày 18/3/1984, hai kẻ đeo mặt nạ mang súng đột nhập vào nhà của Katsuhisa Ezaki, Giám đốc điều hành của công ty bánh kẹo Glico và đòi tiền chuộc 1 tỷ yen cùng với 100kg vàng. Không may cho kẻ bắt cóc, ba ngày sau đó khi số tiền chuộc chuẩn bị được giao thì Ezaki đã trốn thoát.

Vụ bắt cóc bao phủ hàng loạt bản tin vào thời điểm đó, một phần do nạn nhân là người khá có tiếng và một phần khác là do thực tế khi ấy một vụ đột nhập bắt cóc như vậy là điều gần như không bao giờ xảy ra ở Nhật Bản. Không ít người cảm thấy sốc và lo sợ trước thông tin mà họ nghe thấy. Về phần cảnh sát, không có chủ mưu, không có manh mối, không có nghi phạm, không có động cơ rõ ràng ngoài tiền bạc và họ cũng không biết kẻ nào đứng sau tội ác này.

Một vài tuần sau, vào ngày 10/4/1984, nhiều xe ô tô trong trụ sở Glico bốc cháy bí ẩn, gây thiệt hại nặng nề cho khu vực xung quanh. Một tháng sau đó, vào ngày 10/5/1984, một bức thư đe dọa dán vào một chai axit hydrochloric ký tên Quái vật 21 mặt (kẻ phản diện trong tiểu thuyết trinh thám nổi tiếng của Edogawa Rampo) được tìm thấy. Bức thư khẳng định chúng đã tiêm chất độc xyanua vào các loại kẹo của Glico được bày bán trên rất nhiều cửa hàng trên cả nước.

Cảnh sát mở rộng điều tra kẻ đứng đằng sau lá thư nặc danh nhưng mọi manh mối đều đi vào bế tắc. Thêm vào đó, không ai hiểu rằng vì sao nhóm này lại có thù hằn với công ty kẹo Glico như vậy. Cảnh sát chỉ thu giữ được đoạn video cho thấy có một người lạ mặt đang để kẹo tẩm độc lên các kệ hàng. Quái vật 21 mặt được cho là cố tình để camera ghi lại cảnh này như một cách giễu cợt cảnh sát và khiến dân chúng thêm hoảng loạn. Tổ chức này còn gửi các bức thư nặc danh để chế nhạo lực lượng an ninh và giới truyền thông.

Hình ảnh nghi phạm đang đưa những gói kẹo tẩm độc lên kệ.

Trong một bức thư gọi cảnh sát là “lũ ngốc”, Quái vật 21 mặt kiêu ngạo đến mức tự cung cấp manh mối về chúng cho cảnh sát. Nhưng rốt cuộc cảnh sát vẫn bị biến làm trò cười khi khổ công thu thập về toàn những manh mối trêu chọc và châm biếm chính họ.

Mọi chuyện bất ngờ kết thúc một cách chóng vánh vào ngày 26/6 cùng năm khi Quái vật 21 mặt tuyên bố đơn giản: “Chúng tôi tha thứ cho Glico!”. Không có bất kỳ lý do gì được đưa ra về việc tại sao công ty này được bọn chúng bỏ qua hay nguyên nhân của vụ khủng bố khó hiểu lúc ban đầu là gì. Tuy nhiên, điều này sẽ chỉ đánh dấu sự kết thúc đối với Glico, nhưng không phải chấm dứt cơn ác mộng đối với người khác. Chúng bắt đầu chuyển sang mục tiêu các công ty bánh kẹo Morinaga, Marudai Ham và House Food. Tất cả đều là những thương hiệu có tiếng ở Nhật Bản.

Một bức thư nặc danh tuyên bố 21 gói kẹo của Morinaga đã được tiêm chất độc xyanua. Cảnh sát sau đó đã thu giữ kịp thời các gói kẹo trước khi có bất kỳ ai tiêu thụ. Các xét nghiệm cho thấy Quái vật 21 mặt thực sự đã phủ độc những gói kẹo này. Điều kỳ lạ ở chỗ chúng dán một cảnh báo bên ngoài là “Nguy hiểm: Chứa độc tố” giống như việc trao cơ hội cho nạn nhân tránh khỏi cái chết. Dẫu vậy, vụ việc đã gây ra bầu không khí sợ hãi và Morinaga bị tổn thất tài chính nặng nề.

Một thời gian sau, Quái vật 21 mặt tuyên bố chúng sẽ chấm dứt hoạt động nếu nhận được khoản tiền 50 triệu yen. Theo yêu cầu của chúng, số tiền này phải được ném xuống từ một con tàu chạy qua thành phố Kyoto tại điểm được đánh dấu bằng một lá cờ trắng. Một cảnh sát chìm được giao nhiệm vụ thực hiện việc chuyển tiền trong một nỗ lực có thể nắm bắt được chút manh mối về nghi phạm. Trong lúc thực hiện nhiệm vụ, viên sĩ quan cảnh sát đặc biệt chú ý đến một người đàn ông bí ẩn có dáng người vạm vỡ, tóc ngắn, xoăn với đôi mắt được mô tả giống như mắt cáo. “Người mắt cáo” sau đó được xác định là kẻ bị tình nghi số một.

Không chiếc cờ trắng nào dọc theo tuyến đường mà con tàu đi qua. Khi đến nhà ga Kyoto, viên cảnh sát quyết định đi theo người đàn ông khả nghi có đôi mắt cáo. Tuy nhiên nhân vật này đã biến mất ở cuối con đường mòn. Cảnh sát mô tả “người mắt cáo” khi đó biến mất như tan vào không khí...

(Còn nữa)

Mạnh Kiên

Nguồn Người Đưa Tin: http://www.nguoiduatin.vn/bi-an-quai-vat-21-mat-vu-an-ky-la-nhat-lich-su-hien-dai-nhat-ban-a346420.html