Bí ẩn, ngộ nghĩnh 'Làng bích họa Tam Thanh'

Tấm bảng chỉ đường vào Tam Thanh (thành phố Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam) đặt ngay tại ngã tư chợ xã và Đồn Biên phòng Tam Thanh, được khắc lên đá hẳn hoi, cả tiếng Việt lẫn tiếng Hàn là: 'Làng bích họa Tam Thanh'. Đây là cách gọi theo đúng kiểu 'Làng cổ Đường Lâm' ở Sơn Tây (Hà Nội) ngày trước, nhằm tuyên truyền cho du khách trong và ngoài nước dễ tìm.

Tấm bảng chỉ đường vào “Làng bích họa Tam Thanh” đặt ngay bên ngoài cửa Đồn Biên phòng Tam Thanh.

Tấm bảng chỉ đường vào “Làng bích họa Tam Thanh” đặt ngay bên ngoài cửa Đồn Biên phòng Tam Thanh.

NDĐT - Tấm bảng chỉ đường vào Tam Thanh (thành phố Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam) đặt ngay tại ngã tư chợ xã và Đồn Biên phòng Tam Thanh, được khắc lên đá hẳn hoi, cả tiếng Việt lẫn tiếng Hàn là: “Làng bích họa Tam Thanh”. Đây là cách gọi theo đúng kiểu “Làng cổ Đường Lâm” ở Sơn Tây (Hà Nội) ngày trước, nhằm tuyên truyền cho du khách trong và ngoài nước dễ tìm.

Nhưng thực ra, chỉ có xã Đường Lâm vào thời điểm hiện tại, chứ lâu rồi không có làng nào trong xã này mang tên Đường Lâm cả. Và cái tên “Làng Tam Thanh” cũng không dùng để chỉ ngôi làng cụ thể, mà là tên của một xã gồm bốn thôn: Hòa Thượng, Hòa Trung, Hòa Hạ, và Tỉnh Thủy.

Xã Tam Thanh là một dải gò đất kéo dài khoảng 8km, chiều ngang rộng không quá 2km. Mặt trước cả xã hướng ra biển, mặt sau lưng tựa vào một con sông có cái tên rất thơ là sông Trường Giang (sông này dài hơn 70km, là trục nối hạ lưu hệ thống của các sông Vu Gia, Thu Bồn, Tam Kỳ, An Tân).

Chuyện cả xã được chuyển thành… “làng bích họa” bắt đầu từ một dự án vẽ bích họa chủ yếu do các họa sĩ Hàn Quốc tham gia với cái tên “Art for a better community - Nghệ thuật vì một cộng đồng tốt đẹp hơn” (từ năm 2016) với mục đích kích thích du lịch, phát triển kinh tế - văn hóa cho một xã nghèo nhưng có nhiều tiềm năng. Đây là xã trực thuộc trong 13 phường, xã của thành phố Tam Kỳ (thủ phủ của tỉnh Quảng Nam) duy nhất và trực tiếp “hướng mặt” ra biển. Đến nay, số hộ dân toàn xã là 1.623 hộ, 6.067 khẩu. Nhưng trong lịch sử hai cuộc kháng chiến, xã Tam Thanh có hơn 800 liệt sĩ nhưng mới thu thập được trong nghĩa trang xã 323 ngôi mộ liệt sĩ…

Sang năm 2017, dự án “làng bích họa” chính thức tổ chức các Trại vẽ tranh tường - bích họa hằng năm, mời các họa sĩ - kiến trúc sư chuyên nghiệp phía bắc tham gia. Năm 2018, Trại thu hút các họa sĩ Hàn Quốc bắt tay vẽ chung với các họa sĩ Việt Nam. Năm 2019, Tam Thanh tiếp tục thu hút đông đảo nghệ sĩ từ phía bắc. Trại sáng tác trong năm 2020, được dự tính tổ chức vào tháng ba, (nhưng do chống dịch Covid-19 nên phải lùi lại, không tổ chức khai mạc, bế mạc sáng tác). Và Trại sáng tác Tam Thanh 2020 (viết tắt là Trại 2020) khởi động từ 23-5 và sẽ kết thúc vào 3-6.

Họa sĩ Vũ Đức Hiếu (Giám đốc Bảo tàng Không gian văn hóa Mường tại Hòa Bình) vẫn là “nghệ sĩ curator” (tổ chức, xây dựng ý tưởng và huy động thực hiện) của cả ba lần, các năm 2017, 2019, 2020. Năm nay, anh đã kêu gọi được 17 nghệ sĩ khác từ phía bắc và Huế. Họ đến từ quê hương khác nhau, độ tuổi cũng khác nhau, vị trí chuyên nghiệp hiện tại khác nhau, nhưng đều học qua mỹ thuật, và cùng điểm chung là yêu thích sáng tạo bích họa một cách vô tư dưới cái nắng… gắt gằn gặt của biển miền trung.

Ba lão họa sĩ thế hệ 5x là họa sĩ - Nhà nghiên cứu bảo tồn văn hóa Chăm-pa Nguyễn Thượng Hỷ (sinh năm 1955, đến từ Đà Nẵng). Họa sĩ - Nhà nghiên cứu lịch sử văn hóa qua nghệ thuật tạo hình Phan Cẩm Thượng (sinh năm 1957, đến từ Hà Nội) và họa sĩ Phan Xung (sinh năm 1956, đến từ Huế).

Các họa sĩ còn lại trải dài từ 6x đến 8x, là: Lê Đình Nguyên, Trần Thị Thu, Vũ Thăng, Nguyễn Minh Phước, Nguyễn Thùy Vân, Nguyễn Long, Trịnh Vũ Hiếu, Đặng Thái Bình, Lê Huy, Trần Minh Dương, Hà Tuấn Minh, Đài Trang, Thảo Nguyên…

Phối hợp tích cực với nhóm họa sĩ phía bắc, đầu tiên từ công việc tổ chức, là UBND thành phố Tam Kỳ đầu tư toàn bộ kinh phí ăn ở và nguyên liệu, vật liệu tạo hình. Ngoài ra, các đồng chí lãnh đạo tại UBND xã Tam Thanh cùng phối hợp với 26 giáo viên mỹ thuật địa phương trực tiếp tham gia. Đồn Biên phòng Tam Thanh cử sáu đồng chí; dân quân xã cử chín đồng chí, lực lượng nhân công phục vụ là 20 thanh niên thường xuyên thường trực. Tất cả đều hết sức hỗ trợ công việc bê vác nguyên vật liệu, vẽ tường, vẽ ghe (thuyền) thúng tròn, thuyền thúng méo. Rồi vận chuyển đúng 100 chiếc thuyền thúng vẽ xong ra trưng bày ở rừng dương bờ biển thôn Hòa Trung. Còn 15 bức tường nhà khổ lớn dọc hai thôn Hòa Thượng, Hòa Trung được nhóm nghệ sĩ miền bắc đặt dàn giáo, thi công liên tục dưới nắng gắt.

Ngoài ra, còn có ba tác phẩm điêu khắc sắt hàn khổ lớn cũng được ba tác giả phía bắc cùng những thợ sắt giỏi của Tam Thanh nỗ lực chế tác trong 10 ngày tại trụ sở ủy ban xã cũ, nay trở thành xưởng tạo hình.

Nếu du hành qua “làng bích họa Tam Thanh” thời điểm này và cả về sau, thì du khách sẽ vô cùng thích thú và ngạc nhiên trước một “bảo tàng sống động” với các tác phẩm đa phong cách lần lượt trải dài trên thẻo gò đất kéo dài 8km, rộng không quá 2km này. Đó là tranh trên tường, tranh trên ghe (thuyền) thúng tròn, thúng méo và một số tác phẩm điêu khắc, sắp đặt.

Nhóm họa sĩ Hàn Quốc tác nghiệp trong hai Trại 2016 và 2018 duy trì những bức tranh tường nhỏ với phong cách cực thực, trực tiếp vẽ chân dung con người, sinh vật cụ thể sống động tương tác, đầy đủ tính chất ngộ nghĩnh mơ màng.

Sáng tác của các giảng viên mỹ thuật tại các trường tiểu học, THCS của địa phương thì để lại phong cách cổ động giản dị. Hoặc phóng ảnh thực thành tranh, để kể về đời sống hằng ngày của con người nơi đây. Hoặc những hình nền trang trí vui tươi, dễ cảm nhận.

Còn phong cách chung của các họa sĩ miền bắc lại nghiêng về tính biểu hiện - trừu tượng, ngả về bí ẩn một chút. Trong thời gian của Trại 2020, ngoài việc phối hợp tích cực trước những bức bích họa khổ lớn của từng nhóm, còn có sự “thi đấu ngầm” một cách phấn khích giữa các nhóm họa sĩ chuyên nghiệp từ miền bắc để tạo nên những tác phẩm lạ, được chung tay làm, bởi những bức bích họa khổ lớn như vậy thì khó có thể làm một mình xong được trong hạn thời gian 10 ngày…

Khi thực thi công việc một cách đoàn kết dưới cái nắng nóng miền trung, đội nghệ sĩ miền bắc bàn thảo tích cực, cho rằng, nên học theo câu khẩu hiệu chống phá rừng được treo tại cổng các khu rừng quốc gia, là: “Khi đến với rừng, chỉ nên để lại những dấu chân, và mang về những tấm ảnh”. Vậy thì khi những nghệ sĩ đến với “rừng người dân”, thì nên làm sao chỉ để lại những nụ cười, mang về nhiều nỗi nhớ, và vài câu tự hỏi…

Còn theo đánh giá của họa sĩ - nhà nghiên cứu văn hóa Chăm-pa Nguyễn Thượng Hỷ (người đã từng tham gia vẽ với các họa sĩ Hàn Quốc ngay từ năm 2016) cho rằng: Bí ẩn - Ngộ nghĩnh và Tương tác tích cực được với bất kỳ ai đi qua, liếc qua những bức họa cộng đồng ấy (dù là du khách hay nhân dân địa phương) một cách sống động. Thì đó là ba tiêu chí quan trọng của mỹ thuật cộng đồng. Nếu vậy, việc cần nhất, đầu tiên cho các tác phẩm nghệ thuật cộng đồng có giá trị, là cần có được ngay sự ngộ nghĩnh và bí ẩn... song hành.

Nếu dùng cả ba cái thước đo này mà soi lại về các tác phẩm trong Trại 2020, sẽ được trưng bày ngoài trời cả năm để chào đón người người cho đến tận Trại 2021 năm sau, thì đều tìm thấy cả…

Họa sĩ, nhà nghiên cứu văn hóa lịch sử qua nghệ thuật tạo hình Phan Cẩm Thượng (áo đen) đang cùng các nữ đồng nghiệp trẻ vẽ trên chiếc thuyền dài đan bằng nan tre (trong Quảng Nam, người dân gọi thuyền dài này là “ghe thúng méo” (rộng hơn 2m, dài 7 - 8m). Còn chiếc thuyền thúng tròn gọi là “ghe thúng tròn” (đường kính 2,2m).

Chiếc thuyền thúng méo dài, vẽ hình nữ thần Chăm-pa đang múa trên hoa và dưới cánh chim, khi vừa được nhóm nghệ sĩ do ông Phan Cẩm Thượng phụ trách vẽ xong…

Đàn chim hồng hạc tìm cá biển dưới thủy triều đỏ. Sáng tác chung của Nguyễn Minh Phước (bên phải) và Trần Minh Dương (bên trái). Bức bích họa này được người dân địa phương xúm lại thích thú khi còn chưa vẽ xong… Và nhanh chóng, những chú cò, hồng hạc được các đồng nghiệp, các giáo viên mỹ thuật nhân rộng ra một số bức tường chung quanh…

Bức vẽ một nữ thần Chăm-pa trên thuyền thúng tròn, của một bạn giáo viên mỹ thuật địa phương, ký tên là Hằng, khi vừa vẽ xong rồi vội chạy về lên lớp, khiến cho khách tham quan không kịp gặp gỡ hỏi han…

“Người nâng cá ngừ đại dương” là tác phẩm của họa sĩ Nguyễn Thượng Hỷ trên bức tường nhà cao 6m, dài 17m. Họa sĩ dùng chính hình người mình để đo hình và toàn bức bích họa khi vẽ xong, hiện ra một dũng sĩ nâng cá ngừ to như… cá voi.

“Nàng công chúa ngủ quên”, tác phẩm của họa sĩ Vũ Thăng (có sự hỗ trợ của Nguyễn Minh Phước, Trần Minh Dương) trên bức tường cao 7m, dài 11m. Đây là cảm giác chuyển thành hiện thực mơ màng của tác giả, trước thẻo đất dài Tam Thanh…

Các bạn trẻ hỗ trợ việc dựng 100 chiếc thuyền thúng tròn, thúng méo lên từng thân cây dương (ngoài bắc gọi là cây phi lao). Cả những cây chèo ghe (thuyền) cũng được vẽ hình trang điểm, cắm dựng lên lả lướt xung quanh thúng tròn, thúng méo.

Bãi cát rừng cây dương hướng ra biển, dài khoảng 500m tại thôn Hòa Trung, được chọn làm nơi dựng 100 ghe (thuyền) thúng đã vẽ xong và ba tác phẩm điêu khắc sắt hàn, để trưng bày ngoài trời. Ngày kết thúc sáng tác Trại 2020 là mùng 3-6. Còn số tác phẩm trưng bày tại rừng cây dương ngoài trời này sẽ kéo dài cho đến Trại 2021, năm sau…

VŨ LÂM

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/vanhoa/dong-chay/item/44809202-bi-an-ngo-nghinh-%E2%80%9Clang-bich-hoa-tam-thanh%E2%80%9D.html