Bí ẩn nghìn năm: Lăng mộ hoàng đế triều Nguyên ở đâu?

Cho đến ngày nay, lăng mộ của hoàng đế triều Nguyên ở đâu vẫn là lời thách đố của lịch sử.

Sau khi chết, hoàng đế các vương triều phong kiến đều có lăng mộ, duy chỉ có hoàng đế Nguyên triều là không để lại bất kỳ một lăng mộ nào. Đây chính là lời thách đố trong suốt nghìn năm lịch sử.

Thành Cát Tư Hãn Thiết Mộc Chân - người sáng lập đế quốc Mông Cổ Ảnh: huanqiu

Thành Cát Tư Hãn Thiết Mộc Chân - người sáng lập đế quốc Mông Cổ Ảnh: huanqiu

Học giả Diệp Tử Kỳ sống vào cuối thời nhà Nguyên đầu thời nhà Minh đã viết trong Thảo mộc tử: Khi hoàng đế triều Nguyên băng hà, “Dùng hai tấm gỗ, đục rỗng ở giữa, độ lớn bằng hình người rồi ghép lại với nhau làm thành một chiếc quan tài, đặt di thể trong đó….”. Sau đó đào thành cao hào sâu chôn xuống, “cho vạn mã san bằng dấu vết để không một ai hay biết”.

Khi Thành Cát Tư Hãn qua đời cũng được chôn cất theo hình thức này. Theo ghi chép, sau khi Thành Cát Tư Hãn bệnh chết ở Ninh Hạ, di thể của ông được đưa về mật táng tại một nơi nào đó sâu dưới lòng đất ở vùng núi Khentii (Mông Cổ).

Di thể được đặt trong một chiếc quan tài độc mộc làm bằng thân cây đại thụ đã được đục rỗng bên trong. Sau khi chôn chiếc quan tài độc mộc này, người ta lại lấp đất lên, cho “vạn mã san bằng”.

Vùng núi Khentii được cho là nơi mật táng Thiết Mộc Chân

Để người ngoài không nhận ra vết tích động thổ, họ còn dùng lều bạt quây kín toàn bộ khu vực, sai nghìn kỵ binh canh giữ, đợi đến khi cỏ xanh không khác gì cây cỏ ở xung quanh, mới dỡ lều đi, như vậy sẽ không để lộ địa điểm chôn cất.

Trước khi triều Nguyên được thành lập, người Mông Cổ có tập tục chôn cất rất độc đáo, họ chôn cất vô cùng đơn giản. Người Mông Cổ là thị tộc du mục sống trên thảo nguyên, họ không có nơi ở cố định, phương thức sống đơn giản, thực dụng.

Chân dung Thành Cát Tư Hãn

Đặc biệt là khi có chiến tranh, nghi thức chôn cất của họ càng đơn giản. Khi chôn, họ để người chết ở giữa căn lều mà khi còn sống người chết đã ở, để người thờ cúng ngồi xung quanh khấn nguyện, đồ tùy táng chỉ có: ngựa, cung tên và chiếc bàn bày thịt sữa, làm lễ xong đem chôn xuống lòng đất. Mục đích là để sau khi người chết đến sống ở một thế giới khác, có lều để ở, có ngựa cưỡi và có thịt sữa để ăn.

Sau khi Hốt Tất Liệt thành lập nhà Nguyên, ông đã cho áp dụng pháp luật của người Hán, dần dần cũng chịu ảnh hưởng của những tập tục chôn cất của người Hán. Nhưng mới đầu họ vẫn dùng quan tài bằng gỗ để chôn, chỉ khác ở chất gỗ làm quan tài của người Hán. Sau khi nhập liệm, họ đóng hai tấm gỗ lại với nhau, thành một thân gỗ tròn, sau đó “dùng đinh sắt đóng lại”.

Cho dù đã vào làm chủ Trung Nguyên, nhưng khi nhập liệm, người Mông Cổ vẫn làm đơn giản như ban đầu, áo liệm phần lớn vẫn là trang phục thường ngày, đồ tùy táng cũng khá ít, phần lớn là vũ khí mà lúc người chết còn sống thích dùng như: cung tên, đao kiếm.

Khi hoàng đế chết, đầu tiên phải làm một nghi thức chôn cất, chỉ chôn theo một vài đồ tùy táng cần thiết, nhưng khi hoàng đế được đưa đi chôn, quan lại người Hán không được phép tham gia, cũng không xây cất kiến trúc quy mô lớn trên mặt đất, không có bia mộ và đền miếu ghi công đức, mọi thứ đều rất đơn giản.

Ngoài ra, không để lại dấu vết và manh mối để tránh bị bọn trộm mộ phát hiện. Những ghi chép về địa điểm chôn cất cũng rất hiếm hoi, thậm chí còn khiến cho người ta cảm thấy dường như không tồn tại lăng mộ của hoàng đế triều Nguyên.

Lăng mộ Thành Cát Tư Hãn - điểm tham quan du lịch

Do những ghi chép không hoàn chỉnh hoặc cố ý thêu dệt bịa đặt, khiến cho triều Nguyên – một triều đại phong kiến không phải của người Hán ở Trung Quốc càng bị bưng bít, cộng thêm rất nhiều những tập tục văn hóa và thói quen sinh hoạt đặc hữu của người Mông Cổ chưa được thế giới bên ngoài biết đến, càng khiến người đời sau khó mà tìm hiểu được rõ chân tướng của sự việc này.

Đây có lẽ chính là nguyên do hoàng đế triều Nguyên không có lăng mộ. Nhưng không phải không có, mà là chưa phát hiện ra mà thôi.

Theo Ngày nay

Nguồn Doanh Nghiệp: http://doanhnghiepvn.vn/kham-pha/bi-an-nghin-nam-lang-mo-hoang-de-trieu-nguyen-o-dau/20190904053851628