Bí ẩn nền văn minh ở đảo Phục Sinh

Một trong những bí ẩn mà khoa học hiện đại vẫn chưa giải mã được, đó là vết tích nền văn minh có từ thế kỷ 18 trên đảo Phục Sinh (Easter Island) ở châu Mỹ. Trên hòn đảo có gần 900 pho tượng đá Moai đầy ma mị và bí ẩn vẫn tồn tại cho đến ngày nay.

Theo Bách khoa thư mở, đảo Phục Sinh (tiếng Rapa Nui gọi là Rapa Nui, còn trong tiếng Tây Ban Nha có tên Isla de Pascua) là hòn đảo ở phía đông nam Thái Bình Dương, cực đông nam Tam giác Polynesia. Người Polynesia có thể đã đến đảo Phục Sinh vào khoảng từ năm 700 đến 1100, tạo ra một nền văn minh phát triển, thể hiện qua những bức tượng Moai đồ sộ chứa đựng cả yếu tố nghệ thuật lẫn thiên nhiên hoang dã.

Đảo Phục Sinh là một trong những đảo có người ở hẻo lánh nhất hành tinh, có hình dạng của một tam giác, được tạo thành từ một loạt các vụ phun trào núi lửa với khí hậu cận nhiệt đới nắng và khô nhưng tương đối ôn hòa. Ngoài địa hình với nhiều đồi núi hiểm trở, hòn đảo còn sở hữu nhiều hang động ngầm dẫn tới các miệng núi lửa. Núi lửa lớn nhất trên đảo được gọi là Rano Kao, và điểm cao nhất địa hình là đỉnh Terevaka, cao 600m so với mực nước biển.

Đảo Phục Sinh nổi tiếng bởi gần 900 bức tượng Moai khổng lồ bằng đá.

Đảo Phục Sinh nổi tiếng bởi gần 900 bức tượng Moai khổng lồ bằng đá.

Đảo Phục Sinh nổi tiếng bởi gần 900 bức tượng khổng lồ bằng đá (được người dân ở đây gọi là tượng Moai) phân bổ rải rác trên đảo. Chính xác là 887 bức tượng, được tạo tác thủ công bởi các nghệ nhân người Rapa Nui xưa. Năm 1995, UNESCO đã công nhận đảo Phục Sinh là di sản thế giới, với đa phần diện tích được bảo vệ trong vườn Quốc gia Rapa Nui.

Đến nay những pho tượng đá Moai trên đảo Phục Sinh vẫn là bí ẩn đối với nhân loại. Đã có vô số giả thiết về các bức tượng Moai này, như cách thức tạo dáng, xây dựng, cho đến vai trò của các bức tượng này trong nền văn minh Rapa Nui trên đảo Phục Sinh. Đặc biệt, các nhà khoa học vẫn chưa giải mã được những khối đá khổng lồ mang ý nghĩa gì và làm thế nào mà người ta lại di chuyển được những bức tượng khổng lồ này đi khắp hòn đảo.

Theo các nhà khảo cổ học Mỹ, Moai chính là bằng chứng sinh động về một nền văn minh từng phát triển rực rỡ của người Rapa Nui trong quá khứ. Chúng được tìm thấy ở nhiều địa điểm rải rác quanh đảo, với chiều cao và trọng lượng không đồng nhất, được tạc từ đá nguyên khối hình thành từ tro núi lửa và đặt trên bệ đá có tên là ahus. Các nhà khoa học phát hiện thấy hầu hết những pho tượng Moai này đều được tạc từ đá của ngọn núi lửa Rano Raraku, xếp hàng hướng ra biển để bảo vệ người dân trên đảo. Những pho tượng đá mặt người có niên đại hơn 6.000 năm đôi khi phân bố rải rác ngẫu nhiên, hoặc đôi khi lại theo một trật tự đặc biệt, khó hiểu. Bức tượng lớn nhất cao gần 10 m và nặng trên 82 tấn; trong đó có bức tượng biệt danh El Gigante nặng tới 145 tấn.

Sự diệt vong của nền văn minh trên Đảo Phục Sinh đến nay chưa ai biết chính xác, giả thuyết được nhiều người ủng hộ nhất về sự “bốc hơi” hoàn toàn của nền văn minh trên đảo Phục Sinh chính là sự xuất hiện của người châu Âu, của nội chiến và dịch bệnh. Hoạt động của con người, quá tải dân số đã dẫn đến sự phá rừng và cạn kiệt tài nguyên thiên nhiên, từ đó làm suy sụp nền văn minh Rapa Nui từng một thời rực rỡ. Cái tên Phục Sinh chỉ được tạo ra khi một nhà hàng hải người Hà Lan tên Jacob Roggeveen tình cờ đến đảo này vào đúng dịp lễ Phục Sinh năm 1722. Bệnh dịch và buôn bán nô lệ tiếp tục làm giảm dân số người Rapa Nui, cuối cùng vào năm 1877 chỉ còn hơn 110 người. Do xuất hiện hàng các loạt biến cố liên quan đến việc buôn bán nô lệ và dịch bệnh, đến năm 1888, Chile chính thức sáp nhập đảo Phục Sinh thành một phần lãnh thổ của quốc gia này.

Theo Nguyễn Duy/Báo Đăk Lăk

Nguồn Doanh Nghiệp: http://doanhnghiepvn.vn/kham-pha/bi-an-nen-van-minh-o-dao-phuc-sinh/20210616102604127