Bí ẩn một 'bông hồng cài áo' cho ngày Vu Lan

Ca khúc 'Bông hồng cài áo' được xem là ca khúc nằm lòng của những ai muốn bày tỏ sự hiếu kính trong ngày Vu lan - rằm tháng 7 âm lịch.

 Ca khúc được hát nhiều nhất trong ngày Vu Lan.

Ca khúc được hát nhiều nhất trong ngày Vu Lan.

Ca khúc “Bông hồng cài áo” được nhạc sĩ Phạm Thế Mỹ (1930-2009) sáng tác vào năm 1966, dựa theo tùy bút cùng tên của thiền sư Thích Nhất Hạnh. Ca khúc “Bông hồng cài áo” ra đời sau tùy bút “Bông hồng cài áo” đúng 4 năm.

Ca khúc “Bông hồng cài áo” không phải nhạc sĩ Phạm Thế Mỹ phổ thơ, mà chỉ lẩy ra những ý quan trọng trong tùy bút “Bông hồng cài áo” dài hơn 2500 chữ. Khi viết tùy bút “Bông hồng cài áo”, thiền sư Thích Nhất Hạnh 32 tuổi, và đang theo học khoa Tôn giáo đối chiếu ở Đại học Princeton- Mỹ.

Ca khúc “Bông hồng cài áo” đã quen thuộc với người Việt hơn nửa thế kỷ qua. Mỗi dịp Vu Lan, ca khúc “Bông hồng cài áo” lại được hát vang lên trên môi những người hạnh phúc còn có mẹ, hoặc được hát thầm trong tim những người bất hạnh không còn mẹ. Ca khúc “Bông hồng cài áo” trở thành một phần nghi lễ của ngày Vu Lan.

Tùy bút “Bông hồng cài áo” của thiền sư Thích Nhất Hạnh có những đoạn quan trọng để hé lộ bí mật cài hoa trắng hoặc hoa đỏ trong ngày Vu Lan: “Tây phương không có ngày Vu Lan nhưng cũng có Ngày của Mẹ (Mother's Day) mồng 10 tháng 5. Tôi nhà quê không biết cái tục ấy. Có một ngày tôi đi với thầy Thiên Ân tới nhà sách ở khu Ginza ở Đông Kinh, nửa đường gặp mấy người sinh viên Nhật, bạn của thầy Thiên Ân. Có một cô sinh viên hỏi nhỏ thầy Thiên Ân một câu rồi lấy ở trong xắc ra một bông hoa cẩm chướng màu trắng cài vào khuy áo tràng của tôi. Tôi lạ lùng, bỡ ngỡ, không biết cô làm gì, nhưng không dám hỏi, cố giữ vẻ tự nhiên, nghĩ rằng có một tục lệ chi đó. Sau khi họ nói chuyện xong, chúng tôi vào nhà sách, thầy Thiên Ân mới giảng cho tôi biết đó là Ngày của Mẹ theo tục Tây phương. Nếu anh còn mẹ, anh sẽ được cài một bông hoa màu hồng trên áo và anh sẽ tự hào được còn mẹ. Còn nếu anh mất mẹ, anh sẽ được cài trên áo một bông hoa trắng…

Tôi nhìn lại bông hoa trắng trên áo mà bỗng thấy tủi thân. Tôi cũng mồ côi như bất cứ một đứa trẻ vô phúc khốn nạn nào; chúng tôi không có được cái tự hào được cài trên áo một bông hoa màu hồng. Người được hoa trắng sẽ thấy xót xa, nhớ thương không quên mẹ, dù người đã khuất. Người được hoa hồng sẽ thấy sung sướng nhớ rằng mình còn mẹ, và sẽ cố gắng để làm vui lòng mẹ, kẻo một mai người khuất núi có khóc than cũng không còn kịp nữa. Tôi thấy cái tục cài hoa đó đẹp và nghĩ rằng mình có thể bắt chước áp dụng trong ngày báo hiếu Vu Lan”.

Ca khúc "Bông hồng cài áo" được công bố lần đầu tiên vào năm 1967.

Không chỉ đề xuất việc cài hoa vào ngày Vu Lan, tùy bút “Bông hồng cài áo” của thiền sư Thích Nhất Hạnh còn đề cao hình ảnh vĩ đại của người mẹ và tinh thần hiếu thảo của người con: “Mẹ là một dòng suối, một kho tàng vô tận, vậy mà lắm lúc ta không biết, để lãng phí một cách oan uổng. Mẹ là một món quà lớn nhất mà cuộc đời tặng cho ta, những kẻ đã và đang có mẹ. Đừng có đợi đến khi mẹ chết rồi mới nói: “Trời ơi, tôi sống bên mẹ suốt mấy mươi năm trời mà chưa có lúc nào nhìn kỹ được mặt mẹ!”. Chiều nay khi đi học về, hoặc khi đi làm việc ở sở về, em hãy vào phòng mẹ với một nụ cười thật trầm lặng và thật bền. Em sẽ ngồi xuống bên mẹ. Sẽ bắt mẹ dừng kim chỉ, mà đừng nói năng chi. Rồi em sẽ nhìn mẹ thật lâu, thật kỹ để trông thấy mẹ và để biết rằng mẹ đang còn sống và đang ngồi bên em. Cầm tay mẹ, em sẽ hỏi một câu ngắn làm mẹ chú ý. Em hỏi: “Mẹ ơi, mẹ có biết không?”. Mẹ sẽ hơi ngạc nhiên và sẽ hỏi em, vừa hỏi vừa cười “Biết gì?”. Vẫn nhìn vào mắt mẹ, vẫn giữ nụ cười trầm lặng và bền, em sẽ nói: “Mẹ có biết là con thương mẹ không?”. Câu hỏi sẽ không cần được trả lời. Cho dù người lớn ba bốn mươi tuổi người cũng có thể hỏi một câu như thế, bởi vì người là con của mẹ. Mẹ và em sẽ sung sướng, sẽ sống trong tình thương bất diệt. Mẹ và em sẽ đều trở thành bất diệt và ngày mai, mẹ mất, em sẽ không hối hận, đau lòng”.

Chính từ những ý ấy của thiền sư Thích Nhất Hạnh trong tùy bút “Bông hồng cài áo”, nhạc sĩ Phạm Thế Mỹ đã viết ca khúc lay động công chúng đến tận hôm nay. Một ca khúc không chủ đích viết cho ngày Vu Lan, mà trở thành biểu tượng của ngày Vu Lan đối với người Việt Nam.

“Một bông hồng cho em. Một bông hồng cho anh. Và một bông hồng cho những ai, cho những ai đang còn mẹ. Đang còn mẹ để lòng vui sướng hơn. Rủi mai này mẹ hiền có mất đi. Như đóa hoa không mặt trời. Như trẻ thơ không nụ cười. Ngỡ đời mình không lớn khôn thêm. Như bầu trời thiếu ánh sao đêm. Mẹ, mẹ là giòng suối dịu hiền. Mẹ, mẹ là bài hát thần tiên, là bóng mát trên cao, là mắt sáng trăng sao, là ánh đuốc trong đêm khi lạc lối. Mẹ, mẹ là lọn mía ngọt ngào. Mẹ, mẹ là nải chuối buồng cau, là tiếng dế đêm thâu, là nắng ấm nương dâu, là vốn liếng yêu thương cho cuộc đời. Rồi một chiều nào đó anh về nhìn mẹ yêu, nhìn thật lâu. Rồi nói, nói với mẹ rằng “Mẹ ơi, mẹ ơi, mẹ có biết hay không?”. Biết gì? “Biết là, biết là con thương mẹ không?”. Đóa hoa màu hồng vừa cài lên áo đó anh. Đóa hoa màu hồng vừa cài lên áo đó em. Thì xin anh, thì xin em. Hãy cùng tôi vui sướng đi”.

PHẠM TUẤN

Nguồn Nông Nghiệp: https://nongnghiep.vn/bi-an-mot-bong-hong-cai-ao-cho-ngay-vu-lan-d272325.html