Bí ẩn linh mộc tụ khí thiêng Yên Tử

Dãy núi Yên Tử (Quảng Ninh) linh thiêng với bề dày lịch sử, văn hóa, đạo Phật. Có vị vua quyết từ bỏ ngai vàng, điện ngọc để lên núi thiền tu sau đó hóa Phật. Tại đây còn có một quần thể linh mộc cây xích tùng cổ được người xưa trồng vẫn trường tồn hơn 700 năm cho đến ngày nay.

Viện Nghiên cứu và Phát triển lâm nghiệp nhiệt đới đã khảo sát và chọn vị trí trồng mới 50 cây xích tùng do anh Sự ươm mầm

Viện Nghiên cứu và Phát triển lâm nghiệp nhiệt đới đã khảo sát và chọn vị trí trồng mới 50 cây xích tùng do anh Sự ươm mầm

Kỳ lạ “cây hút người”

Ngày nay, khi đến với Yên Tử, nhiều người chọn cách sử dụng cáp treo để lên đỉnh chùa Đồng lễ Phật. Ít ai biết trên con đường tản bộ từ chân núi lên Hoa Yên, Bảo Sái, Vân Tiêu, Am Dược có một vườn cây xích tùng cổ dọc đường đi đã hơn 700 tuổi vẫn vươn mình che chở, nâng bước nhưng người con hành hương về đất Phật.

Tương truyền rằng, những cây xích tùng tại Yên Tử được trồng vào những năm Phật Hoàng Trần Nhân Tông lên núi thiền tu. Loài cây tượng trưng cho sức sống mãnh liệt, khí phách hiên ngang, chính trực của người quân tử. Cây không chỉ che bóng mát mà xích tùng còn hút khí trời đất để tụ trong mình một lượng linh khí đủ để các thiền sư thiền định dưới gốc cây ngộ đạo.

Nhiều nghiên cứu, bằng chứng cho thấy, xích tùng Yên Tử là loài cây mà các thiền sư đã chọn để ngộ đạo. Dưới mỗi gốc cây xích tùng thường có những am nhỏ. Những am này là nơi các thiền sư ngồi thụ khí từ cây. Khi hóa Phật, những am này là nơi lưu giữ tro cốt của họ. Nhưng do thời gian và nạn trộm cắp cổ vật, ở Yên Tử chỉ còn sót lại một vài am nhỏ ở khu vực vườn thuốc, am dược và am lò rèn.

Nhiều người vẫn còn nhớ câu chuyện võ sư khí công Bùi Long Thành đã cùng môn sinh lên Yên Tử luyện khí công với… xích tùng. Khi vừa thiền định, nhiều người đã rơi vào tình trạng hôn mê và dính chặt vào gốc cây không thể kéo ra. Sau 30 phút thụ khí của cụ xích tùng, họ dần dần rời thân cây trở về trạng thái bình thường. Kỳ lại là ai cũng cảm thấy thân thể nhẹ bẫng, khỏe khoắn gấp bội phần, bệnh tật như tan biến đâu hết.

Xích tùng cổ Yên Tử tượng trưng cho sức sống mãnh liệt, khí phách hiên ngang, chính trực của người quân tử

Chính võ sư khí công Bùi Long Thành cũng khẳng định: Vùng đất Yên Tử có rất nhiều khí thiêng và những cây tùng này đã có 700 năm để nạp một lượng khí thiêng rất lớn. Khi các võ sinh luyện công, họ vừa được nạp khí thiêng của trời đất, lại được nạp “trường điện” mạnh mẽ của “lão tùng” nên mới xảy ra hiện tượng thân thể dính chặt vào thân cây như vậy.

Hiện tại, Yên Tử còn 233 cây xích tùng cổ, mỗi cây có đường kính từ 0,7 đến 1,5m và được Bộ Văn hóa công nhận là cây di sản. Nhưng do thời gian và tác động tiêu cực của thời tiết, nhiều cây trong số đó bị sâu bệnh, mục rỗng ruột và nhiều cây đã chết. Các dự án bảo tồn, chăm sóc cây đã được đề xuất nhưng với nhiều lý do khách quan, xích tùng Yên Tử vẫn đang đứng bên bờ tuyệt chủng.

Người phục sinh hậu duệ xích tùng

Thời gian và những tác động tiêu cực đang là mối đe dọa đến sự sinh tồn của xích tùng Yên Tử. Chỉ vài chục năm trở lại đây, số lượng xích tùng chết ngày càng tăng. Sau những trận bão, nhiều “cụ xích tùng” già yếu, sâu bệnh lại ngã đổ, những dự án chăm sóc, bảo tồn vẫn chỉ nằm trên giấy chưa thể triển khai. Thế nhưng, cây xích tùng non gần như không tự phát triển tại Yên Tử khiến loại cây này đang đứng trước nguy cơ biến mất.

Vùng đất Yên Tử có rất nhiều khí thiêng và những cây tùng này đã có 700 năm để nạp một lượng khí thiêng rất lớn. Khi các võ sinh luyện công, họ vừa được nạp khí thiêng của trời đất, lại được nạp “trường điện” mạnh mẽ của “lão tùng” nên mới xảy ra hiện tượng thân thể dính chặt vào thân cây như vậy.

Võ sĩ Bùi Long Thành

Được biết đến với cái tên “Sự hâm” ươm xích tùng, chúng tôi tìm đến người này trong một buổi chiều cuối năm. Khác xa với tưởng tượng, là một gã biệt dị, tóc tai xù xì hoặc hình dáng của một gã trung niên với bản mặt gai góc thì người ra đón chúng tôi lại là một người đàn ông trung niên có thân hình thư sinh, mảnh khảnh. Anh nhẹ nhàng tâm sự về những ngày lăn lộn với hạt giống cây xích tùng.

Anh Phạm Văn Sự chăm chút từng cây xích tùng trước khi đưa lên trồng tại Yên Tử

Năm 2001, chàng sinh viên Phạm Văn Sự trong thời gian làm luận văn tốt nghiệp Đại học Khoa Môi trường, Đại học Khoa học tự nhiên (Đại học Quốc gia Hà Nội) đã xin vào làm việc ở Đội thu quỹ đường, Ban Quản lý di tích và rừng quốc gia Yên Tử. Quê ở Uông Bí nhưng Sự không biết về cây xích tùng. Từ ngày vào làm việc tại BQL, ngày ngày đi dưới tán cây xích tùng và tìm hiểu về lịch sử cũng như những sự tích về cây, Sự dần bị cây xích tùng “bỏ bùa mê”.

Năm 2002, khi chứng kiến nhiều cây xích tùng 700 tuổi chết dần nhưng cây con lại rất hiếm, anh Sự đau đáu ý định nhân giống để bảo tồn loài cây quý này. Mỗi khi hết giờ làm, anh lại đi tìm hạt cây, mỗi lần chỉ được vài chục hạt vì chúng nhỏ như hạt thóc, khi rụng xuống lẫn vào đất đá. Số cây rụng hạt cũng rất ít.

“Mùa hạt cây xích tùng rụng kéo dài 2 tháng. Nếu không thu nhặt nhanh hạt có thể bị ủng thối dưới thảm thực bì, nếu có nảy mầm thì cũng không thể tồn tại vì bị sâu bọ tấn công” – anh Sự nói.

“Trời thì rét căm căm nhưng cứ hết giờ làm là nó lại chui vào rừng bới lá, vạch cây tìm kiếm thứ gì đó. Đến mãi sau này mới biết nó tìm hạt của cây xích tùng. Tưởng nó mang về làm thuốc chứ ai nghĩ nó mang về ươm giống. Anh em không hiểu cứ thấy nó lủi thủi, lọ mọ một mình nên trêu nó là ‘Sự hâm” - Anh Phạm Văn Giang đồng nghiệp với anh Sự kể lại.

Mặc dù mỗi lần ươm hàng nghìn hạt và tỉ lệ nảy mầm rất cao nhưng sau đó cây lại chết dần do thối rễ. Anh Sự không nản lòng. Cứ mỗi năm đến mùa rụng hạt, anh lại vào rừng miệt mài nhặt hạt. Gần 10 năm ươm mầm, gieo hạt nhưng đều thất bại, đến năm 2010 anh mới tin đã thành công trong nhân giống khi đã có 80 cây xích tùng phát triển tốt.

“Có nhiều người cũng nhặt hạt xích tùng để ươm giống và đã thành công, nhưng đa số họ chỉ ươm để chơi là chính. Anh Sự nhân giống được nhiều nhất và tâm huyết nhất với loài cây này. Vừa rồi chúng tôi nhận bàn giao từ anh Sự 50 cây xích tùng cao 1,2-1,5m để trồng vào vị trí những cây cổ thụ đã chết. Mỗi cây xích tùng giá khoảng 10 triệu đồng. Trước mắt chúng tôi cứ trồng, sau này có kinh phí sẽ trả” –Ông Lê Tiến Dũng, Trưởng ban Quản lý di tích và rừng quốc gia Yên Tử cho biết.

Năm 2019, dự án chăm sóc, bảo tồn các cây xích tùng cổ tại rừng quốc gia Yên Tử được triển khai, ngân sách từ tiền bán vé tham quan Yên Tử. Tổng số vốn cho dự án trên 26 tỷ đồng, kéo dài 5 năm. Ban Quản lý di tích và rừng quốc gia Yên Tử phối hợp với Viện Nghiên cứu và Phát triển lâm nghiệp nhiệt đới đã khám và chữa bệnh cho 233 cây xích tùng cổ. Hiện dự án đã trồng mới được 50 cây xích tùng do anh Sự ươm mầm.

Theo Hoàng Dương/Tiền phong

Nguồn Doanh Nghiệp: http://doanhnghiepvn.vn/kham-pha/bi-an-linh-moc-tu-khi-thieng-yen-tu/20210617095817833