Bí ẩn Làng Hòa bình Kijong-dong

Từ một cứ điểm trên đỉnh đồi, những binh sỹ biên giới Hàn Quốc có thể nhìn thấy ở phía xa, dọc theo Khu Phi Quân sự (DMZ) hàng kilomet là một thành phố nhỏ nằm ở phía Bắc. Những tòa nhà cao tầng và thấp tầng nằm ngay ngắn xen kẽ giữa những cánh đồng nông nghiệp.

Cộng hòa dân chủ nhân dân Triều Tiên gọi nơi này là Kijong-dong, hay Làng Hòa bình, còn Hàn Quốc thì lại gọi nơi đây bằng một cái tên khác, Làng Tuyên truyền.

Những ngôi làng bị chia cắt

Làng Hòa bình Kijong-dong được CHDCND Triều Tiên xây dựng vào năm 1953 khi Chiến tranh Triều Tiên kết thúc một cách không chính thức. Trận chiến đẫm máu kéo dài ba năm giữa miền Bắc và miền Nam bán đảo Triều Tiên dẫn đến cái chết của 3 triệu người. Một thỏa thuận đình chiến đã khép lại những hành động thù dịch song không bên nào chấp nhận hòa bình. Khu phi quân sự ngăn cách cả hai quốc gia vẫn là một trong những khu vực biến động và vũ trang dày đặc nhất trên thế giới. Mìn rải rác khắp biên giới, được bảo vệ bởi hàng rào thép gai, tiền đồn, và hàng trăm nghìn binh lính.

Cột cờ tại Làng Hòa bình Kijong-dong nhìn từ miền Nam.

Cột cờ tại Làng Hòa bình Kijong-dong nhìn từ miền Nam.

DMZ về cơ bản là một vùng đệm rộng 2,5 dặm trải dài toàn bộ biên giới dài 155 dặm. Cả Hàn Quốc và CHDCND Triều Tiên đã sơ tán các khu định cư dân sự dọc theo khu vực và sau năm 1953, các nước chỉ có thể giữ lại hoặc xây dựng một ngôi làng ở mỗi bên chiến tuyến. Hàn Quốc giữ lại Daeseong-dong, hay còn gọi là “Làng Tự do”, với gần 250 cư dân sinh sống trên vùng đất này từ trước khi chiến tranh bùng phát. Du khách hay người dân thường không được phép ra vào tự do khu vực này. Cư dân Daeseong-dong có căn cước công dân đặc biệt và sống với lệnh giới nghiêm từ nửa đêm đến lúc tờ mờ sáng cùng những cuộc gọi đến từng nhà điểm danh mỗi đêm.

Trên thực tế, theo các nguồn tin, cư dân làng Daeseong-dong được hưởng một số lợi ích và đặc quyền nhất định. Những người dân, tất cả đều là nông dân, được giao những mảnh đất rộng lớn để canh tác và hưởng mức thu nhập hộ gia đình cao nhất trong cả nước. Họ có quyền bầu cử và tiếp nhận giáo dục tương tự các công dân khác nhưng được miễn nộp thuế cấp tỉnh và miễn thực thi nghĩa vụ quân đội. Trường học trong làng nhận được sự quan tâm nhiều hơn từ chính phủ, thực tế được xem như một phần của hoạt động tuyên truyền, cùng nguồn tài trợ đặc biệt giúp sắm sửa các trang thiết bị và cơ sở vật chất mà không ngôi trường nào khác trên khắp Hàn Quốc có được.

Trong khi đó, CHDCND Triều Tiên lựa chọn việc xây dựng một thị trấn hoàn toàn mới, “Làng Hòa bình” Kijong-dong. Hai ngôi làng không được phép liên lạc với nhau dù đã từng là hàng xóm của nhau qua nhiều thế kỷ. Vì thế từng xảy ra nhiều trường hợp những người già ở Daeseong-dong, không có cách nào biết được người thân ở Kijong-dong còn sống hay đã khuất. Những người mạo hiểm đến cánh đồng gần ranh giới chung luôn bị lính gác Hàn Quốc theo dõi.

Sự thật về Kijong-dong

Từ trạm kiểm soát trên cao, binh sỹ Hàn Quốc có thể thấy một ngôi làng nhỏ ở đằng xa vượt qua DMZ, với các tòa nhà cao tầng được bao quanh bởi cánh đồng rộng mênh mông quanh năm tươi tốt. Nhiều hình ảnh được chụp từ Hàn Quốc cho thấy làng Kijong-dong có một số tòa nhà cao tầng được sơn màu rực rỡ, mái nhà màu xanh sáng và tường trắng, nhưng không nhìn rõ cửa kính hay nội thất. Xung quanh là các căn hộ thấp tầng màu pastel. Thỉnh thoảng người ta vẫn thấy có người đi lại trong ngôi làng, song không rõ là dân thường hay binh sĩ.

Người nông dân Cộng hòa dân chủ nhân dân Triều Tiên làm việc trên các cánh đồng (Ảnh nhìn từ khu DMZ phía Hàn Quốc).

Tại ngôi làng này có gắn một hệ thống loa khổng lồ hướng về phía Nam, thường phát các bài hát tuyên truyền, ca ngợi miền Bắc và kêu gọi những người lính và nông dân bất mãn vượt qua biên giới để đoàn tụ với anh em họ hàng.

Trên thực tế, Kijong-dong từng là nơi ký kết thỏa thuận đình chiến, ngày nay gọi là Bảo tàng Hòa bình Triều Tiên, do Bình Nhưỡng quản lý. Công trình đáng chú ý nhất tại khu vực này là cột cờ cao chót vót 160m được chính phủ CHDCND Triều Tiên xây dựng, và là một trong những cột cờ cao nhất thế giới.

Công trình nổi bật nhất Kijong-dong này có một lịch sử đáng chú ý. Cột cờ này trước đó cao 100m, song Bình Nhưỡng đã cho dựng cao thêm sau khi Hàn Quốc dựng một cột cờ cao 98m tại Daeseong-dong vào năm 1980, và treo trên đó lá quốc kỳ nặng tới 130 kg. “Cuộc chiến cột cờ”, theo cách gọi ví von của truyền thông, diễn ra khi miền Bắc nhanh chóng đáp trả bằng cách xây dựng một cột cờ cao 160m với lá cờ nặng 270 kg. Cột cờ tại Kijong-dong hiện là cột cờ cao thứ tư trên thế giới.

Cũng như chính đất nước CHDCND Triều Tiên, những gì thuộc về ngôi làng Kijong-dong về cơ bản vẫn là một điều bí ẩn. Bình Nhưỡng cho biết ngôi làng có những trang trại tập thể với khoảng 200 hộ gia đình, trường mầm non, tiểu học, trung học và bệnh viện. Người ta thực tế vẫn thấy cảnh nông dân ra đồng làm việc, hoặc dọn cỏ, tỉa cây ở những khu vực trung tâm của làng.

Trong khi đó, theo truyền thông Hàn Quốc, Kijong-dong từ xa trông đủ hiện đại với các tòa nhà nhiều tầng được sơn màu sáng và các căn hộ thấp tầng tạo nên hình ảnh đầy hứa hẹn của một đô thị. Vào ban đêm, các căn hộ sáng lên với những bóng đèn điện, điều chưa từng có ở miền Bắc vào những năm 1950.

Hàn Quốc cho rằng tất cả chỉ là giả mạo, cáo buộc Kijong-dong là một “ngôi làng ma” và không ai sống ở đó. Một số sỹ quan làm việc trong lực lượng hỗn hợp của Hàn Quốc cho rằng một số tòa nhà có cửa sổ trông như hình vẽ được sơn lên, nhiều các cấu trúc cao tầng khác dường như chỉ có khung. Khi màn đêm buông xuống, ánh sáng rực rỡ ở các cửa sổ phía trên nhưng dường như lại mờ ở vị trí gần mặt đất hơn, điều mà người ta cho là bởi những tòa nhà này không hề có sàn hay tường bên trong.

Hàn Quốc cho rằng CHDCND Triều Tiên dựng nên thành phố nhỏ này với tất cả những hình ảnh hào nhoáng, âm nhạc reo vang từ loa phóng thanh, một vùng quê yên bình với đất canh tác nông nghiệp và cột cờ cao vút, là nhằm thuyết phục những người Hàn Quốc đào tẩu rằng đó thật là một thành phố tốt đẹp và đáng sống. Các tòa nhà thực sự chỉ như những chiếc “vỏ” bê tông không có nội thất bên trong. Đèn điện hoạt động theo bộ đếm thời gian tự động, và những người duy nhất trong tầm mắt là công nhân bảo trì quét đường để tạo ảo giác về cuộc sống trong làng.

Có ý kiến còn khẳng định hướng của các tòa nhà là bằng chứng về tính chất tuyên truyền của ngôi làng với những mái nhà màu xanh lam sáng và mặt trắng của các tòa nhà được sơn để đảm bảo cho tầm nhìn đẹp nhất về ngôi làng từ phía biên giới.

Làng Hòa bình Kijong-dong nhìn từ Panmunjon (Hàn Quốc).

Những hoạt động tuyên truyền từ cả hai phía Nam-Bắc khiến dư luận thực tế cũng rất khó xác nhận đâu mới là sự thật. Năm 2017, tác giả blog du lịch The Rambling Wombat nổi tiếng đã tới khu DMZ Hàn Quốc và có những nhận định về ngôi làng “kỳ lạ” ở phía bên kia biên giới. Một bài đăng của ông có đoạn: “Không giống như phía Nam của DMZ,… đất ở phía Bắc của DMZ được canh tác tập trung. Vùng đất này nằm ngay phía Đông ngôi làng,… Những người làm việc ở vùng đất này rõ ràng sống ở đâu đó, vậy thì có lý do gì để họ không phải là sống tại Kijong-dong?”. Ông cho rằng ở CHDCND Triều Tiên, chính quyền cũng thường cung cấp chỗ ở miễn phí hoặc chi phí rất thấp cho người lao động ở các khu vực đặc biệt.

Mỹ và Hàn Quốc đã khẳng định rằng tòa nhà lớn màu xám - Panmumgak Hall - trong Khu vực An ninh Chung, không phải là một tòa nhà, mà chỉ là một mặt tiền được dựng nên, song tác giả của The Rambling Wombat khẳng định rằng nhìn vào góc độ ánh sáng và những bóng nắng, đây là một tòa nhà ba chiều thật sự, vì vậy cũng rất dễ hiểu nếu “Kijong-dong” là thật. Việc có người sống ở khu vực này hay không được ông lý giải rằng rất có thể là bởi cường độ và mật độ phát thanh tuyên truyền của Hàn Quốc sang phía bên kia biên giới đã khiến cuộc sống của họ bị xáo trộn và buộc phải di chuyển vào phía sâu hơn.

Những cuộc chiến bao giờ kết thúc?

Người Hàn Quốc gọi Kijong-dong là “Làng Tuyên truyền”, song trên thực tế cụm từ này có lẽ đúng cho cả hai.

Mãi đến gần đây, cả Hàn Quốc và CHDCND Triều Tiên vẫn không ngừng thúc đẩy các hoạt động phát thanh tuyên truyền thông qua hệ thống loa đài quy mô gắn trên đỉnh các tòa nhà và hướng về phía bên kia. Ban đầu, các chương trình phát sóng của Bình Nhưỡng ca ngợi những giá trị và sự tốt đẹp của đất nước, kêu gọi những người lính và những người nông dân đi bộ qua biên giới để đến thiên đường được cho là của CHDCND Triều Tiên.

Hàn Quốc đáp lại bằng cách liên tục phát đi bài hát của các nhóm nhạc nữ K-pop của Hàn Quốc, với âm lượng cao, đến mức người ta có thể nghe thấy loa phóng thanh trong phạm vi 10km bắt đầu từ ranh giới lãnh thổ CHDCND Triều Tiên vào ban ngày và lên đến 24 km vào ban đêm.

Hệ thống loa phát thanh tuyên truyền tại biên giới của Hàn Quốc.

Không thể phủ nhận K-pop là một phương tiện tuyên truyền mạnh mẽ, bởi các bài hát K-pop mô tả Hàn Quốc là một quốc gia siêu hiện đại, giàu có, chỉ có những người đam mê và hấp dẫn. Nhiều nhóm nhạc hát các bài hát nghe lạc quan và mạnh mẽ, thậm chí còn khắc họa hình ảnh của một mặt trận thống nhất tại miền Nam. Ngoài K-pop, các diễn giả Hàn Quốc cũng không ngừng phát thanh các chương trình văn hóa và tin tức từ nước ngoài, thảo luận về dân chủ, chủ nghĩa tư bản và cuộc sống ở Hàn Quốc, thậm chí còn bình luận về cuộc sống bên phía CHDCND Triều Tiên.

Tình trạng phát thanh trả đũa lẫn nhau giữa hai nước diễn ra liên tục vào những năm 1960, song cũng có những khoảng lặng chứng kiến sự kiềm chế của cả Hàn Quốc và CHDCND Triều Tiên. Năm 2004, Seoul và Bình Nhưỡng đã đồng ý chấm dứt việc phát thanh truyên truyền.

Tuy nhiên, vào năm 2016, sau khi căng thẳng leo thang do các vụ thử hạt nhân của CHDCND Triều Tiên, tình trạng này lại tiếp diễn. Vài tuần trước hội nghị thượng đỉnh lịch sử vào tháng 4/2018, thời điểm nhà lãnh đạo Kim Jong-un lần đầu gặp gỡ Tổng thống Moon Jae-in, các loa phát thanh lại im lặng như một cử chỉ thiện chí, song không ít người đặt dấu hỏi rằng mọi chuyện sẽ kéo dài được bao lâu?

Thái Hân (Tổng hợp)

Nguồn ANTG: http://antg.cand.com.vn/ho-so-mat/bi-an-lang-hoa-binh-kijong-dong-619920/