Bí ẩn kho báu toàn vàng khiến quả đồi phát quang

Kho báu này được đồn là nhiều vàng đến mức khiến quả đồi nơi đền thờ Po Nagar tọa lạc phát quang về đêm.

Đã từ rất lâu, người dân địa phương đồn thổi về một kho báu toàn là vàng, bạc với đủ các đồ trang sức như tượng vàng, mũ vàng, tiền vàng...

Đi tìm pho tượng vàng

Cơ sở để nhiều người khẳng định quanh khu đền thờ Po Nagar có kho báu đó chính là những dòng bia ký ghi chép về lịch sử cùng những sự kiện trọng đại theo diễn trình lịch sử.

Lần theo những sử liệu hiện còn, nhà khảo cổ học Ngô Văn Doanh cho rằng: "Trong suốt thời kỳ đầu kéo dài gần 100 năm hình thành và phát triển, như khu thờ tự chính ở miền Nam Chăm Pa. Khu đền thờ này đã trải qua những lần cướp phá và phục dựng lại. Cứ mỗi lần phục dựng lại là thêm một lần các vua Chăm Pa phải cho làm và dựng ở đền Po Nagar một tượng nữ thần Bhagavati mới.

Pho tượng đầu tiên được làm lại và đưa vào thờ ở Po Nagar là pho tượng do vua Satyavarman cho làm vào năm 784. Đến năm 817 thì pho tượng này bị mất. Cũng vào năm đó vua Harivarman đã phục hồi thánh đường và làm bức tượng Bhagavati mới bằng đá. Như vậy ít nhất 3 lần các vua, chúa Chămpa thời kỳ Hoàn Vương đã tạo dựng lại tượng nữ thần Bhagavati ở khu đền Po Nagar.

Thế nhưng, vì sự thay đổi vương triều từ sau năm 854 trở đi, đền thờ Po Nagar gần như bị các vua, chúa lãng quên. Đến năm 918 (nghĩa là sau 64 năm bị quên lãng) ngôi đền được phục dựng lại với điểm nhấn là pho tượng Bhagavati bằng vàng.

Có người cho rằng, cả một kho báu đang nằm dưới những tòa tháp ở tháp bà Po Nagar.

Có người cho rằng, cả một kho báu đang nằm dưới những tòa tháp ở tháp bà Po Nagar.

Theo nhà khảo cổ Ngô Văn Doanh thì việc dựng tượng nữ thần Bhagavati bằng vàng và khắc bia ở Po Nagar đã chứng tỏ sự quan tâm và mở rộng quyền lực của các vua chúa vương triều Indarapura ở phía Bắc tới các tỉnh phía Nam Chăm Pa. Đây là lần đầu tiên một vị vua Chăm Pa phía Bắc dựng tượng và khắc bia ở khu đền chính của các vua Hoàn Vương phía Nam. Với việc dựng tượng vàng, khắc bia này, ngoài việc để có được tiếng thơm trên khắp thế giới, các vua phía Bắc còn hòa vị nữ thần Bhagavati của miền Nam Chămpa vào hệ thống thần điện chung, thống nhất của Chăm Pa do vị thần Sambhubhadrasvara của miền Bắc đứng đầu.

Chứng cớ rõ ràng nhất đó là nội dung bia ký Đồng Dương III do vua Indravarman III để lại: "Vào năm Saka Vyoma - amburasi - tamu, chủ nhật, ngày mười một, nửa cuối của tháng Suci, ngài cho dựng tượng nữ thần Bhagavati bằng vàng để có được danh thơm trên khắp thế giới".

Chính nội dung của các bia ký để lại đã làm nức lòng người dân, đặc biệt là những kẻ truy tìm cổ vật. Nhiều người tin rằng, xung quanh đền thờ Po Nagar vẫn còn rất nhiều châu báu... Thế nhưng, nhiều thế kỷ trôi qua, ngôi đền được bảo vệ rất nghiêm ngặt, cho nên người xấu không thể nào đột nhập vào khu đền đào xới, khai quật đồ cổ.

Một bức phù điêu trên trán tháp chính.

Không dám khai quật "kho báu"

Để tìm hiểu thêm thông tin về kho báu còn nằm dưới ngọn đồi Cù Lao, nơi đền thờ Po Nagar tọa lạc, chúng tôi đã tìm gặp ông Nguyễn Tâm, Phó Giám đốc Bảo tàng tỉnh Khánh Hòa. Ông Tâm cho biết: "Đúng là từ trước đến nay có lời đồn thổi dưới khu đền Po Nagar có kho báu, thế nhưng nhiều ít thế nào thì không rõ.

Cũng có lần Bảo tàng tỉnh định phối hợp với các cơ quan hữu quan tiến hành khai quật để khảo cứu cấu trúc phần móng tháp, và những đường hầm cùng với kho báu mà dân gian vẫn đồn thổi. Tuy nhiên, đây là di tích đặc biệt, cần phải bảo vệ nghiêm ngặt, việc khai quật sẽ làm biến dạng khu di tích. Ngoài ra, cửa vào đường hầm dưới các tòa tháp ở chỗ nào cũng không ai biết vì không có tư liệu lịch sử nói về nó, cũng không có sơ đồ cấu trúc đường hầm...".

Trong suốt hơn 1.000 năm lịch sử, không ít người đã tò mò muốn biết số lượng vàng bạc mà các đời vua cùng với dân tứ xứ hiến dâng cho nữ thần Po Nagar nhiều hay ít. Trong một số tấm bia ký hiện còn thậm chí ghi lại rất chi tiết số lượng cổ vật mà mỗi đời vua hiến tế.

Tượng linga được coi là báu vật, là hiện thân cho thần Shiva được đặt ở nhiều ngôi đền Chăm Pa.

Chẳng hạn tấm bia ký số 2, thời Paramabodhisatva tường thuật chi tiết như: "Đức vua dâng cho nữ thần một chiếc mũ vàng nặng 9 lạng, một chiếc vòng cổ vàng kèm những hạt ngọc. Công chúa Gabhalaksmi, chị gái của vua Paramabodhisatva tặng nữ thần một vòng vàng nặng 56 lạng. Hoàng tử Vyu, con trai vua Paramabodhisatva tặng nữ thần một chiếc đĩa bạc nặng 33 lạng...". Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Tâm thì đây mới chỉ là những tư liệu thành văn của các đời vua để lại. Ngoài ra, còn có lễ vật của các nhà quí tộc và khách thập phương...

Chính vì cất giữ nhiều vàng, bạc, cho nên đền thời nữ thần Po Nagar ngay từ khi mới xây dựng đã trở thành mục tiêu trộm cướp của kẻ xấu. Trong một số tấm bia ký ở đây cũng có tường thuật lại việc một nhóm người da đen đến tàn phá, cướp đi rất nhiều của cải, vàng bạc. Sáu đó, các đời vua tiếp theo lại bồi đắp thêm vào những vật báu khác rồi chôn giấu tại đây.

"Mặc dù nội dung của những bia ký có nói đến việc các đời vua dâng vàng lên nữ thần Po Nagar, thế nhưng dưới đất có báu vật hay không thì không ai biết. Tuy nhiên, để đảm bảo không một kẻ nào đột nhập gây hại cho khu đền, chúng tôi phân công bảo vệ 24/24 giờ, hễ có động chúng tôi sẽ lập tức xuất hiện và ngăn chặn hành vi xấu".

Ông Trần Văn Bình(Trưởng ban Quản líDi tích Po Nagar)

Theo Văn Hòa/Kiến thức

Theo Văn Hòa/Kiến thức

Nguồn Doanh Nghiệp: http://doanhnghiepvn.vn/kham-pha/bi-an-kho-bau-toan-vang-khien-qua-doi-phat-quang/20191006020655829