Bí ẩn hộp báu vật trên dãy núi Rocky

Chục năm trước, nhà sưu tập người Mỹ Forrest Fenn bí mật cất giấu trên dãy núi Rocky một hộp vàng bạc, cổ vật… làm cho hàng ngàn người tìm kiếm, trong đó có 5 người bị thiệt mạng. Đến tháng 6 năm 2020, ông tuyên bố kho báu đó đã có người tìm thấy, nhưng sau đó 3 tháng thì Forrest Fenn qua đời, mang theo xuống mộ nhiều bí ẩn…

Người tìm thấy chiếc hộp của Forrest Fenn luôn luôn khẳng định rằng phát hiện này đâu có mang lại niềm vui cho mình. Anh ta trở về với chiếc ô tô chứa kho báu, ngồi bên vô lăng và khóc nức nở. “Lúc tôi tìm thấy nó không phải khúc khải hoàn ca đã vang lên như trong những bộ phim kết thúc có hậu của Hollywood”. Đối với anh ta, cuộc săn lùng báu vật kéo dài mất ba năm, mà những đối thủ của anh đã bỏ ra mười năm trời ròng rã, nhưng niềm say mê tốn bao công sức của họ rút cục lại thành nỗi thất vọng hoàn toàn.

Fenn thì hy vọng vào chỗ khác – ông chỉ muốn tách khỏi những người ấy bằng niềm say mê những cuộc phiêu lưu vốn đã đầy rẫy trong cuộc đời mình.

Đi khắp thế giới lùng báu vật

Trước khi trở thành một nhà sưu tập, Fenn đã là một phi công chiến đấu.

Sau khi được điều sang Italy, ông ta tận dụng cơ hội đến tận Pompeii săn tìm những sọ người táng trong bình cổ La Mã. Một bình lọ cổ xưa khác được Fenn mang về từ Libya. Về sau, ông thường xuyên nhớ lại chuyến đi sa mạc Sahara, nơi tìm thấy một mũi thương nhọn làm từ hàng nghìn năm trước bên cạnh chiếc xe tăng của Đức bị cháy.

 Forrest Fenn và hộp báu vật.

Forrest Fenn và hộp báu vật.

Đến cuối đời binh nghiệp, Fenn đã thu gom được một bộ sưu tập đồ cổ khá phong phú. Ông học được cách mua của những họa sĩ nghèo nhiều kiệt tác với giá rẻ mạt, sau đó bán lại hoặc đổi lấy di vật khảo cổ Ấn Độ. Sau khi giải ngũ, Fenn đã là nhà sưu tầm chuyên nghiệp. Đầu tiên ông mua cổ phần ở doanh nghiệp đồ cổ, được đôi ba năm thì mở galery của mình tại Santa-Fe. “Tôi vốn không biết gì về nghệ thuật, không có bằng đại học, nhưng rất may là tôi có mặt ở địa điểm cần thiết với hàng hóa cần thiết vào thời điểm cần thiết. Tôi chọn từ hàng hóa bởi vì đối với tôi họa sĩ chỉ là người sản xuất, tranh của họ vẽ ra chẳng có nghĩa gì hơn là một sản phẩm” – ông viết.

Phòng tranh của ông thuộc loại thành công nhất nhì thành phố. Fenn tiếp tục sưu tầm những báu vật Ấn Độ và không hề cắn rứt lương tâm buôn bán những bức tranh do Elmyr de Hory – họa sĩ chuyên vẽ tranh giả người Hungary - sao chép của Claude Monet, Amedeo Modigliani, Edgar Degas… Để bảo hiểm cho những thương vụ gian lận của mình, ông ta buộc người mua phải ký vào một văn bản đặc biệt, trong đó nói rõ là họ đã được cảnh báo về nguồn gốc bức tranh và hiểu rằng mình có thể mua phải tranh giả.

Mặc dù vậy, nhà sưu tập vẫn bị dính dáng đến cơ quan điều tra vì những vấn đề liên quan đến pháp luật. Năm 1986, chính quyền nắm được một băng ghi âm, trong đó Fenn ca ngợi một chiếc rìu bằng đá bị bọn đào mộ cổ lấy trộm ở Arizona. Lục soát galery, cảnh sát tịch thu một số hiện vật nhưng vụ việc không tiến triển đến đâu. Năm 2009, cảnh sát lại nghi ông có dây mơ rễ má với bọn chuyên đào mộ cổ, cuộc điều tra tiếp tục kéo dài trong vài năm và kết thúc bằng việc bắt giam 23 người. Ba người tự kết liễu đời mình, còn Fenn bị tịch thu hai hiện vật nhưng kịp thoát tội.

Đến giữa thập niên 1980, galery mang lại cho Fenn sáu triệu USD mỗi năm (tính theo bây giờ tương đương với 14,2 triệu USD). Ông thường xuyên tổ chức những dạ tiệc cho khách hàng, trong đó có nhiều chính khách thanh thế và ngôi sao Hollywood trong một lâu đài nuôi hai con cá sấu tên là Elvis và Beowulf. Những kẻ ghen ghét thì tung tin đồn rằng bản thân Fenn cũng giống như loài cá sấu nhưng ông không tự ái và lờ đi, chỉ giải thích: “Kinh doanh nghệ thuật cũng giống như tôn giáo ấy mà”.

Báu vật bên trong chiếc hộp.

Chỗ đứng dưới trời sao

Năm 1988 Fenn đã 58 tuổi và phát hiện bệnh ung thư ác tính, các bác sĩ bảo trong trường hợp may mắn thì ông chỉ còn sống được ba năm. Ông nhớ lại: “Hoàn toàn không muốn mình bị đặt vào hộp và lấp đất đi, nằm dưới đất tôi thấy quá tăm tối và lạnh lẽo. Tôi thấy tốt nhất là vào một ngày nắng ấm mình đi lên núi ngồi dưới một gốc cây, xung quanh là không khí và hương vị mát lành của thiên nhiên để cho thân thể mình chầm chậm tan ra rồi biến vào đất đai. Thế thì còn gì bằng”…

Fenn quyết định bán lại galery và suy nghĩ nghiêm túc về cái chết. Về sau ông khẳng định rằng chính khi ấy trong ông xuất hiện những ý nghĩ đầu tiên về kho báu, theo ông, hộp chứa bảo vật phải nằm cạnh thi thể ông và sẽ thuộc về người nào đã tìm thấy nó. Đầu tiên ông mua một chiếc hộp cổ bằng đồng với giá 25 nghìn USD, sau đó tìm một nhà văn soạn tiểu sử và con đường đến với kho báu của mình, nhưng chẳng thuê được ai, có lẽ vì họ không thích cái ý tưởng tôi sẽ chết ở đâu đó giữa những cây cối.

Nhưng các bác sĩ đã nhầm to. Ba năm trôi qua. Cái u bướu đã không trở lại. Mặc dầu vậy, Fenn không chịu rời chiếc hộp. Trong vòng 20 năm tiếp theo, ông bổ sung vào đó những đồng tiền vàng, những viên hồng ngọc, lam ngọc, kim cương, đá quý, những pho tượng hình động vật nho nhỏ có từ trước thời Cristoforo Colombo tìm ra châu Mỹ, đôi gương soi khảm vàng, những đồ trang sức tinh xảo của Trung Hoa cổ và nhiều vật quý hiếm khác. Kho báu ấy nặng gần một 10 kg và – theo những đánh giá khác nhau – trị giá từ một đến hai triệu USD.

Khoảng mươi năm trước, Fenn quyết định không chờ chết mà tìm cách giấu kho báu ấy đi. Ông bí mật đem chiếc hộp báu vật đi giấu tại một chỗ khiêm tốn, được vài tháng thì kể lại chuyện đó trong hồi ký của mình. Cuối cuốn sách ông tự xuất bản bằng tiền túi là một bài thơ của ông có chứa những mật mã để dẫn tới chỗ cất kho báu. Tập hồi ký chỉ ấn hành một nghìn bản nên mới đầu không được ai để ý đến, nhưng sau đó hai năm tạp chí Newsweek có kể chuyện về kho báu và mời ông đến chương trình truyền hình Today trên kênh NBC. Sau đó thì hàng triệu người biết, và bắt đầu cơn sốt thực sự.

Chính Fenn khẳng định rằng có khoảng 350 nghìn người săn tìm kho báu của ông, một số người bỏ công ăn việc làm và tiền tiết kiệm để vào cuộc. Không chỉ một lần họ đào xới nghĩa trang và công viên quốc gia, gọi điện cho Fenn với những lời hăm dọa. Năm 2018, kẻ trộm còn đột nhập nhà ông và định mang đi một chiếc rương tưởng rằng chứa báu vật, nhưng kỳ thực trong đó chứa toàn đồ ngủ. Fenn cùng con gái đã giương súng lục chặn tay tên trộm cho đến lúc cảnh sát ập đến.

Trong cuốn hồi ký có hé mở rằng Fenn giấu kho báu ở đâu đó trên dãy núi Rocky ở phía bắc Santa-Fe, còn bài thơ thì nửa kín nửa hở gọi tên của những hẻm núi, dòng sông và chi tiết lập lờ hai nghĩa về sự bốc cháy. Những người săn tìm kho báu ngờ rằng Fenn ngụ ý nói đến một cái cây hay vách đá có hình thù khác lạ, dấu vết một cuộc cháy rừng hay có thể là cách đánh dấu trên thân cây. Nhưng địa bàn tìm kiếm rất rộng, tới hàng trăm kilomet vuông. Về sau Fenn có thêm vào một số mắt xích, cụ thể là thừa nhận hộp không giấu ở nghĩa trang, giếng nước hoặc bất kỳ công trường nào đó, chỉ nên tìm ở bốn bang Montana, Wyoming, Colorado và New Mexico.

Những vị trí thỏa mãn với tất cả tiêu chuẩn của Fenn là rất ít, nhưng lại là xó xỉnh hoang dại và nguy hiểm, nơi đầy rẫy gấu rừng, sấm chớp, vực thẳm và thiên thạch rơi trên dãy núi Rocky! Trong những năm gần đây, chỉ một trong từng ấy nguyên nhân đã mang lại cái chết cho con người, cho nên để đi được đến đấy cần có sự chuẩn bị.

Khá nhiều, nếu như không phải đa số người bị câu đố của Fenn quyến rũ, rất hiểu những gì sẽ chờ họ trên núi. Nhà tâm lý học Robert Davies từng đi tìm kho báu từ năm 2015 nhớ lại: sau khi giải mã ngỡ mang bao tải đến đựng châu báu rồi về. Ông từng đến những chỗ người khác không thể tới được ở Colorado, xung quanh lượn lờ hàng đàn sư tử, tới nơi mới thấy mọi sự chẳng đơn giản tí nào. Vượt qua một dốc đứng, ông đã suýt ngất đi dưới một chân thác, may mà còn sống sót…

Những nhà săn tìm bị thiệt mạng

Nạn nhân đầu tiên của kho báu Fenn là Ràndy Bilyeu, 54 tuổi, mất tích năm 2016, mấy tháng sau mới tìm thấy bộ xương trên bờ sông Rio Grande ở New Mexico. Một năm sau ba người nữa: linh mục Paris Wallace 52 tuổi chết đuối cũng ở sông Rio Grande; Eric Ashby 31 tuổi chết khi bơi qua sông Arkansas ở Colorado; còn Jeff Murphy 53 tuổi thì tan xác sau cú ngã từ vách đá ở Yellowstone.

Tháng 2 năm 2020, ông Michael Sexon, 58 tuổi cùng người bạn đường 65 tuổi rơi vào thế khó ở bang Uintah – họ tin rằng kho báu cất giấu tại đây – trong khu rừng cấm có bộ xương khủng long hóa thạch dưới chân dãy núi Uintah, nhưng không đi nổi – xe mô tô trượt tuyết của họ chúi mũi vào một lớp tuyết dày. Những người tìm kho báu phải gọi cấp tốc đến cơ quan cứu hộ địa phương và ngay trong ngày đó đã được cứu thoát. Thất bại không làm họ nản lòng, ngày 17 tháng 3, Sexon và người bạn lại thuê hai xe mô tô trượt tuyết đến chỗ cũ. Mặc dù trời rất lạnh mà họ mặc không đủ ấm, chỉ mang theo cuốn hồi ký của Fenn, một ít thỏi chocolate và đôi bình nhựa chứa nước uống, khi bão tuyết lồng lên, họ bỏ lại tất cả và tiếp tục đi bộ. Được vài tiếng đồng hồ mới biết nhầm đường, điện thoại di động không làm việc được nên không thể gọi người đến cứu. Chiến dịch cứu hộ kéo dài đến mấy ngày, phải tìm thâu đêm suốt sáng mới thấy chỗ họ bỏ lại chiếc xe hòm, qua một ngày nữa thì tìm được xe mô tô trượt tuyết, sau đó mới gặp được ông già 65 tuổi đi cùng với Sexon – ông này đang tìm kiếm chỗ có sóng điện thoại, còn Sexon lúc đó đã chết vì quá lạnh.

Chìa khóa mật mã ở đâu?

Sexon là người cuối cùng bị thiệt mạng trong cuộc kiếm tìm kho báu của Fenn trong khi Uitah là bang không có tên trong danh sách được Fenn nhắc đến. Nhưng ông ta cũng như nhiều người khác suy diễn và bị nhà sưu tập đánh lừa bằng thơ. Ví dụ, luật sư Boyd Hill cho rằng thơ Fenn là mô phỏng một truyền thuyết của vùng Scandinava. Hill tính rằng kho báu phải chôn ở bang Montana, phía bắc Hõm chảo Yellowstone nên đi đến đấy, nhưng chỉ thấy toàn những gấu, sói và sư tử, đành phải rút lui.

Barbara Anderson, nữ luật sư 47 tuổi ở Chicago xem trong blog của Fenn, để ý thấy ảnh nhà sưu tập đăng một chiếc mũ sờn rách có một lỗ thủng hình vuông. Theo ý kiến cô thì lỗ thủng đó có ý nói đến New Mexico, bang ấy đúng là có hình vuông. Anderson đã 20 lần, tiêu tốn hàng nghìn USD, mang theo chú chó cưng Cake đến New Mexico nhưng vẫn chẳng tìm thấy kho báu. Rốt cuộc cô luật sư này cho rằng có kẻ đã đột nhập vào máy tính, ăn cắp chìa khóa mật mã của mình và theo dõi suốt cuộc hành trình nên cô chuẩn bị kiện ra tòa để chứng minh quyền sở hữu kho báu.

Một người khác tên là David Christensen chọn Wyoming làm địa bàn tìm kiếm, nhưng lộ trình không dẫn đến kho báu mà đến… tòa án. Ông ta đánh rơi ba lô xuống một khe hẻm ở Yellowston, định lần xuống tìm và mất tích. Những người cứu hộ phải mất vài tiếng đồng hồ mới lôi được ông ta lên trong nhiệt độ dưới âm. Ba tháng sau tòa phạt Christensen bốn nghìn USD đồng thời tước quyền tự do bảy ngày đêm và cấm trở lại Yellowston cho đến hết năm 2025.

Còn bà Miriam de Fronzo, thợ massage 50 tuổi, đã mất ba năm rưỡi và phần lớn tiền tiết kiệm của mình cho việc tìm kiếm. Bà ta nghĩ rằng bài thơ của Fenn là một phép đảo chữ nên chuyển tất cả những con chữ đó thành một bài khác và thông báo rằng kho báu ắt được giấu ở New Mexico. Đầu tháng 6, de Fronzo thuê một chiếc ô tô địa hình đến đó để kiểm tra mình đoán có đúng hay không, nhưng khi đến tận nơi thì đã chẳng thấy gì vì đã có người đến trước. Kho báu đã được tìm thấy khi bà chưa kịp đến.

Kho báu thấy rồi

Ngày 6 tháng 6 năm 2020, chính Fenn ra tuyên bố kho báu đã được phát hiện. Không còn nghi ngờ gì nữa, người tìm ra nó đã gửi cho ông bức ảnh kho báu. Ông viết: “Cuộc tìm kiếm đã hoàn tất! Kho báu nằm dưới thung lũng cây cối tươi tốt ở dãy núi Rocky, nơi hơn 10 năm trước tôi đã chôn giấu. Tôi không quen người phát hiện ra kho báu, nhưng những câu thơ trong cuốn sách tôi viết đã dẫn anh ta đến đúng tọa độ cần thiết. Tôi muốn chúc mừng hàng nghìn con người đã từng tham gia vào việc tìm kiếm. Tôi tin rằng những niềm hy vọng vẫn cứ cuốn hút họ vào những khám phá mới”.

Ông Forrest Fenn cùng vợ chuyên sưu tầm tranh và cổ vật.

Trong tháng 6, Fenn đã đích thân gặp người đó và cùng anh ta kiểm lại các thứ chứa trong hộp. Chiếc hộp hầu như không thay đổi, tuy màu có sẫm lại vì thời gian và độ ẩm. Những đồng tiền vàng và đá quý vẫn yên vị, chúc thư trong lọ thủy tinh cũng không bị suy suyển. Nhà sưu tập đã 90 tuổi chỉ hơi ngạc nhiên khi thấy chiếc kéo được đặt trong hộp, ông bật ra câu hỏi: “Tôi đặt chiếc kéo vào đấy để làm gì ấy nhỉ?”. Về sau, người phát hiện ra kho báu kể lại: “Tôi cũng làm sao biết được, thiết nghĩ, đấy là chiếc kéo của một pharaon Ai Cập thuộc Vương triều thứ 18 (trị vì vào khoảng những năm 1332-1323 TCN) hay là thứ gì đó tương tự như thế. Nhưng không phải”.

Khám phá này có làm cho Fenn hơi bị thất vọng. Khi viết hồi ký ông đâu có dám nghĩ rằng cuộc chạy đua vào kho báu lại có quy mô lớn đến thế và cũng không tính đến một kết thúc tương tự. Ông thú nhận với phóng viên của ấn phẩm The New Mexican: “Tôi nửa vui, nửa buồn bởi vì cuộc đua đã kết thúc”. Sau đó ba tháng, Forrest Fenn qua đời, không phải trong chốn rừng sâu heo hút như ngày nào ông từng mơ ước, mà tại nhà mình ở Santa-Fe.

Về người tìm được hộp báu vật thì hầu như không ai biết gì. Anh ta đề nghị Fenn đừng nói ra danh tính của mình và nhà sưu tập đã giữ được bí mật ấy cho đến lúc chết, chỉ tiết lộ mỗi một điều: đó là người đàn ông đến từ bờ biển phía Đông của nước Mỹ. Tháng 9, người tìm được hộp báu vật có đăng trên internet câu chuyện về cuộc tìm kiếm của mình và cuộc gặp gỡ với Fenn, trong đó thú nhận rằng có thể được gọi là Thế hệ Millennials (còn được biết đến với tên gọi Thế hệ Y - hệ nhân khẩu tiếp theo của thế hệ X và trước thế hệ Z), tức là người ra đời vào khoảng đầu thập niên 1980 đến giữa thập niên 1990. Anh ta khẳng định đã đoán ra mật mã của Fenn từ năm 2018, nhưng phải mất thêm một tháng nữa để tìm được tọa độ chính xác. “Trước đó vài năm tôi đã được nghe chuyện về Forrest Fenn. Tôi rất thích nghĩ rằng mình có thể tìm được kho báu vì tôi tin là mình nắm được chìa khóa mật mã và bám chắc vào linh tính”.

Dự đoán đúng chìa khóa mật mã như thế nào thì anh ta cũng không tiết lộ. Trong chuyện kể của người tìm được kho báu có nói rằng “sự bốc cháy giả định” trong thơ Fenn cách chỗ giấu kho báu dưới 300 mét nhưng không nhắc bài nào về ngụ ý của từ “sự bốc cháy”. Điều đó đã đánh đố tất cả những ai đã dành không chỉ một năm cho cuộc đua đến kho báu, họ đã không nhận được báu vật mà còn không tìm được bài giải cho những câu hỏi của mình, nên chẳng ngạc nhiên khi nhiều người không chịu tin vào Fenn.

Nhiều bí mật mang theo xuống mộ

Một phái thì coi rằng nhà sưu tập đã tự mình đến lấy lại chiếc hộp để người khác khỏi tìm thấy, còn phái khác thì cho là nhà văn Douglas Preston đã kết bạn với Fenn nên có thể đoán ra câu đố của ông và tìm ra chỗ giấu… Còn phái thứ ba thì hồ nghi về sự tồn tại của con người tìm ra kho báu, kho báu đó vẫn được giấu đâu đó trên dãy núi Rocky và vẫn có thể tìm được…

Fenn nói dối để làm gì? Không ai biết được! Có thể là ông muốn trốn tránh những rắc rối mới sẽ nảy sinh hay những vụ kiện cáo. Ví dụ, tháng 12 năm 2019 đã có một vụ: người tên là David Harold Hanson từ bang Colorado cáo buộc rằng mình đã nghiên cứu thơ của Fenn và tìm đến đúng vị trí, nhưng không thấy kho báu nào cả. Hanson cho rằng chính Fenn là người có lỗi và đòi nhà sưu tập phải đưa cho mình 1,5 triệu USD.

Còn Brian Erskine từ bang Arizona thì đoán rằng bài thơ miêu tả một chỗ ở khoảng giữa hai thành phố Silverton và Ouray trên núi San Juan ở Colorado. Bởi vì không thấy kho báu ở đấy, nên ông kết luận hộp báu vật chỉ được giấu một cách tượng trưng và đòi Fenn phải ra tòa.

Cũng có những người không tin vào kho báu. “Tôi tin rằng thậm chí Fenn đã không cất giấu kho báu, - người vợ cũ của Ràndy Bilyeu, người thiệt mạng đầu tiên tuyên bố. – Ông ta muốn nổi tiếng và bằng cách đó đã nhận được sự nổi tiếng”.

Một người săn tìm khác là Read Randall đưa ra cách giải thích gần giống với sự thật. Ông ta cho rằng Fenn bịa ra chuyện cất giấu kho báu để đánh lạc hướng nhà chức trách vì đang bị họ nghi có liên quan đến những băng đào trộm mộ cổ. Và hàng chục nhà tìm kiếm chuyên nghiệp cùng hàng ngàn người tìm kiếm nghiệp dư đã đổ xô vào cuộc. “Các vị thử nghĩ mà xem – Randall bình luận. - Năm 2009 ông ta đã bị khám xét và đúng một năm sau thì cuốn hồi ký được ấn hành”.

Trong câu chuyện này sẽ chẳng bao giờ có dấu chấm hết. Bài tuyên bố tháng 6 của Fenn đã không chấm dứt cuộc tìm kiếm kho báu. Đối với nhiều người thì kho báu có tồn tại hay không - điều ấy chẳng còn quan trọng. Bây giờ vấn đề quan trọng không phải là chiếc hộp mà nhà sưu tập đã mang bí mật về nó xuống mồ. Chừng nào chưa tìm ra bài giải cho những bí mật đó, chừng ấy cuộc tìm kiếm vẫn chưa kết thúc…

Đăng Bẩy (theo lenta.ru)

Nguồn CSTC: http://cstc.cand.com.vn/phong-su-tieu-diem/bi-an-hop-bau-vat-tren-day-nui-rocky-622716/