Bí ẩn hồ miệng núi lửa chuyển thành màu đỏ sau một đêm

Hồ miệng núi lửa Lonar ở bang miền tây Maharashtra của Ấn Độ được hình thành cách đây 50.000 năm do va chạm thiên thạch và có màu xanh cho đến đêm 11-6 nó biến đổi thành màu hồng đỏ.

Hồ miệng núi lửa Lonar vào ngày 11-6. Ảnh: The Weather Channel India.

Hồ miệng núi lửa Lonar vào ngày 11-6. Ảnh: The Weather Channel India.

Điều này khiến những người đam mê thiên nhiên thích thú, còn các chuyên gia thì cho rằng nó đổi màu do thay đổi mức độ mặn và sự hiện diện của tảo trong nước.

Hồ Lonar hình thành khoảng 50.000 năm trước, khi một thiên thạch đâm vào Trái đất, nằm cách thủ đô Mumbai của Ấn Độ 500 km và là một địa điểm phổ biến của khách du lịch và môi trường.

Khi những bức ảnh về màu nước mới của hồ bắt đầu lan truyền trên phương tiện truyền thông xã hội, các chuyên gia nhận định rằng mặc dù Lonar đã từng thay đổi màu sắc trong quá khứ, nhưng sự biến đổi chưa bao giờ thay đổi rõ nét như vậy.

Hồ Lonar vào ngày 11-6-2019 và ngày 10-6-2020. Ảnh: ESA.

"Độ mặn trong hồ đã tăng lên còn mực nước giảm mạnh trong năm nay và thời tiết cũng trở nên ấm hơn dẫn đến sự phát triển quá mức của tảo", nhà địa chất học Gajanan Kharat phán đoán trong một video do Tập đoàn Phát triển du lịch Maharashtra đăng tải trên Twitter.

"Tảo này chuyển sang màu đỏ trong nhiệt độ ấm hơn và do đó hồ chuyển sang màu hồng đỏ qua đêm", Kharat giải thích.

Các quan chức từ bộ lâm nghiệp của bang đã thu thập các mẫu nước để xác định nguyên nhân chính xác đằng sau sự đổi màu của nước hồ, các chuyên gia cho biết.

Hồ miệng núi lửa Lonar đã đổi màu sau một đêm. Ảnh: The Weather Channel India.

Nhiều tháng nay, các nhà máy và văn phòng đóng cửa do dịch Covid-19, chỉ mới bắt đầu nới lỏng giãn cách trong tuần này, bầu trời xanh đã quay trở lại các thành phố bị ô nhiễm của Ấn Độ, làm dấy lên suy đoán rằng những hạn chế đi lại cũng có thể đã tác động đến hồ.

Ông Madan Suryavashi, Trưởng khoa địa lý Đại học Babasaheb Ambedkar của Maharashtra cho biết: "Không có nhiều hoạt động của con người do cách ly xã hội cũng có thể đẩy nhanh sự thay đổi".

"Nhưng chúng tôi sẽ chỉ biết nguyên nhân chính xác sau khi phân tích khoa học hoàn tất sau vài ngày tới," ông nói.

Hồ Lonar được phân loại là Di tích Địa lý Quốc gia và có chiều dài tối đa 1,8 km và độ sâu tối đa là 150 m.

HOA LAN

Theo Sciencealert, The Sun

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/khoahoc-congnghe/vi-moi-truong-xanh/item/44846702-bi-an-ho-mieng-nui-lua-chuyen-thanh-mau-do-sau-mot-dem.html