Bí ẩn đơn đao pháp

Đao pháp được coi là 'lá gan của trăm loại binh khí'. Để triển thủ được đao pháp - người cầm đao không chỉ nhuần nguyễn quyền cước cho thân xác khang kiện, mà còn phải luyện tâm đến luyện thần.

Tuy nhiên để đắc đạo thiên (chứng ngộ bản thể) đến được trường sinh bất lão thì khó người đạt được.

Không xem tay đao mà xem tay “thủ”

Nhìn võ sư Phạm Quang Thịnh, Môn phái Bình Định Gia biểu diễn bài “Long đơn đao” mềm dẻo như màn múa điêu luyện nhào lộn múa hoa thật khó có thể tưởng tượng đó là những đòn đánh chí mạng với đối phương.

Vừa biểu diễn đôi chân uyển chuyển, võ sư Thịnh vừa giới thiệu bài đao quyết cho chúng tôi hiểu một phần nào vẻ đẹp, sự nhanh nhẹn và sức mạnh vô biên... của đao pháp

“Thái cực đơn đao nhảy chuyền chảo mã - Bước lên bổ xuống bước xéo chém chân - Nhảy qua hai bên ngồi trên phải trái - Đâm đao phía trước bổ đều ba bên - Lui chân loan đao ngoáy đao đạp trái - Đảo đao dâm thẳng nghiêng người đạp ngang - loan đao hai bên bước ngang chém cổ - Chém phạt xoay vòng bốn cạnh hình vuông - Gạt đao phía sau đâm đao phía trước... - Lia đao một vòng kết thúc đơn đao”, võ sư Thịnh nói.

Theo võ sư Thịnh, trong các loại thì đao là thứ khí giới phổ thông và lợi hại hơn cả. Đao gồm các loại đơn đao, song đao và đại đao. Đao được ví là lá gan của trăm loại binh khí. Đao như mãnh hổ. Tùy theo các môn phái võ mà đao khác nhau về tên gọi khác nhau. Nhưng khi dùng đao lại sẽ dựa vào: Đơn đao xem triển thủ, song đao xem bộ pháp.

Trong đao có rất nhiều bài nổi tiếng khác nhau bắt chước tư thế của các con vật như: Tứ linh đao nhằm chỉ 4 loài thú thiêng (Long, Lân, Quy, Phượng)... Dựa trên việc mô phỏng động tác của bốn loài linh thú nói trên, bài võ được triển khai về bốn hướng Đông – Tây – Nam – Bắc và mỗi hướng đều có các động tác đại diện cho các con vật theo những thế mạnh đặc trưng.

Động tác mô phỏng long (rồng) hùng dũng uyển chuyển ở cả tấn công lẫn phòng thủ. Động tác mô phỏng lân (kỳ lân) hùng dũng thể hiện ở những thế đâm, tấn công mạnh mẽ và dứt khoát. Động tác mô phỏng con quy (rùa) chủ yếu là phòng thủ thể hiện ở các tư thế núp và lẫn tránh.

Động tác mô phỏng phụng (phượng hoàng) mang yếu tố uyển chuyển, rèn luyện thân thể dẻo dai, nhẹ nhàng. Ngoài những con vật chính còn những con vật phụ như rắn, hạc góp phần da dạng các thế võ trong bài toát lộ cả hình và ý trong các chiêu thức của bài.

Ngoài ra, còn rất nhiều bài đao nổi tiếng như: Ô long đao của Nguyễn Huệ, Huỳnh long đao của Trần Quang Diệu và Xích long đao của Lê Sĩ Hoàng...

Bài “Long môn đao” vừa biểu diễn thể hiện Long là rồng, Môn là cửa (cửa ải). Bài đao thể hiện như rồng bay uốn lượn, mềm mại và dũng mãnh vượt qua tứ cửa hay cửa ải. Long môn đao nói riêng và đơn đao nói chung đều sử dụng đơn đao đánh trên đồ hình hình chữ thập lặp lại tại các hướng. Các chiêu thức trong bài gồm trảm, phạt, khắc, đâm, chém, đỡ.

Võ sư Thịnh giải thích, khi sử dụng đao thì không nhảy nhót nhiều, một tay cầm đao, còn một tay không. Thường thì cầm đao tay phải. Sự thật thì tay cầm đao không khó, khó nhất là tay không cầm đao. Cho nên khi xem đao pháp của một người tới trình độ nào, ta chỉ cần nhìn vào tay không cầm đao của người đó, xem có tiến thoái tự nhiên theo đao pháp không.

Đối với song đao, bộ pháp là quan trọng, đường đao tuy phức tạp nhưng phải theo thứ tự, không được rối loạn. Đặc biệt, luyện đao cốt yếu ở chỗ định thủ. Định thủ là tay phải làm chủ được cây đao, không cúi đầu, cong lưng, thế đao đánh ra thu vào có mức độ, phải tưởng tượng trước mắt có địch thủ đang giao đấu với mình. Trọng lượng cây đao cũng phải được lưu ý.

Tập tục luyện đao thường mãnh liệt đã trải cả ngàn năm. Thời xưa lính tráng đấu nhau bằng khí giới ngắn, người dùng đao rất đông. Múa đao lên, đao rít vù vù, hàn quang khiếp người. Chỉ nghe gió đao rít mà không thấy bóng người, dũng mãnh, oai võ, hùng mạnh có thừa. Phong cách như mãnh hổ. Mũi đao, lưỡi đao là bộ phận nhọn sắc nhất chủ về tấn công, sống đao rộng, dài, kiên cố chuyên về phòng thủ.

Thời xưa, đao lại khá nặng, khi muốn chặt, bổ nhát nào cho kiến hiệu thì ra đao phải mau lẹ, có lực. Để biểu hiện được đặc điểm mạnh của đao thuật thì cần phải thành thạo, nắm vững các loại đao pháp và lực pháp. Phối hợp chặt chẽ được thân pháp, bộ pháp, nhãn pháp, đao pháp.

Khi dùng đao thì khí đầy lực mạnh, thân và đao hòa hợp, đao theo thân chuyển, từ thân thể kéo tứ chi để giúp đao phát lực. Bộ pháp phải nhẹ nhàng linh hoạt, nhanh nhẹn, vọt nhảy, xoay chuyển, tiến lùi tự nhiên thoải mái. Hai mắt tinh anh, ánh sáng hừng hực, vung đao nhanh chậm, nặng nhẹ tương ứng, thu duỗi tự nhiên. Đao pháp cơ bản của đơn đao có quấn đầu ôm gáy, múa hoa, cắt đỡ, bổ,chặt, thọc, đâm, chém, vớt…

Muốn trường sinh phải đắc đơn đao

Các chuyên gia về võ thuật cho biết, đơn đao là độc nhất vô nhị. Từ đơn đao có ý nghĩa rất đặc biệt. Đơn chính là Thái Cực, bao quát Âm Dương, đã tiềm ẩn sẵn trong lòng mọi người, và thu gọn lại ở thế cực tiểu, như hạt vừng (Thử) theo từ ngữ Trương Tam Phong.

Tu Đơn Đạo cốt là để Đắc Thái Cực, Đắc Đạo, vì Đơn chính là Đạo, là Thái Cực vậy. Đơn chính là Độc Nhất. Chỉ có Đạo là Độc Nhất Vô Nhị, cho nên gọi là Đơn. Trời được Một thời trong xanh, đất được Một thời đầy đặn, người được Một thời Trường Sinh. Định nghĩa này cho thấy, muốn trường sinh phải Đắc Đơn, Đắc Đạo, Đắc Nhất.

Định nghĩa này còn cho thấy, Đơn là Thái Cực tiềm ẩn trong thân. Người luyện đơn đao phải thu nhiếp ngũ khí, ngũ hành (tinh, thần, hồn, phách, ý) trở về Thái Cực. Theo võ sư Thịnh, để thu nhiếp tất cả về thái cực, trung cung phải tu luyện không hề đơn giản. Luyện đơn gồm nhiều giai đoạn, từ thấp đến cao, từ hữu vi đến vô vi, từ xác thân, đến tâm tư, đến Nguyên Thần.

Theo đó, con người có 3 phần. Phần Thiên gồm Thần, Nguyên Thần, Thái Cực, Thái Hư, Thiên Tâm, Đạo. Phần Nhân: Nhân Tâm, Phàm Tâm, gồm thất tình, lục dục, vọng niệm, thức thần. Phần Địa là Xác thân.

Và đảo ngược ba phần trên để đi từ thấp đến cao, từ hữu vi đến vô vi, từ hữu hình đến vô tướng, từ ngoài thân xác, hình hài vào đến Trung Điểm Tâm Thần, ta sẽ phải luyện từ phần thân xác, đến luyện tâm và luyện thần.

Để cho thân xác khang kiện ngoài dinh dưỡng ẩm thực, thuốc và luyện động công, nội công, khí công ta còn phải luyện quyền cước: Tấn pháp, thủ pháp, quyền pháp, cước pháp, thân pháp, nhãn pháp, thần pháp... Khí cơ thể đã mạnh, quyền cước đã thông tiếp tục luyện sang binh khí từ: Côn, thương, kiếm, đao... Phương pháp tu luyện xác thân như kể trên, rất là đa đoan, phức tạp.

Nhưng phương pháp trọng yếu nhất của khoa luyện Đơn là hô hấp. Ở đây không phải luyện hô hấp thường bằng phổi (ngoại hô hấp), mà còn phải luyện cả nội hô hấp - hô hấp qua tủy xương sống.

Tức là: Vận chuyển chân khí có sẵn trong tủy xương sống, từ Vĩ Lư lên Nê Hoàn (qua mạch Đốc), rồi lại từ Nê Hoàn qua Mạch Nhâm, xuống cho tới Sinh Tử Quan (Hội Âm, Âm Kiều, Hải Để). Chẳng những chuyển vận chân khí, mà còn ngưng thần ở Nê Hoàn... Thần Ngưng thì Khí tụ. Khí tụ tức Đơn thành.

Ngoài luyện thân đơn phải tu tâm. Buông bỏ mọi thứ để tâm thanh tịnh và tĩnh lặng, đạt được khai sáng “tuệ giác chói lói”. Và cuối cùng là giai đoạn luyện thần là tìm được ra chân tướng của con người, tìm ra đoan đích, tìm ra được đầu giây, mối rợ của khoa luyện Đơn.

Đó là giai đoạn tìm ra được: Thái Cực, được trời, được đạo tiềm ẩn trong Tâm. Khi đã đạt được như vật người luyện đơn mới hiểu tại sao Đơn lại là “Trường Sinh Dược”. Đơn chính là Đạo, chính là Thái Cực. Mà Thái Cực hay Đạo thời Trường Sinh, vĩnh cửu, nên Đắc Đạo, Đắc Nhất, Đắc Đơn, Đắc Thiên sẽ được Trường Sinh.

Tuy nhiên, theo các chuyên gia, võ sư dùng đơn đao có thể nhiều nhưng để Đắc đao thì không có mấy người đạt được.

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/the-thao/bi-an-don-dao-phap-ld0IJlPGg.html