Bí ẩn 'điệp viên Trung Quốc' đào tẩu sang Australia

Một nam giới Trung Quốc tự xưng là điệp viên nước này đào tẩu sang Australia đã hé lộ nhiều bí ẩn về hệ thống tình báo Trung Quốc.

Mới đây (tháng 11/2019) truyền thông Australia đưa tin rầm rộ về một nhân vật Trung Quốc tên là Wang “William” Liqiang (Vương Lập Cường) được xem là một điệp viên Trung Quốc bỏ trốn sang Australia.

Nhân vật Vương Lập Cường này đã trả lời các cuộc phỏng vấn của báo chí Australia, qua đó anh ta đã hé lộ nhiều thông tin mật về hoạt động tình báo của Trung Quốc ở Hong Kong, Đài Loan, và Australia mà trong đó anh ta có tham gia trực tiếp.

Hình ảnh minh họa về hoạt động tình báo của Trung Quốc. Ảnh: iStock.

Hình ảnh minh họa về hoạt động tình báo của Trung Quốc. Ảnh: iStock.

Các cơ quan truyền thông mà Vương chia sẻ thông tin bao gồm “The Age”, “Sydney Morning Herald”, và chương trình truyền hình “60 Minutes”.

Vương kể, anh ta vô tình trượt sâu vào vòng xoáy của các hoạt động mật này. Ban đầu anh ta tham gia chỉ vì lòng yêu nước.

“Thành thật mà nói, đối với một người Trung Quốc, công việc này là hấp dẫn,” Vương nói. “Bạn được trả lương tốt mà lại đồng thời được làm việc vì đất nước”.

Vương chia sẻ thêm rằng lúc đó hai chữ “gián điệp” không xuất hiện trong đầu anh ta mà anh ta chỉ nghĩ đó là nhiệm vụ cần làm vì tổ quốc.

Điệp viên thật hay chỉ là tội phạm hình sự đơn thuần?

Theo thông tin từ báo chí Australia, Vương Lập Cường bắt đầu công tác tình báo vào năm 2014 với một công ty ở Hong Kong. Theo Vương, đây là một công ty bình phong cho tình báo quân sự Trung Quốc. Vương kể, nhiệm vụ của mình là xâm nhập vào các trường đại học và cơ quan truyền thông địa phương... Anh ta khi ấy đặc biệt chú ý đến các phần tử bất đồng chính kiến tại Đặc khu hành chính này.

Vương kể, một nhiệm vụ gần đây của anh ta là dùng 1 tấm “hộ chiếu Hàn Quốc” để sang Đài Loan trong bối cảnh năm 2020 sẽ có bầu cử cho vị trí người đứng đầu chính quyền tại đây..

Suy nghĩ nhiều về các hoạt động nghiệp vụ của mình, cuối cùng Vương quyết định quay lưng lại tổ quốc của chính mình và đào tẩu sang Australia, nơi vợ anh ta đang học hành và sống cùng đứa con thơ của hai người.

Nhưng cái giá cho sự đào tẩu đó là rất lớn đối với Vương Lập Cường. Vương cho biết, cả gia đình anh ta lẫn gia đình vợ đều làm cho nhà nước ở lục địa Trung Hoa. Cha anh ta thậm chí là một quan chức địa phương. Anh ta lo người thân của mình sẽ gặp vấn đề.

Phản ứng chính thức đầu tiên ở Trung Quốc lục địa đến từ cơ quan công an Thượng Hải – họ đã ra một thông báo nói rằng Vương là một gã thất nghiệp 26 tuổi đã lừa đảo tới 4,6 triệu nhân dân tệ (tương đương 653.000 USD). Báo chí Australia thì lại nói anh ta đã 27 tuổi.

Cảnh sát Thượng Hải (Trung Quốc) cho biết, Vương đã bị kết 15 tháng tù treo và cũng bị kết tội làm giả hộ chiếu và giấy cư trú Hong Kong.

Vương cho biết, anh ta tới Australia vào tháng 4/2019 và mất nhiều tháng để chuyển từ nhà này sang nhà khác, thường xuyên thay đổi lộ trình và luôn cảnh giác về mọi thứ xung quanh.

Tờ “Sydney Morning Herald” cho biết, Vương cuối cùng đã được Tổ chức Tình báo An ninh Australia (ASIO) liên lạc.

Tờ báo này cho hay, Vương hiện giờ vẫn đang đợi chờ một quyết định rõ ràng về đơn đề nghị của anh ta xin được tị nạn chính trị.

Câu chuyện bên Mỹ

Hôm 22/11/2019, một cựu nhân viên CIA (Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ) đã bị kết án 19 năm tù. Người này trước đó có thể đã hủy hoạt hoạt động thu thập tình báo của Mỹ ở Trung Quốc bằng việc giao nộp mạng lưới cơ sở mật của Mỹ cho các đặc vụ Trung Quốc.

Jerry Chun Shing Lee, một công dân Mỹ đã làm việc cho CIA từ năm 1994 đến năm 2007, bị bắt vào tháng 1/2019 vì tội sở hữu trái phép thông tin quốc phòng mật của Mỹ. Các công tố viên cáo buộc Jerry đã trao các thông tin này cho các đặc vụ tình báo Trung Quốc.

Cáo trạng nhằm vào Jerry nói rằng anh ta sống ở Hong Kong năm 2010 và bắt đầu nhận tiền từ các đặc vụ Trung Quốc – những người này yêu cầu Jerry cung cấp thông tin nhạy cảm về CIA.

Nhưng vào tháng 5/2019, Jerry (55 tuổi) chỉ nhận tội âm mưu cung cấp thông tin quốc phòng để hỗ trợ một chính phủ nước ngoài, và ông ta khăng khăng nói rằng chính phủ Mỹ không bao giờ chứng minh được là ông đã đưa cho Trung Quốc mọi loại thông tin hoặc nhận 840.000 USD từ phía Trung Quốc.

Timothy Slater, một trợ lý giám đốc ở văn phòng Washington của FBI, nói rằng “Lee phản bội đất nước mình chỉ vì lòng tham; anh ta đã khiến các đồng nghiệp cũ của mình gặp nguy hiểm”.

Slater nói tiếp: “Mức độ nghiêm trọng trong sự phản bội và tội lỗi của anh ta được thể hiện trong bản án hôm nay”.

Lộ mạng lưới tình báo của CIA

Vụ án Jerry này đã làm dấy lên nhiều đồn đoán về những gì ẩn giấu bên dưới, bởi vì chính phủ Mỹ đã mất tới 6 năm từ khi bắt đầu điều tra Jerry để bắt anh ta.

Truyền thông cho hay, việc CIA bị lộ mạng lưới cơ sở cung cấp tin ở Trung Quốc đã khiến tổ chức này hứng chịu thiệt hại nặng nề trong khoảng thời gian từ năm 2010 đến 2012.

Tờ New York Times hồi năm 2017 đưa tin nói rằng phía Trung Quốc đã xử tử ít nhất 12 nguồn tin của CIA ở Trung Quốc và bỏ tù ít nhất 6 người khác.

Sau tổn thất này, giới chức tình báo Mỹ đã săn lùng “kẻ cài cắm” và đã phát hiện ra một cựu nhân viên mà vào năm 2017 đang sống ở đâu đó tại châu Á.

Thời còn công tác cho CIA, Jerry được tiếp cận thông tin về các phương pháp mật để thu thập tình báo và các nguồn tin trên thực địa.

Khi các nhà điều tra của FBI (Cục Điều tra Liên bang Mỹ) bắt đầu dồn sự chú ý vào Jerry vào năm 2012 thì ông ta đang sống ở Hong Kong và đang tìm cách để được CIA tuyển dụng lại.

Lúc đó FBI đã lục hành lý của Jerry và tìm thấy dữ liệu về nhân lực của CIA và thông tin do họ cung cấp, cũng như địa điểm gặp gỡ, số điện thoại và các thiết bị mật.

Bản cáo trạng nêu rõ, “thông tin trên có giá trị lớn” đối với Trung Quốc.

Cáo trạng cũng nói rằng từ năm 2010 đến 2012, Jerry đã nhận hàng trăm ngàn USD và các chỉ đạo về nhiệm vụ từ 2 đặc vụ Trung Quốc.

Nhưng các công tố viên Mỹ và CIA chưa bao giờ trực tiếp tố Jerry đã phản bội lại mạng lưới của CIA tại Trung Quốc. Họ cũng không bao giờ công khai thừa nhận rằng mạng lưới này đã bị lộ và bị triệt phá mặc dù một số chuyên gia tình báo xác nhận điều này.

Jerry là cựu cán bộ tình báo Mỹ thứ 3 trong chỉ hơn một năm bị kết tội liên quan đến làm gián điệp cho Trung Quốc.

Vấn đề sở hữu trí tuệ giữa Mỹ và Trung Quốc

Giới chức Mỹ cho hay, còn có một công dân Trung Quốc, cựu nhân viên của tập đoàn Monsanto (Mỹ) đã bị buộc tội làm gián điệp công nghiệp và đánh cắp bí mật thương mại.

Trong một thông báo hôm 21/11, Bộ Tư pháp Mỹ nói rằng người này, tên là Haitao Xiang, đã bị bắt vào tháng 6/2017 tại một sân bay với chiếc vé máy bay một chiều đi Trung Quốc, khi đang mang theo phần mềm do tập đoàn Monsanto phát triển để hỗ trợ nông dân nâng cao sản lượng vụ mùa.

Xiang đối mặt với bản án 15 năm tù và bị phạt 5 triệu USD cho mỗi tội danh gián điệp (anh ta bị quy 3 tội danh), cùng với mức tù nặng và mức phạt cho 3 tội danh ăn cắp bí mật thương mại.

Trước vụ này, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng hôm 22/11 nói rằng đây chỉ là một trường hợp đơn lẻ và Mỹ đang lợi dụng vụ này để vu cho Trung Quốc về việc thực hiện có tổ chức các hoạt động đánh cắp tài sản trí tuệ của Mỹ./.

Trung Hiếu/VOV.VN lược dịch
Nguồn: Martin/AFP

Nguồn VOV: https://vov.vn/the-gioi/bi-an-diep-vien-trung-quoc-dao-tau-sang-australia-982580.vov